Cải lương tính chuyện lâu dài
VHO- Sân khấu Cải lương không còn ở giai đoạn hoàng kim; hoạt động tổ chức biểu diễn gặp nhiều trở ngại về cơ sở vật chất, chi phí đầu tư và tìm kiếm khán giả hiện đang là bài toán vô cùng nan giải. Tuy nhiên, giới nghề bằng những nỗ lực để vở diễn được dàn dựng hiện đại, ứng dụng nhiều thủ pháp mới, mở ra các sân chơi mới… đã giúp Sân khấu Cải lương trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước dần “nóng” trở lại.
Vở “Mạnh Lệ Quân kỳ nữ” của đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long luôn được khán giả đón nhận từ đầu năm 2022 đến nay
Hiện TP.HCM ngoài 3 đoàn công lập trực thuộc, thì Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng vừa ra mắt thêm hai sân khấu mới dành cho các tài năng trẻ. Còn với các đơn vị xã hội hóa như sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Chí Linh - Vân Hà, Tuồng cổ Huỳnh Long, Minh Tơ, Hậu duệ Thanh Sơn, Vũ Luân, Kim Ngân, Kim Tử Long... giờ đây nhiều hoạt động được bổ sung đã giúp cho tần suất tiếp cận với khán giả của họ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Có thể thấy, giá vé xem cải lương ở nhiều đoàn hát xã hội hóa không hề rẻ, từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 2 triệu đồng/vé, nhưng vẫn rất đông người mộ điệu đến thưởng thức những vở diễn có sự tham gia của các ngôi sao mà họ yêu mến như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Tuấn, Hồng Nga, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Chí Linh, Vân Hà, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… Trong đó, đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã trở thành điểm sáng của Sân khấu Cải lương TP.HCM với những vở diễn “cháy vé” như Mạnh Lệ Quân, Xử án Phi Giao, Hoàn Châu cách cách… Đoàn thường xuyên được mời lưu diễn ở nhiều tỉnh thành lân cận, mới đây nhất là miền Trung với 12 suất miễn phí kết hợp tặng quà cho bà con nghèo. Chương trình đã và đang biểu diễn các trích đoạn kinh điển như Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Song nữ loạn Viên môn, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau... được đông đảo khán giả miền Trung đón nhận.
Nếu như năm 2021, Sân khấu Cải lương đóng cửa hoàn toàn, thì từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động nhằm “hâm nóng” sàn diễn đã có chuyển biến tích cực. Vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt Sân khấu tài năng thiếu nhi dành cho các em nhỏ từ 6-13 tuổi. Đây là một nỗ lực rất đáng trân trọng và thể hiện ý chí xây dựng mang tính lâu dài của Nhà hát.
Cùng với đó, sự trở lại của nhiều cuộc thi cải lương tầm cỡ quốc gia sau thời gian dài gián đoạn cũng là những dấu mốc đáng khích lệ. Đối với nghệ sĩ, cuộc thi là thước đo tài năng, tạo động lực để họ nâng cao và trau chuốt kỹ năng làm nghề. Đối với công chúng, đây là một kênh tiếp cận tốt, vì các buổi thi mở cửa tự do để khuyến khích khán giả đến xem. Từ nay đến cuối năm, TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ có 3 cuộc thi là Tài năng diễn viên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022; Chuông vàng vọng cổ 2022 và Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2022, được xem cơ hội tuyệt vời để các diễn viên trẻ phát huy sáng tạo.
Hiện trong giai đoạn này, NSƯT Thoại Mỹ và các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc… đang tất bật trên sàn tập vở Đêm trước ngày hoàng đạo (kịch bản Võ Tử Uyên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) - tác phẩm mới của Sân khấu Đại Việt sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Hà Nội (dự kiến diễn ra trong tháng 9). Trước khi lên đường dự Liên hoan, Đêm trước ngày hoàng đạo sẽ ra mắt khán giả TP.HCM tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào đêm 27.8.
Cùng với đó, các game show về nghệ thuật cải lương cũng đang được đẩy mạnh sản xuất. Có thể kể đến Trăm năm ánh Việt do Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện, hiện đang thu hút hàng chục triệu lượt khán giả theo dõi. Đây là chương trình thực tế dành cho bộ môn cải lương, với quy mô đầu tư chuyên nghiệp cùng dàn thí sinh chất lượng. Qua đó, mong muốn nối dài sức sống cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đầy tính nhân văn, sáng tạo và độc đáo của dân tộc. Dàn giám khảo của Trăm năm ánh Việt là đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc cùng sự dẫn dắt duyên dáng của MC Bình Tinh cũng khiến chương trình ấn tượng và hấp dẫn người xem hơn.
Có thể thấy, những người làm cải lương vẫn đang nỗ lực vận động, đổi mới và sáng tạo để theo kịp thời đại. Đã có những tín hiệu tích cực nhưng trước sức ép của đa dạng loại hình giải trí thì có lẽ vẫn chưa đủ. Tuy khó khăn là thế, nhưng thời gian gần đây, các sân khấu công lập lẫn xã hội hóa đều đông khán giả qua mỗi suất diễn, đây là điều rất đáng mừng cho người làm nghề và cũng là động lực để họ có thể tiếp tục cố gắng, duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật cải lương trên bước đường dài phía trước.
THẢO MY