Vạch trần các chiêu thức giả danh công an, lừa đảo qua điện thoại
VHO- Những chiêu thức lừa đảo như giả danh lực lượng công an, cán bộ tòa án và lừa đảo qua mạng, điện thoại xuất hiện nhiều trở lại, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân ở Bình Dương.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây, tình trạng tội phạm lừa đảo bằng hình thức giả danh lực lượng công an, cán bộ tòa án và lừa đảo qua mạng, điện thoại xuất hiện nhiều trở lại, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước những sự việc trên.
Là một nhân viên làm tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, chị Mai Thu Trang cho biết đã từng 3 lần nhận được những cuộc điện thoại lừa đảo.
Người gọi đến xưng là người của Liên đoàn Lao động tỉnh kêu các nhân viên hành chính phải mua sổ tay lao động, mỗi quyển giá 20.000 đồng và phải mua ít nhất 10 quyển, tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng và sẽ có người giao hàng tới đưa sổ tay.
Giọng điệu người gọi tới gấp rút và có thái độ thúc ép chị đọc địa chỉ cơ quan để giao hàng tới ngay. Tuy nhiên, khi chị hỏi về tên và bộ phận làm việc, đầu dây người gọi đến trả lời không rõ ràng.
Sau khi kết thúc cuộc điện thoại, chị kiểm tra và gọi tới số chính thống của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương xác nhận xem có sự việc trên không và được thông báo Liên đoàn chưa bao giờ gọi mời cá nhân hay cơ quan nào mua bán ấn phẩm như vậy.
Chị Nguyễn Mai Anh, làm việc tại Kho bạc tỉnh Bình Dương, cho biết một lần, có người tự nhận là người ở Tòa án Nhân dân Tối cao nói chị đang nợ ngân hàng và bị công an điều tra.
Do đã đọc trên báo, đài, những trường hợp như vậy là lừa đảo, chị rất cảnh giác, không cung cấp những thông tin họ yêu cầu. Tuy nhiên, chị rất thắc mắc, hoang mang trước việc những người gọi đến biết một số thông tin cá nhân của mình.
Theo Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay, có tình trạng các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, nhân viên Bưu điện sử dụng giao thức kết nối internet (VoIP) để giả các đầu số giống số điện thoại của cơ quan công an như +000113, +84000113,... gọi đến số máy bàn cố định của bị hại và xưng danh là điều tra viên của Bộ Công an đang điều tra vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền... Đối tượng trong vụ án có sử dụng chứng minh nhân dân của bị hại để đăng ký mở tài khoản ngân hàng, dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội có liên quan đến vụ án mà cơ quan công an đang điều tra.
Để chứng minh bị hại trong sạch, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo tài khoản với lý do phục vụ cho công tác điều tra; đồng thời, yêu cầu bị hại chuyền tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng lập, khi nào xác minh xong, nếu không liên quan đến tội phạm trả lại tiền.
Quá trình liên lạc với bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp số điện thoại di động để bọn chúng gọi và giữ liên lạc liên tục, đồng thời lấy lý do hợp lý để yêu cầu bị hại đến nơi vắng người (khách sạn, nhà nghỉ...) nhằm không cho bị hại có cơ hội liên lạc hoặc nhận được tư vấn của người thân, người hiểu biết pháp luật.
Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng chiếm đoạt tiền và cắt liên lạc.
Bên cạnh đó, có tình trạng các đối tượng tự xưng là người nước ngoài (đa phần là ở các nước Tây Âu, Mỹ) làm quen với người bị hại (thường là phụ nữ độc thân) qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp...), với nhiều kịch bản khác nhau để tạo lòng tin với họ.
Sau một thời gian quen biết, đối tượng ngỏ ý muốn gửi một số tiền lớn hoặc gửi hàng, quà có giá trị về Việt Nam để đầu tư, làm từ thiện, tặng, cho, mua bất động sản... và nhờ bị hại nhận giúp.
Sau khi bị hại đồng ý, một vài hôm sau, sẽ có đối tượng khác giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, nhân viên thuế... với nhiều lý do để yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần như đóng tiền phạt, đóng thuế, đóng tiền vận chuyển,... sau đó cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại.
Bằng phương thức thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, có vụ lên đến nhiều tỷ đồng.
Trong năm 2018 có 12 vụ lừa đảo qua mạng viễn thông, 9 vụ lừa đảo qua mạng Internet, mạng xã hội gây thiệt hại hơn 14,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ điều tra, phá án với loại tội phạm này rất thấp. Nguyên nhân do đối tượng sử dụng phần mềm máy tính để gọi điện cho bị hại nên việc truy nguyên theo dấu vết qua mạng Internet gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, tài khoản mà nhóm lừa đảo chỉ định cho bị hại chuyển tiền hầu hết là thuê lại nên chủ tài khoản không biết được động cơ cũng như nhân thân của đối tượng.
Công an tỉnh Bình Dương đã tuyên truyền qua mạng, tờ rơi, đưa thông tin đến các sở, ban, ngành truyền thông, phát tờ rơi... cảnh báo về thủ đoạn của các đối tượng. Người dân cần lưu ý và thông báo cho cơ quan công an khi có những dấu hiệu tội phạm xảy ra.
TTXVN