Bế mạc cuộc thi Độc tấu và Hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020
VHO- Sau khi diễn ra sôi nổi tại các tỉnh, thành phố, Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức đã bế mạc tối 5.10 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự, phát biểu và trao giải. 276 tiết mục của 35 đoàn nghệ thuật với lực lượng hùng hậu gần 700 thí sinh tham gia đã cho thấy âm nhạc dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng, miền trên cả nước.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải Nhất Hoà tấu tại cuộc thi Ảnh: THÙY DƯƠNG
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Cuộc thi thực sự là một ngày hội của các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên cả nước và đã diễn ra một cách an toàn tuyệt đối, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp thêm động lực sáng tạo với các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc nói riêng”. Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương sáng kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn khi tổ chức thực hiện được việc ghi hình phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam để đông đảo nghệ sĩ và khán giả cùng thưởng thức.
Theo đánh giá của NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban giám khảo, Cuộc thi đã ghi dấu ấn những thành quả lao động miệt mài và tài năng của cá nhân các nghệ sĩ cũng như từng thương hiệu đơn vị nghệ thuật tiêu biểu. Hàng trăm tiết mục được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Cuộc thi cũng đã phát hiện, ghi nhận và tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Thông qua cuộc thi, các nghệ sĩ đã phô diễn những tinh hoa của âm nhạc dân tộc được tiếp nối từ lớp lớp các thế hệ. Mỗi đoàn mang đến một sắc vẻ riêng độc đáo của địa phương mình.
NSƯT Hạnh Nhân, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Dù nhiều đoàn nghệ thuật địa phương buộc phải sáp nhập, nhiều nghệ sĩ, diễn viên từ chuyên nghiệp phải chuyển sang nghiệp dư, thật sự rất buồn, nhưng ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của họ vẫn luôn bùng cháy. Vượt qua mọi khó khăn, họ đã đến với cuộc thi để thể hiện khát khao cống hiến, lan tỏa cái đẹp của những thanh âm, giai điệu quý giá của dân tộc. Cuộc thi còn có ý nghĩa như một đợt “tổng kiểm kê” vốn tài sản âm nhạc dân tộc, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy dòng nhạc truyền thống của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc”.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và nhiều giải thưởng khác cho các tiết mục xuất sắc. Không chỉ đơn thuần để dự thi, các tiết mục sẽ được các đoàn tiếp tục mang đi biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Những thanh âm thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ truyền thống qua sự thể hiện đầy thăng hoa của nghệ sĩ sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đối với công chúng.
HIỀN LƯƠNG