Đà Nẵng: Sân khấu Tuồng sẵn sàng “trở lại” phục vụ khán giả, du khách

VHO- Khi thành phố công bố có hoạt động du lịch, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) cũng công bố lịch biễu diễn từ ngày 1.12, tiếp tục các chương trình phục vụ công chúng và du khách.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: Tất cả những chương trình trong chương trình nghệ thuật Hồn Việt đã được các nghệ sĩ tập luyện thường xuyên và có thể diễn bất cứ lúc nào. Hiện nay nhà hát vừa xây dựng 1 vở lớn để sẵn sàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, đồng thời cũng sẵn sàng tham dự hội thi, hội diễn nếu có kế hoạch. Vở Tuồng Nghêu Sò Ốc Hến dự kiến cuối tháng 10 hoàn thành, đầu tháng 11 nhà hát sẽ tiếp tục hoàn thiện vở “Ngược sóng”. Căn cứ vào các chỉ đạo của thành phố và tình hình dịch bệnh, nếu như chưa có điều kiện biểu diễn phục vụ nhân dân thì nhà hát sẽ phục vụ biểu diễn theo hình thức trực tuyến, nhà hát chuẩn bị tinh thần sẵn sàng về khâu kỹ thuật, bộ phận xử lý, cũng như thời gian liên quan đến việc biểu diễn trực tuyến.

Đà Nẵng: Sân khấu Tuồng sẵn sàng “trở lại” phục vụ khán giả, du khách - Anh 1

Với lực lượng diễn viên như hiện nay, nhà hát hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc biểu diễn. Triển khai Đề án của Bộ VHTTDL về đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước, năm 2020 nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức sát hạch, tuyển dụng được 12 diễn viên, nhạc công để đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cho Tuồng. Bên cạnh học văn hóa, các diễn viên mới được học chuyên môn về nghệ thuật tuồng do chính các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như: NSND Xuân Hợi, NSND Hương Thơm, NSND Minh Gái, NSND Hồng Khiêm, NSND Trần Đình Sanh, nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam… trực tiếp giảng dạy, điều chỉnh theo phong cách nghệ thuật của xứ Quảng như học kiến thức về vũ đạo (múa) cơ bản; thể hiện các làn điệu theo đúng phong cách Quảng Nam; học kỹ thuật, hình thức biểu diễn… Đặc biệt, từ năm thứ 2 trở đi, các em được trải nghiệm thực tế thông qua việc tham gia múa cờ, trống hội, biểu diễn binh khí tại một số sự kiện lễ hội, lễ kỷ niệm lớn. Theo Giám đốc Trần Ngọc Tuấn, đây là lứa diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên nghiệp ở độ tuổi 19 - 20, là độ tuổi “vàng” để các em vừa hoạt động nghề vừa có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề.

Đà Nẵng: Sân khấu Tuồng sẵn sàng “trở lại” phục vụ khán giả, du khách - Anh 2

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh đang nỗ lực để hàng đêm lại được sáng đèn

Thực hiện Đề án phát triển nhà hát Tuồng đến năm 2025, nhà hát cũng xin thành phố giữ nguyên chỉ tiêu biên chế, không giảm định kỳ hàng năm bởi vì lớp diễn viên mới còn “non nghề”, các nghệ sĩ nhà hát tuy đã có tuổi nhưng nhà hát vẫn giữ để đảm bảo vừa biểu diễn vừa giảng dạy. Qua đó kỳ vọng sau 2 năm, bằng trải nghiệm thực tế và học tập từ các nghệ sĩ tài hoa của tuồng xứ Quảng, lớp diễn viên trẻ sẽ thực sự là nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng cho việc thành lập đội biểu diễn thứ 2 của nhà hát, góp phần thực hiện nhiệm vụ vừa bảo tồn vừa phát huy nghệ thuật Tuồng mà nhà hát đặt ra trong Đề án của Bộ VHTTDL. Đồng thời việc triển khai đề án trong thời gian tới sẽ góp phần duy trì bảo vệ giá trị của nghệ thuật Tuồng, từng bước củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, quảng bá nghệ thuật truyền thống. Đề án hướng đến mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2023 sẽ xây dựng sản phẩm nghệ thuật độc đáo có chất lượng cao để thu hút khán giả; từ năm 2030 đến năm 2025 triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực: Đạo diễn, biên kịch, nhạc sĩ sáng tác, dàn dựng cho Nhà hát. Đề quảng bá môn nghệ thuật truyền thống đặc biệt này, đề án cũng đưa ra mục tiêu đầu tư xây dựng 1 địa điểm mới có các điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tổ chức biểu diễn hàng đêm phục vụ khách du lịch. “Với đề án được phê duyệt chắc chắn sẽ giúp nhà hát tiến xa hơn, tạo dựng được nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng hơn cho người dân và du khách, đặc biệt đưa nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành một trong các đơn vị nghệ thuật Tuồng có chất lượng hàng đầu Việt Nam, trung tâm của miền Trung và thực hiện tự chủ chi thường xuyên được 20% kinh phí hoạt động từ năm 2025. Để thu hút khách du lịch thì chúng tôi có kế hoạch truyền thông tập trung ở mức cao hơn, như ngày xưa chỉ tập trung quảng cáo trong nội địa bây giờ có thể thông qua Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng để quảng bá ra nước ngoài. Dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của khách sau đó mới dựa vào đó định hướng truyền thông. Hình hài của chương trình nghệ thuật truyền thống lớn mà Nhà hát xây dựng vừa giữ bản sắc văn hóa Tuồng vừa đáp ứng tinh thần nghệ thuật phục vụ công chúng ở mức cao hơn”, ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.


NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc