Người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường đối với Viwasupco

VHO - Ngày 25.10, sau hơn hai tuần xảy ra sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm khuẩn khiến hàng nghìn hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới gửi đến các khách hàng bị ảnh hưởng lời xin lỗi muộn mằn và một lời đề nghị "cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương tiền nước một tháng)".

Sau khi thông báo của Công ty Sông Đà được phát ra, nhiều người dân là nạn nhân trực tiếp của vụ nước nhiễm bẩn đã tỏ ra bức xúc. Đây là sự cố nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân vì đây là nguồn nước thiết yếu, sinh hoạt hàng ngày của người dân và có tác động xấu đến cộng đồng dân cư. Việc Công ty Sông Đà đưa ra đề nghị miễn phí tiền nước một tháng để lờ đi trách nhiệm bồi thường là không thể chấp nhận được.

Trao đổi với Văn Hoá về trách nhiệm của Công ty Sông Đà,  luật sư Lê Thu Hằng (Công ty TNHH TAT Law firm) nêu rõ quan điểm: Do giữa Công ty Sông Đà và người dân có Hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt nên Công ty phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Trường hợp Công ty có lỗi trong việc cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự hoặc bồi thường thiệt hại cho người dân khi phát sinh hậu quả.

Người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường đối với Viwasupco - ảnh 1

Dầu thải đen kịt trên mặt con suối dẫn nước vào nhà máy nước Sông Đà

Công ty Sông Đà đưa ra mức chia sẻ chi phí với người dân 1 tháng tiền nước, tuy nhiên trong trường hợp không đồng ý với phương án trên người dân có quyền yêu cầu Công ty chi trả mức bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp này, người dân hoàn toàn có quyền được yêu cầu bồi thường vì giữa người dân và Công ty Sông Đà có Hợp đồng dịch vụ cung cấp nước. Do đó, sau khi xác định được Công ty Sông Đà có lỗi khi biết có sự cố liên quan đến nguồn nước nhưng vẫn cấp nước cho người dân và người dân có văn bản chứng cứ chứng minh các thiệt hại liên quan đến tài sản, sức khỏe…. Trong trường hợp này nếu người dân không thỏa thuận được mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Luật sư Hằng, về trách nhiệm dân sự, pháp luật có quy định rõ về trường hợp này. Cụ thể, điều 608, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Đồng thời, tại khoản 1, điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Do đó, trong trường hợp này nếu không thỏa thuận được mức bồi thường, người dân có quyền và nên thống kê chi tiết thiệt hại do dùng nước của Công ty Sông Đà bị ô nhiễm để làm đơn khởi kiện công ty này ra tòa án có thẩm quyền. Các chi phí thực tế như mua nước sạch sử dụng trong thời gian nào, thay các đầu lọc của máy lọc nước... với các hóa đơn chứng từ cụ thể hoặc nếu có ảnh hưởng sức khỏe thì phải có chứng từ hợp lệ khám chữa bệnh, thuốc; các thu nhập bị mất do phải nghỉ làm để khắc phục sự cố... Ngoài ra người dân còn có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần theo qui định. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.

Việc các hộ gia đình khởi kiện đơn lẻ có thể gây khó khăn nên người dân có thể ủy quyền cho các cá nhân hoặc Ban quản trị chung cư tham gia vụ việc. Đồng thời người dân có thể đề nghị tổ chức xã hội đại diện cho dân hoặc tự mình khởi kiện theo điểm b Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Theo đó, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện những nhiệm vụ “Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng...”.

Từ sự cố ô nhiễm nguồn nước trên cho thấy công tác phòng ngừa và hạn chế các rủi ro liên quan đến môi trường và ô nhiễm môi trường là hết sức quan trọng. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra về quản lý tài nguyên nước, quan trắc, giám sát nguồn nước thường xuyên đặc biệt là nước cung cấp sinh hoạt cho người dân và có biện pháp xử lý mạnh về những hành vi vi phạm về môi trường, không tuân thủ các báo cáo tác động vệ môi trường. Đặc biệt chính quyền địa phường cần chủ động tuyên truyền, khuyến cáo các tác động tiêu cực của các sự cố môi trường đến người dân kịp thời, hạn chế những hậu quả tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành không bị ô nhiễm được được đảm bảo theo nguyên tắc hiến định. Nước là nhu cầu thiết yếu của người dân trong cuộc sống hàng ngày nên những đơn vi cung cấp mặt hàng này phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhà nước cần ban hành đạo luật công và giám sát đối với dịch vụ này để đảm bảo sức khỏe lợi ích của nhân dân. 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc