Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình: Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc

VHO- Tối mai 10.6, tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Theo chương trình dự kiến, dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình: Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc - Anh 1

 Nhà trình quc thư ti Khu di tích lch s quc gia đc bit tr s Chính ph Cách mng lâm thi Cng hòa min Nam Vit Nam

 Ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc

Tại Lễ kỷ niệm sẽ có chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình, được thực hiện quy mô với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Sân khấu thực cảnh diễn ra ngay tại Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) với các hạng mục chính như: Bối cảnh sân khấu lễ, chiến trường Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh, chiến trường Nam Bộ, Tháp Eiffel (Pháp), cầu dây văng - bối cảnh mới của tỉnh Quảng Trị… Ngay sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa tầm thấp với số lượng pháo hoa 60 giàn, thời gian 10 phút.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: “Thông qua hoạt động Lễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng; ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời tri ân các tập thể, cá nhân từng chiến đấu, bảo vệ, phục vụ các hoạt động tại Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Để sự kiện diễn ra thành công, đảm bảo trang trọng, an toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phải được tổ chức khoa học, ngắn gọn, súc tích và hiệu quả; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, tự hào và có sức lan tỏa lớn.

Về chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, giao Sở VHTTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện Cam Lộ thẩm định nội dung, bố trí lịch tổng duyệt sớm. Đài PT&TH Quảng Trị tổ chức tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình Quảng Trị và phát trên đài các tỉnh, thành phố khác; tổ chức livestream trên các trang mạng xã hội…

Trước đó, sáng 6.6 tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. BTC Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học. Các tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khẳng định tính tất yếu về sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Làm rõ những dấu ấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; Làm rõ những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phát huy truyền thống cách mạng và giá trị Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng Quảng Trị văn minh, giàu đẹp.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Khu di tích Trụ sở làm việc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.

Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình: Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc - Anh 2

n khu chương trình thc cnh Mt Chính ph vì khát vng hòa bình đã sn sàng

Cần được quan tâm lưu giữ, tu bổ, tôn tạo

Trở lại thời điểm 50 năm về trước, sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1.1973, tỉnh Quảng Trị được giải phóng và trở thành nơi nối liền hậu phương lớn miền Bắc XHCN. Thế nhưng, bản đồ chiến sự vẫn lốm đốm màu lông báo. Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xây dựng ngay trong tầm pháo của địch, nhưng ngược lại địch cũng nằm trong tầm hỏa lực của ta.

Giữa lằn ranh bom đạn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để xây dựng trụ sở, tập hợp mọi lực lượng dân chủ yêu chuộng hòa bình. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay ở nơi gần tiền tuyến lớn miền Nam, động viên tinh thần quân và dân tin tưởng vào đường lối cách mạng để đi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.

Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại huyện Cam Lộ chỉ vỏn vẹn 2 năm (1973-1975), nhưng đã góp phần đưa cách mạng nước ta phát triển, có quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Trong 2 năm đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đón 49 đoàn khách quốc tế và đại sứ các nước đến trình quốc thư, đặc biệt là sự kiện đón tiếp lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Goerges Marchais… đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị; tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hữu nghị, dự hội nghị quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn năm châu...

Sau năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với đất nước và toàn bộ khu Trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. 50 năm qua, Di tích được bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp nhằm tái hiện một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng, khẳng định những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Địa chỉ đỏ văn hoá này trên tuyến lửa năm xưa (Đường 9) hằng ngày vẫn đón những du khách đến từ mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Đây là khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng cần được lưu giữ, tu bổ, tôn tạo tốt để làm nơi học tập, tham quan và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, nói đến Quảng Trị là nói đến các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày nay, Khu di tích là địa chỉ đỏ về truyền thống hào hùng của đồng bào, chiến sĩ cả nước; là nơi ghi nhận sự đóng góp của tập thể, cá nhân từng chiến đấu, bảo vệ, phục vụ các hoạt động tại Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Mặc dù đã qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo nhưng đến nay các hạng mục di tích đã xuống cấp, không phù hợp và ngang tầm với giá trị lịch sử của một di tích cấp quốc gia. Tháng 9.1985, do cơn bão số 8 tàn phá nên công trình khu trụ sở bị hư hỏng nặng. Vào đầu năm 2007, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng như phục dựng Nhà Chính phủ; một nhà nghỉ của các Đại sứ; xây nền móng và đặt bia ghi dấu của các khu nhà Bộ Ngoại giao, dãy nhà B1, B2, B3, B4 trên nền các công trình cũ; xây dựng Nhà bia di tích và các công trình phụ trợ khác... Tuy nhiên, từ đó đến nay, cùng với thời gian và sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung, khu di tích đã xuống cấp trầm trọng.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: “Với vai trò, giá trị lịch sử đặc biệt đó, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chúng tôi mong rằng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn lực để gìn giữ và phát huy giá trị của Khu di tích, xứng đáng là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam”. 

TRẦN THÀNH

Ý kiến bạn đọc