Xét xử vụ án chạy thận: Tòa bác chứng cứ đầu độc, VKS đề nghị xử lý luật sư
VHO - Sáng 21.2, phiên toà xét xử vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vô ý làm chết người" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình (BVĐKHB) vào ngày 29.5.2017 được tiếp tục sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) bác yêu cầu hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung của Luật sư Phạm Quang Hưng. HĐXX cũng nhận định, phát ngôn của luật sư Hưng về việc có chứng cứ đầu độc, giết người có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận.
Hội đồng xét xử bác đề nghị của luật sư Phạm Quang Hưng
Ngay đầu phiên xử sáng 21.1, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã bác đề nghị của luật sư Phạm Quang Hưng về việc hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung do có chứng cứ mới làm thay đổi vụ án. Chủ toạ phiên toà thông báo: Trong phiên xét xử chiều 19.1.2019, Luật sư Phạm Quang Hưng có đề nghị ngừng phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có chứng cứ về việc đầu độc, giết người.
HĐXX đã thảo luận và làm các thủ tục tiếp nhận chứng cứ, có sự tham gia chứng kiến của đại diện Viện Kiểm sát (VKS). Tuy nhiên, chứng cứ mà luật sư Hưng cung cấp không phải là chứng cứ vật chất, mà chỉ là một bản đề nghị của luật sư suy luận trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Chủ toạ phiên toà Nghiêm Hoài Anh đã hỏi ý kiến của VSK, đại diện VKS cho biết: Luật sư Phạm Quang Hưng không cung cấp được chứng cứ mới mà chỉ là những suy luận dựa trên các tài liệu đã có. Do đó, HĐXX tiếp tục làm việc, không trả hồ sơ điều tra bố sung. Đại diện VKS cũng đề nghị có biện pháp xử lý đối với luật sư Hưng.
Chủ toà phiên toà cũng nhận định: Việc Luật sư Hưng cho rằng có chứng cứ về việc đầu độc, giết người đã gây ảnh hưởng tiêu cực, khiến công luận và nhân dân có thể hiểu lầm, suy diễn theo chiều hướng không đúng.
Trước khi tiếp tục phiên xét hỏi, HĐXX một lần nữa nhắc lại: Nếu các luật sư có chứng cứ mới thì cung cấp cho toà. Nếu là chứng cứ quan trọng làm thay đổi nội dung vụ án thì có thể cung cấp ngay, nếu không, có thể lựa chọn thời điểm thích hợp để cung cấp, mà thích hợp nhất là cuối mỗi phiên xử.
Để việc xét xử không bị cản trở, xét xử liên tục và đúng tiến độ, các luật sư hoặc người tham gia tố tụng chỉ cung cấp các chứng cứ mới, không có trong hồ sơ, còn những chứng cứ đã có trong hồ sơ mà việc đánh giá chứng cứ có khác nhau thì sẽ đưa ra tranh luận trong phần tranh luận.
Bác sĩ ra y lệnh miệng
Trong phiên xử hôm nay, bác sĩ Phạm Thị Huyền - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã có mặt tại Toà sau nhiều lần được triệu tập.
Trả lời các câu hỏi của Luật sư Việt Anh, bác sĩ Huyền khẳng định: Sau khi được Giám đốc ký quyết định tiếp nhận vào làm việc tại BVĐKHB, bác sĩ Huyền đã được điều về Khoa Hồi sức tích cực. Sau đó, bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó Khoa Hồi sức tích cực đã phân công bác sĩ Huyền về nguyên đơn thận nhân tạo. Bác sĩ Huyền cũng cho biết, lịch trực hằng tuần, hằng tháng là do bác sĩ Tình phân công.
Về việc ra y lệnh, bác sĩ Huyền cho biết, tại nguyên đơn thận nhân tạo, chỉ có bác sĩ Hoàng Công Lương là được ra y lệnh vì có đủ hai chứng chỉ là chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ lọc máu. Việc bác sĩ Lương ký vào y lệnh nhằm đảm bảo đủ điều kiện để chạy thận và đủ điều kiện để thanh toán bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Huyền "hé lộ" thêm tình tiết là các y lệnh đều là y lệnh miệng. Ngay cả y lệnh lọc máu hôm 29.5.2017 cũng là y lệnh miệng, chỉ được hoàn thiện sau khi sự cố xảy ra. Những lần bác sĩ Lương đi vắng thì việc ra y lệnh cũng được "uỷ quyền" bằng miệng.
Phản bác lại lời khai của bác sĩ Hằng, bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết không được phân công bất kỳ người nào. Khi luật sư hỏi về danh sách phân công bác sĩ theo tháng, quý của khoa thì do ai phân công, bác sĩ Tình cho biết, việc phân công bác sĩ là do ban Giám đốc ký. Luật sư hỏi, ai trình ký, bác sĩ Tình cho biết, danh sách này do khoa làm, trình lên Ban Giám đốc. Tiếp tục "truy vấn" là ai lập danh sách, ai ký trước khi trình, ông Tình khai là "danh sách do tôi lập, còn trình ký là Trưởng khoa, nếu trưởng khoa đi vắng hoặc uỷ quyền thì tôi ký".
HOÀNG HƯƠNG