Bộ VHTTDL luôn dành sự quan tâm đặc biệt các cuộc thi về nghệ thuật sân khấu truyền thống
VHO- Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo toàn quốc 2020 diễn ra từ 4-12.11 tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam là một minh chứng điển hình cho lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy trong các thế hệ nghệ sĩ sân khấu chèo, đặc biệt là thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay. Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi đã có cuộc trao đổi với Văn Hoá xung quanh những vấn đề tổ chức của cuộc thi cũng như những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho tài năng trẻ phát triển.
Trích đoạn Phù thuỷ sợ ma của thí sinh Phạm Xuân Tùng, Nhà hát Chèo Việt Nam
.P.V: Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020 đã đi được nửa chặng đường, theo ông đã có những tài năng trẻ xuất hiện?
- Phó Cục trưởng Lê Minh Tuấn: Cuộc thi có sự tham gia của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị, cùng dự thi với các thí sinh còn có hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi đàn anh, đàn chị, các diễn viên trẻ, nhạc công trợ diễn. Đây không còn là cuộc thi của mỗi cá nhân nghệ sĩ mà là cuộc thi của cả đơn vị cũng như thể hiện sự nỗ lực của cả ngành. Mặc dù hoạt động nghệ thuật biểu diễn của sân khấu chèo đang chịu áp lực rất lớn trước những thách thức vô cùng khắc nghiệt của cơ chế thị trường nhưng không vì thế mà làm tình yêu chèo của người nghệ sĩ trẻ bị nguội lạnh. Mới đi được nửa chặng đường nên chưa thể khẳng định hết được những bất ngờ từ tất cả các phần thi của diễn viên trẻ. Tuy nhiên, qua theo dõi và lắng nghe các ý kiến trao đổi từ những chuyên gia, nhà nghiên cứu về chèo, chúng tôi nhận thấy có những điều đáng mừng đó là đã có những đơn vị nghệ thuật rất quan tâm, chú trọng công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ đăng ký tham gia cuộc thi để cọ sát, học hỏi các bạn diễn. Đã xuất hiện những nghệ sĩ trẻ rất có năng khiếu khi chuẩn bị tập luyện trong thời gian ngắn nhưng đã có thể biểu diễn rất tốt các tiết mục, làn điệu chèo thuộc hàng khó, mà những chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá thông thường trước đây phải mất rất nhiều thời gian để học tập, rèn luyện mới có thể biểu diễn thành thạo. Điều đó cho thấy lớp diễn viên trẻ hôm nay đã kế thừa tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật chèo. Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các cuộc thi và công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Cuộc thi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch này, bởi lực lượng trẻ có trình độ kế cận là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định cho sự tồn tại, phát triển của bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Nếu chèo không còn những tài năng trẻ kế nghiệp cha ông, thì sẽ đến lúc chúng ta chỉ có thể thưởng thức lại những làn điệu chèo thông qua màn hình vô tuyến hay trên các thiết bị âm thanh thu sẵn mà không còn cơ hội để trực tiếp say, trực tiếp chìm đắm, thả hồn nghe, xem các vở diễn như Lưu Bình Dương lễ, Nghêu Sò, Ốc, Hến, hay những trích đoạn Súy Vân giả dại hay Thị Màu lên chùa... của người nghệ sĩ trên sân khấu chèo.
Tiết mục Thị Màu lên chùa của diễn viên Nguyễn Thị Linh thuộc Nhà hát Chèo truyền thống tỉnh Nam Định
.Với vai trò quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng thiếu vắng một số đơn vị nghệ thuật không tham gia tại Cuộc thi lần này tại các cuộc thi tài năng trẻ ở các loại hình khác gần đây?
- Đúng là có hiện tượng như vậy đang xảy ra, qua tổng hợp danh sách các đơn vị đăng ký tham dự cuộc thi, có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng thí sinh mà các đơn vị đăng ký tham dự. Một số đơn vị nhiều kì không cử được thí sinh trẻ tham dự cuộc thi, một số đơn vị chỉ cử được 1, 2 thí sinh tham dự. Đây là một thực tế rất đáng lưu tâm trong công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển cho loại hình nghệ thuật này. Có một số đơn vị cử một, hai thí sinh đi thi nhưng chưa đủ độ chín để có thể đảm đương các vai diễn mẫu. Được biết, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật lại, ví dụ có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm chèo, kịch nói và cải lương thành một đoàn, kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở, nếu chèo dựng vở, tiết mục thì cải lương và kịch thôi và ngược lại; mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại ngày càng ít đi do không có nguồn thu...và những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật chèo, bởi dân gian có câu “có thực mới vực được đạo” và chúng ta hiểu một cách thực tế, nếu thu nhập không đủ sống thì tình yêu dành cho nghệ thuật chèo cũng sẽ “chết”.
Hiện nay nghệ thuật truyền thống nói chung trong đó có nghệ thuật chèo đang bị những loại hình nghệ thuật đương đại lấn át trên mọi phương diện và điều này tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của giới trẻ, trong nhiều năm liền, khoa sân khấu truyền thống của các trường rất khó để tuyển đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu, một số bộ môn còn phải dừng đào tạo và điều này đang báo hiệu sự mai một của loại hình nghệ thuật và với nghệ thuật chèo, chúng ta cũng không thể chủ quan, bởi những đơn vị nhiều năm liền không cử, hay cử số lượng rất ít thí sinh trẻ tham dự cuộc thi chính là chỉ dấu cho sự mai một của loại hình chèo tại địa phương đó. Đồng thời nó cũng đặt ra cho cơ quan quản lý một bài toán cần lời giải đó là cần phải làm gì để chèo có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới?!
.Cuộc thi nghệ thuật nào cũng có những ì xèo về giải thưởng cho rằng giám khảo chưa thật công tâm, liệu kết quả giải thưởng Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo có giúp nghệ sĩ tâm phục khẩu phục?
- Có lẽ đây là một vấn đề mà ở bất kỳ cuộc thi hay lĩnh vực nào cũng sẽ không tránh khỏi có những ý kiến trái chiều. Trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, để đánh giá một tiết mục nghệ thuật có hay, có hấp dẫn hay không đôi khi bị chi phối bởi cảm nhận, cảm xúc...của người thưởng thức và tôi cho rằng có những quan điểm khác nhau cũng là điều có thể hiểu được. Nhất là khi có nhiều thí sinh cùng lựa chọn một chủ đề, tiết mục để dự thi như tiết mục Suý Vân giả dại, Thị Màu lên chùa hay Tuần ty - Đào Huế... Tuy nhiên ở góc độ Ban tổ chức luôn tin tưởng vào Ban giám khảo là với những nhà chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong chấm thi sẽ lựa chọn được những tài năng để phát triển cho nghệ thuật chèo trong thời gian tới đồng thời cũng động viên, khuyến khích các đơn vị nghệ thuật chèo tiếp tục phát huy, phát hiện và đào tạo những nghệ sĩ trẻ cho loại hình nghệ thuật chèo mà ở đó chứa đựng nhiều nét đặc trưng, tiêu biểu của văn hoá Việt Nam. Cục Nghệ thuật biểu diễn đang xây dựng Đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật giai đoạn 2021 - 2030, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao khắc phục được những vướng mắc từ cách thức tổ chức, cách trao giải cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trích đoạn Tuần Ty - Đào Huế do thí sinh Nguyễn Thị Huyền, diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn trao đổi với lãnh đạo các đơn vị tham gia Cuộc thi
. Các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống luôn gặp những khó khăn về thu hút tài năng, không giữ được tài năng, theo ông cần làm gì để thu hút tài năng cho sân khấu truyền thống hiện nay?
- Đây là một thực tế đang xảy ra hiện nay ở các loại hình nghệ thuật truyền thống và tôi cho rằng để thu hút được tài năng cho sân khấu truyền thống chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp căn cơ đó là các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách mà ở đó các thí sinh khi tìm hiểu để đến, dành tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống thì họ phải nhìn thấy tương lai của họ trong đó và tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách thức tổ chức các liên hoan nghệ thuật theo kiểu đến hẹn lại lên với cách thức tổ chức quá cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Vừa qua, để chuẩn bị cho kế hoạch công tác năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư rồi Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật mà ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển; tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030; ngoài ra chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian tới.
THÚY HIỀN (thực hiện)