Các nhà hát đã sẵn sàng đón khán giả dịp Tết
VHO- Thời điểm này, nhiều sàn diễn sân khấu của Thủ đô Hà Nội đang rộn ràng luyện tập chương trình mới để đón khán giả vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Các chương trình đều được đầu tư hấp dẫn, đặc sắc, hướng tới những chủ đề ý nghĩa trong năm mới.
Một tiết mục đón xuân của Liên đoàn Xiếc VN
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật những ngày đầu xuân phục vụ người dân cả nước, đây là dịp để nghệ sĩ khai xuân với mong muốn một năm thành công, khởi sắc.
Kín lịch biểu diễn hợp đồng
Nhiều chương trình đặc sắc được tuyển chọn biểu diễn, nhiều giọng ca, nghệ sĩ tên tuổi sẵn sàng không ăn Tết... là những ghi nhận trước mùa diễn Tết của 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL. Trước và trong dịp Tết, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3, rất nhiều nhà hát đã chuẩn bị một dàn kịch mục chương trình với nhiều đề tài khác nhau để lên đường diễn hợp đồng và phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.
Mang không khí Tết, đượm hơi thở xuân là chương trình hài kịch – ca nhạc Chào 2020, Lời chúc đầu xuân vào 20h00 thứ Bảy (1.2) tức mùng 8 Tết Canh Tý và kéo dài trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật của 2-3 tuần tiếp theo. Chương trình nhằm mang đến cho khán giả không gian nghệ thuật tươi trẻ, đầy sức sống với những tiểu phẩm hài mới nhất của Nhà hát Tuổi Trẻ cùng các ca khúc sôi động về mùa xuân, tình yêu. Các vở hài kịch mới được dàn dựng, lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Thủ đô do tác giả Đinh Tiến Dũng biên soạn, được đạo diễn Chí Trung trau chuốt từng câu từ chi tiết, được các nghệ sĩ hài nổi tiếng của nhà hát thể hiện như: Thanh Dương, Vân Dung, Đức Khuê, Tuấn Anh, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Anh Tuấn, Tú Oanh...
Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ diễn liên tục trước và sau Tết Nguyên đán, ngay từ mùng 1 Tết, nhà hát sẽ mở màn vào 15h30 ngày 25.1 tại sân khấu rối của Không gian văn hóa Việt (79 Hàng Trống). Đồng thời, hiện nay nhà hát đã nhận kín lịch hợp đồng biểu diễn tại Rạp biểu diễn 361 Trường Chinh, 79 Hàng Trống, tại các đình làng ở Đại Mỗ, Phú Đô, Yên Nghĩa (Hà Nội), Thái Bình... Chương trình biểu diễn là những tiết mục đặc sắc, mới dàn dựng và được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Nhịp điệu quê hương, Giếng Làng, Đồng vọng... Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Phương chia sẻ: “Lịch diễn kín nhưng Nhà hát sẵn sàng biểu diễn vào các ngày Tết Nguyên đán ngay từ mùng 1 Tết nếu nhận được những đơn đặt hàng mới. Nghệ sĩ múa rối đã sẵn sàng “sẵn nong, sẵn né” để ăn Tết khi lưu diễn”. Để phục vụ khán giả “nhí”, Liên đoàn Xiếc VN sẽ khai trương vào mùng 3 Tết âm lịch ở Hà Nội tại rạp xiếc và sau đó mỗi ngày từ 2 đến 3 suất biểu diễn. Đoàn đương đại của Liên đoàn Xiếc VN sẽ đi biểu diễn phục vụ đồng bào từ Nam Trung Bộ vào phía Nam, phục vụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Năm nào vào mùa diễn Tết các nhà hát của sân khấu truyền thống đắt hàng biểu diễn hơn cả với các hợp đồng diễn xuyên Tết. Trong tháng 1 và tháng 2.2020, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ không chỉ diễn tại Nhà hát Kim Mã mà sẽ tỏa đi biểu diễn tại các địa bàn như: Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Pháo Đài Láng, Hoài Đức, Từ Sơn (Bắc Ninh). Không có nhà hát riêng để biểu diễn nhưng cả hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam đều sẽ xuất quân với 20 suất diễn hợp đồng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và các địa bàn ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt là với một kịch mục các vở diễn mới, dàn dựng công phu như: Vì sao lạc xứ, Người đi tìm minh chủ, Ni sư Hương Tràm, Kêu cứu, Dấu ấn giao thời (Đoàn Thể nghiệm), Bên ánh sao Khuê, Chiếc áo thiên nga, Lý triều dựng nghiệp (Đoàn Truyền thống).
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn bật mí, năm nay Nhà hát rất đắt hàng với các hợp đồng biểu diễn tại các sự kiện lễ hội, sẽ thấy nghệ sĩ tuồng biểu diễn tại các lễ hội như lễ hội Gò Đống Đa (mùng 5 âm lịch), lễ hội Xương Giang tại Bắc Giang, lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Mê Linh, một đoàn của Nhà hát lên đường đi biểu diễn tại Ấn Độ từ 1.2 đến 16.2.2020.
Mở ra những hướng tiếp cận mới
Đạo diễn, NSƯT Phạm Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, các chương trình vào dịp biểu diễn Tết được nhà hát chủ trương dàn dựng vui, tươi trẻ như lời chúc may mắn với sự tươi trẻ, giàu sức sống, đúng như tiêu chí của nhà hát, đem lời chúc may mắn, an vui đến mọi người.
NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, người Hà Nội đang dần hình thành thói quen du xuân, đi lễ hội đầu năm kết hợp thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, các loại hình biểu diễn truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối hoặc các chương trình ca nhạc, hài kịch có lợi thế thu hút đông đảo khán giả. NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho biết, đầu xuân khán giả thường đi cùng gia đình, nên các chương trình nghệ thuật phải thỏa mãn mọi đối tượng khán giả. Ngay thời điểm này, Liên đoàn Xiếc VN đã tưng bừng khai trương chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón Xuân Canh Tý năm 2020. Bên cạnh các chương trình đặc biệt dành cho khán giả nhí như Công chúa tóc vàng, Miền đất mới của chú bé rừng xanh thì Nhà hát Múa rối VN lại có những chương trình đáp ứng cho cả đối tượng người lớn và trẻ em như Chương trình Đồng vọng rối Việt, Thân phận nàng Kiều. Trong đó vở Thân phận nàng Kiều đã tạo tiếng vang tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019, đồng thời mở ra hướng tiếp cận mới cho sân khấu múa rối, chứng tỏ múa rối không chỉ phục vụ cho đối tượng khán giả thiếu nhi mà còn diễn tả những tác phẩm lớn, những bi kịch của cuộc đời con người.
Nhiều sân khấu, nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn với những xu hướng dàn dựng mới. Rõ ràng các nhà hát ở Thủ đô Hà Nội đã và đang khẳng định được thị trường biểu diễn của mình trong dịp Tết Nguyên đán này. Sự ra quân của đội quân nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp chắc chắn sẽ là những điểm dừng chân thú vị cho đông đảo mọi tầng lớp khán giả.
HIỀN LƯƠNG