Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống (Bài 1): Nhận diện qua những cuộc thi
VHO- Tình trạng khan hiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đang ngày càng trở nên trầm trọng, khi đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông về nguy cơ sẽ bị mai một nghiêm trọng một số bộ môn nghệ thuật kịch hát dân tộc nếu không có những quyết sách hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận.
NSND Thu Nhân và NSƯT Hoàng Minh Tâm trao bằng khen cho các diễn viên trẻ triển vọng tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020
2020 là một năm đặc biệt đối với những đơn vị nghệ thuật truyền thống nói chung và các diễn viên trẻ nói riêng khi liên tiếp có nhiều cuộc thi tài năng cho loại hình kịch hát dân tộc được tổ chức như: Tuồng, Dân ca kịch, Chèo, Cải lương... và đã xuất hiện không ít những gương mặt trẻ triển vọng, hứa hẹn là lực lượng kế thừa chất lượng cao, chủ chốt cho các đơn vị nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động cầm chừng của sân khấu truyền thống thì nỗi lo “giữ chân” nghệ sĩ đang thường trực đối với từng đơn vị cũng như chính những diễn viên được tôn vinh ở các cuộc thi này.
“Ép chín” để đi thi tài năng
Những người đứng ra tổ chức và đặc biệt là ban giám khảo sau các cuộc thi đều có những trăn trở về chất lượng của lớp diễn viên kế cận hôm nay. So sánh với cùng một tiết mục truyền thống như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân đề cờ, Kim Lân qua đèo (Tuồng), Thị Màu lên chùa, Tuần Ty - Đào Huế, Súy Vân giả dại (Chèo) thì thấy phần dự thi của lớp nghệ sĩ tài năng trẻ trước đây như Võ Xuân Hùng, Nguyễn Thị Lộc Huyền (Tuồng), Lê Thu Hằng, Nguyễn Duy Thuận, Nguyễn Thị Thu Hương (Chèo), Trần Hoàng Nhất, Trần Thị Thu Trang (Cải lương), Thu Quế, Xuân Bắc (Kịch nói), Hoàng Thị Hiền Lương (Ca kịch)… chất lượng vượt trội hơn hẳn. Hiện tại, đa phần họ đều đang là những nghệ sĩ có danh hiệu, là lực lượng nòng cốt ở các đơn vị kịch hát dân tộc.
Nâng niu, trân trọng những đóng góp và nỗ lực của các diễn viên trẻ nhưng các vị giám khảo cũng đã có những chia sẻ rất thật lòng khi chứng kiến dấu hiệu đi xuống ở một số phần biểu diễn cũng như cách dàn dựng tiết mục. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã phải nhắn nhủ: “Xin các bạn trẻ nhớ cho rằng, say mê rất dễ dẫn tới sa đà, mà sa đà chính là một biểu hiện của tính phi chuyên nghiệp”. Sự “sa đà” ấy đã tạo ra vô số “hạt sạn” trong các cuộc thi, chẳng hạn việc miêu tả chi tiết tính nhục dục của bà Ba Bá Kiến đã khiến cảnh diễn kéo dài và gây phản cảm cho người xem; hay ông Chài là một nhân vật chân chất, mộc mạc, già nua mà hai tay của diễn viên cứ khoa lên trời một cách… dũng mãnh như phát lệnh xung phong trong trận mạc…
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 cũng chỉ ra những hạn chế: “Một số tình tiết xây dựng còn khá sơ sài; diễn viên thể hiện cái đau không chân thật do không có sự chuẩn bị về yếu tố tâm lý; cách xử lý không gian, thời gian trên sân khấu cũng chưa hợp lý khi câu chuyện diễn ra ban đêm nhưng hành động như giữa ban ngày”. Ở Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020, một loạt những hạn chế đã được chỉ ra như: Ca chênh đàn, rớt nhịp, non giọng, đuối hơi, động tác vũ đạo khô cứng, vụng về, đạo cụ luộm thuộm, có người còn mang cả đồng hồ, dây chuyền, giầy cao gót khi đóng những vở lịch sử…
NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Nhiều tài năng “chín ép” đến các cuộc thi chỉ cốt sao giành được HCV, HCB để đủ chuẩn”. Rõ ràng, lực hấp dẫn của danh hiệu đã kéo một số diễn viên tới tham gia thi tài năng bằng các vai diễn chưa được đầu tư tương xứng, thiếu dấu ấn sáng tạo. Cũng khó trách các em khi thực tế đồng lương nghệ sĩ không đủ trang trải cuộc sống, cơ hội làm nghề và tỏa sáng ngày càng khó bởi hoạt động biểu diễn quá “èo uột”, nếu không có chút danh thì quả là thử thách khi muốn các em trụ lại với nghề.
Khoảng trống kế thừa…
Nhìn vào danh sách các đơn vị đăng ký dự thi tài năng trẻ sẽ thấy hiện tượng chênh lệch lớn giữa số lượng thí sinh mà các đơn vị đăng ký tham dự. Một số đơn vị nhiều kỳ không cử được diễn viên tham gia, có đơn vị chỉ cử được một, hai thí sinh đi thi nhưng chưa đủ độ chín để có thể đảm đương các vai diễn mẫu. Đây là một thực tế rất đáng báo động trong công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển cho loại hình nghệ thuật truyền thống. Một trong những lý do đó là thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, ví dụ 3 đoàn Chèo, Kịch nói và Cải lương thành một, kinh phí cấp hằng năm chỉ đủ cho một loại hình dựng vở, nếu Chèo dựng thì Cải lương và Kịch thôi và ngược lại; mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng cũng ngày càng ít đi do không có nguồn thu... Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến đời sống cũng như tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật.
Một lý do khác cũng làm đau đầu với các nhà quản lý, đó là những khó khăn từ cơ chế đãi ngộ nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ trẻ nói riêng. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM trăn trở đầy lo lắng: “Hiện nay ở khu vực phía Nam không có trường nào đào tạo loại hình Hát bội, bởi tuyển sinh không có người đến đăng ký. Muốn có lực lượng kế thừa, Nhà hát phải tự đào tạo theo hình thức truyền nghề. Tuy nhiên, theo quy định mới, Nhà hát không được ký hợp đồng lao động chuyên môn, người tham gia hoạt động tại Nhà hát phải có bằng cấp và thi viên chức. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Nhà hát không thể tổ chức đào tạo vì vướng Thông tư 36, trong đó quy định: Chỉ viên chức mới được sử dụng ngân sách nhà nước để đào tạo. Điều này đã khiến nhiều diễn viên trẻ phải bỏ ngang đi làm nghề khác. Nếu cứ như thế này tương lai Nhà hát sẽ không còn diễn viên nữa”.
Nhận diện từ các cuộc thi tài năng trẻ của sân khấu truyền thống thì đây không đơn thuần là “sân chơi” để các đơn vị và nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng mà còn là dịp đánh giá đúng thực trạng đời sống sân khấu nước nhà. Rõ ràng là đang phải đối đầu với vô vàn khó khăn để tồn tại trong cơ chế thị trường nhưng kịch hát dân tộc vẫn còn những người trẻ đã, đang yêu và gắn bó. Câu hỏi đặt ra là liệu lớp “măng non” từ các cuộc thi trở về có được tiếp tục bồi dưỡng, ươm trồng, vun xới để trở thành những tài năng thật sự hay không? Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan để giải truyết triệt để từ khâu tuyển sinh, đào tạo cho tới những chế độ, chính sách đặc thù để diễn viên có thể sống được bằng nghề, yên tâm dồn toàn lực cống hiến và tiếp tục nối dài những di sản nghệ thuật mà cha ông để lại.
Bài 2: Đào tạo tài năng trẻ cho kịch hát dân tộc: Đã hiếm lại còn… phí?
THÚY HIỀN