Dám đối diện cái khó để nâng tầm chính mình
VHO- Sau những đêm tranh tài sôi nổi của các thí sinh khu vực phía Nam, 7 thí sinh khu vực phía Bắc đã có cơ hội quan sát, rút kinh nghiệm để chuẩn bị tiết mục hết sức chu đáo, đặt vai diễn dự thi vào chuẩn mực của sân chơi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” đã được nâng lên tầm quốc gia.
Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thuý và quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương VN Triệu Trung Kiên tặng biểu trưng cuộc thi cho các thí sinh phía Bắc
Sự kiện do Sở VH&TT TP.HCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức. Các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam tham gia dự thi gồm: Lệ Hằng với vai bà Phán, mẹ chồng đanh đá trong trích đoạn Kêu cứu; NSƯT Hoàng Tùng với vai kép lão Trình Anh trong trích đoạn Trình Anh trả nghĩa; Minh Phương với vai đào mùi Trần Thị Dung trong trích đoạn Dấu ấn giao thời; Phương Nga trong trích đoạn Đêm cuối cùng của danh nhân; Như Quỳnh vai Mê Đê trong trích đoạn Mê Đê; NSƯT Thiên Hoa trong trích đoạn Vua Thánh triều Lê và Hải Yến vai Lý Chiêu Hoàng trong trích đoạn Lý Chiêu Hoàng…
Có thể thấy rất rõ tài năng, triển vọng cũng như độ chín trong nghề của các nghệ sĩ trẻ qua các tiết mục dự thi của mình. NSƯT Thiên Hoa tâm sự, chị đến với cuộc thi là để tìm kiếm chất liệu mới nhằm tiếp cận khán giả trẻ qua cách thể hiện sao cho nhân vật đời hơn, gần gũi hơn. Trong khi đó, NSƯT Hoàng Tùng cho rằng lâu nay, diễn viên sân khấu cải lương gần như mất niềm tin vào các liên hoan, hội diễn, khi mà quy chế chỉ chấm giải cho đào kép chính. Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 đã xóa đi mặc cảm của những nghệ sĩ chuyên đóng các vai phụ, để họ có cơ hội trổ tài, đúc kết kinh nghiệm diễn xuất.
Vòng sơ tuyển cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 tổ chức tại 3 địa điểm: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP. HCM) dành cho thí sinh khu vực phía Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam (Hà Nội) dành cho thí sinh phía Bắc và sắp tới là Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) dành cho thí sinh ĐBSCL. Vòng chung kết cuộc thi được tổ chức tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ ngày 26 đến 30.10. Đêm Gala trao giải thưởng dự kiến diễn ra vào tối 3.11.
NSƯT Hoàng Tùng và trích đoạn dự thi “Trình Anh trả nghĩa”
NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức từ năm 1991 luôn khiến các nghệ sĩ phía Bắc háo hức dõi theo. Nhiều lần, Nhà hát của ông muốn đưa diễn viên vào dự thi nhưng cơ cấu Giải thưởng lúc đó chỉ dành cho khu vực phía Nam. “Lần này, cuộc thi đã nâng tầm quốc gia, mở rộng tiêu chí cho các nghệ sĩ cả nước tham dự, là cơ hội cho người làm nghề được giao lưu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm biểu diễn. Hiệu ứng sau cuộc thi chính là cùng gánh vác sứ mệnh giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống đã hơn 100 năm tuổi này”, NSND Triệu Trung Kiên kỳ vọng.
“Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” không hướng đến con số 30 HCV, HCB mà là để rà soát nội lực hiện tại của lực lượng làm nghề, qua đó bổ sung nhiều bài học quý cho sàn diễn. NSND Thoại Miêu, thành viên Hội đồng Giám khảo vòng sơ tuyển, đánh giá: “Một giải thưởng tầm quốc gia không phải chỉ nhằm gặt hái huy chương mà là nơi để các nghệ sĩ nhìn lại mình, nâng cao giá trị sáng tạo. Cuộc thi là cơ hội để đặt ra những chuẩn mực mới trong diễn xuất các loại vai mà lâu nay tại các hội diễn chưa được xem trọng”.
Đánh giá chung về trích đoạn và trình độ dự thi của các thí sinh, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho rằng, các nghệ sĩ đã thực sự chăm chút về mặt diễn xuất và hình thức dàn dựng nên cho dù chỉ là trích đoạn hay một cảnh diễn ngắn cũng đã tạo được sức hấp dẫn. Điều này cũng thể hiện sự nghiêm túc làm nghề của những nghệ sĩ trẻ, mặc dù hoạt động sân khấu cải lương trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn. Cuộc thi cho thấy cải lương đã và đang có một lực lượng kế cận hùng hậu, dám đối diện với cái khó để nâng tầm cho chính mình trong nghề nghiệp.
ANH HIỆP