Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở
VHO-Luật Phổ biến, giáo dục (PBGDPL) số 14/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012 đến nay đã có hiệu lực thi hành 10 năm. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Bắc tại Hà Giang, tháng 5.2022
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, ngày 20.6.2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6.10.2020, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL từ sớm, từ xa đồng thời gắn với hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; các phương thức, nội dung PBGDPL cũng có nhiều thay đổi hướng mạnh về cơ sở, trọng tâm theo đối tượng, chuyển đổi số.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trong của công tác PBGDPL, cũng như yêu cầu của đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn, phát huy sức mạnh, lợi thế của Ngành trong công tác PBGDPL, đặc biệt có các chương trình, đề án, cuộc thi, hoạt động PBGDPL gắn với cơ sở, thiết thực hưởng ứng chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm trao tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích
Điểm nhấn trong hoạt động PBGDPL của Bộ VHTTDL năm 2022 là việc tổ chức cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”. Ngày 25.3.2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 680/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơsở”. Cuộc thi đang nhận được sự quan tâm hưởng ứng của lực lượng bộ đội biên phòng, các tổ, đội tuyên truyền lưu động, đoàn viên thanh niên, sinh viên... với các bài thi phong phú, đa dạng, mang đậm hơi thở thực tiễn, đó sẽ là các mô hình hay, cách làm hiệu quả dự kiến được trao thưởng nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9.11.2022 và sau đó kết quả cuộc thi sẽ được báo cáo Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương xem xét nhân rộng các mô hình hay.
Để định hình chặng đường PBGDPL trong thời gian tới, Bộ đang chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022 - 2026”. Đề án được xây dựng hướng tới truyền thông chính sách pháp luật, tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá trong công tác PBGDPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu PBGDPL của người dân, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thực tiễn; góp phần tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Báo cáo trung tâm của Đề án tập trung về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện, các nội dung chính (i) đổi mới công tác PBGDPL trên các phương diện nội dung, hình thức, cách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy đặc thù, lợi thế của ngành; (ii) nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng lấy hiệu quả là thước đo, gắn với kết quả thi hành pháp luật, được định lượng, thống kê phù hợp, hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm; (iii) xác định lộ trình, ưu tiên đảm bảo sự phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.
Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội là một trong những điểm mới của công tác PBGDPL năm 2022. Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ, các cơquan truyền thông, báo chí triển khai, quán triệt đầy đủ nội dung Đề án bằng hình thức phù hợp vàtăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, truyền thông dự thảo chính sách đảm bảo đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Đồng bộ với những hoạt động PBGDPL trọng tâm, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ cũng chỉ đạo triển khai các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền qua báo chí về PBGDPL theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để khắc phục hậu quả dịch bện Covid-19, ổn định đời sống và phục hồi phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương. Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2022, khu vực phía Bắc (tổ chức ở tỉnh Hà Giang, tháng 5.2022) vàkhu vực phía Nam (tổ chức ở thành phố Cần Thơ, tháng 6.2022), với sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL, phòng văn hóa- thông tin cấp huyện thuộc các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn, phổ biến về các quy định của pháp luật mới ban hành trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiệp vụ công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã thảo luận về những vấn đề thực tiễn có liên quan, nhiều đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch từ thực tiễn cơ sở về chế độchính sách đối với nghệ sỹ, diễn viên; quản lý các khu điểm du lịch, hoạt động thể thao trên địa bàn...
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông, báo chí thuộc Bộ đã tham gia tích cực, chủ động hơn trong việc tăng cường thời lượng, chất lượng chuyên mục, tin bài trên báo chí, phát huy triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị đã có chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch như: Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ quốc, Tạp chí Du lịch... Cổng thông tin của Bộ thường xuyên biên soạn, đăng tải, cập nhật tin bài với 7 chuyên mục độc lập đã nhận được lượng khán giả theo dõi, truy cập đông đảo. Bộ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, vận hành có hiệu quả Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của cơ quan, đơn vị, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội…
Nhìn chung, Luật PBGDPL đã tạo cơ sở pháp lý đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả, từ đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đóng góp tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Thời gian tới, hoạt động PBGDPL đặt ra những yêu cấu mới, theo hướng tới truyền thông chính sách pháp luật, tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá trong công tác PBGDPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu PBGDPL của người dân, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thực tiễn; góp phần tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân đòi hỏi sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành văn hóa, thể thao và du lịch đóng vai trò quan trọng.
VỤ PHÁP CHẾ (Bộ VHTTDL)