Quảng Ngãi:
Lừa đưa người đi lao động Hàn Quốc để chiếm đoạt hàng tỉ đồng
VHO - Bằng thủ đoạn gian dối là có thể đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, bà T.T.Th đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) số tiền khoảng 4,5 tỉ đồng.
Mặc dù đã trình báo với cơ quan chức năng, nhưng nhiều tháng qua, hơn 100 người dân ở xã Nghĩa An bị lừa tiền vẫn chưa có phản hồi tin tức từ phía bà T.T.Th người địa phương. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Chức (SN 1983) và ông Phạm Văn Chín (SN 1982), cùng thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An chạy vạy ngược xuôi tìm cách đòi lại số tiền 100 triệu đồng đã chuyển cho bà T.T.Th. để được đi lao động ở Hàn Quốc.
Theo bà Chức, sau khi nộp tiền lần đầu, phía bà Th. có chuyển cho một mẫu giấy ghi tiếng nước ngoài và thúc giục đóng đủ 50 triệu đồng/người để có Visa đi lao động ngắn hạn. Hai vợ chồng tin tưởng gom góp chuyển đủ tiền, thậm chí còn chuẩn bị cả một số lương thực như cá khô, tôm khô để cuối tháng 5, chậm nhất là đầu tháng 6.2023 mang sang Hàn Quốc sử dụng.
“Vào tháng 3.2023, bà T.T.G là chị gái bà T.T.Th. thông tin cần người ở xã Nghĩa An để đưa đi lao động ở bên Hàn Quốc ngắn hạn trong thời gian 6 tháng. Ai có nhu cầu đi thì đưa tiền cho bà Th., mỗi người đóng lần đầu 35 triệu đồng, lần sau thêm 15 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi đóng tất cả 100 triệu đồng cho bà Th. để cùng đi Hàn Quốc với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, nhưng mãi không thấy đâu. Đòi thì họ không trả”, bà Chức nói.
Còn vợ chồng bà Nguyễn Thị Sau (SN 1984) và ông Trần Bôn (SN 1976), thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An đóng tổng cộng 95 triệu đồng với hy vọng sang Hàn Quốc kiếm thêm thu nhập.
“Hồi đó còn thiếu 5 triệu đồng nhưng bà Th. bảo tạo điều kiện cho mượn để được đi. Sau này quá thời gian mà không thấy đâu nên tôi đi đòi, đòi miết nó trả cho tôi 25 triệu đồng, giờ còn 70 triệu đồng không lấy được. Nhưng tính ra vẫn còn may hơn những người khác”, bà Sau nói.
Tương tự là trường hợp của vợ chồng anh Đinh Văn Chu (SN 1989) và chị Lê Thị Bé Sương (SN 1991), thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An cũng đã đưa cho bà Th. 55 triệu đồng. Quá hạn cam kết hơn 2 tháng vẫn chưa được đi, liên lạc với bà Th. nhưng không được, vợ chồng chị Sương nghi ngờ mình lừa. Tìm hiểu thì mới biết nhiều người khác cùng xã cũng chung cảnh ngộ.
“Phần lớn đàn ông trong xã thì đi biển, phụ nữ ở nhà làm thuê làm mướn, cuộc sống rất khó khăn. Nên khi nghe những lời hứa hẹn của chị em Th. ai cũng tin. Mỗi người đóng số tiền giao động từ 35-50 triệu đồng”, chị Sương cho hay.
Sau khi “mắc bẫy” của chị em bà Th. hàng chục người dân xã Nghĩa An vỡ mộng xuất ngoại đổi đời, họ phải tìm việc khắp nơi để làm thuê trả lãi, trả gốc đã vay mượn. Đồng thời, nhiều lần đến nhà bà Th. để đòi lại tiền nhưng bị chồng bà Th. xua đuổi, còn Th. thì tránh mặt.
Những nạn nhân cũng chia sẻ, họ được hứa hẹn nộp tiền để làm Visa E8-2 (visa thời vụ ngắn hạn diện nông nghiệp tại Hàn Quốc). Để làm visa này, yêu cầu người có quốc tịch Hàn Quốc đứng ra bảo lãnh. Tin tưởng vì là chỗ quen biết, lại biết bà G. thực sự đang ở Hàn Quốc nên nhiều người chạy vạy vay mượn, bán cả nữ trang để gom tiền cho đủ.
Trong quá trình này, bà Th. được cho là luôn giục giã, hối thúc, người già hay thanh niên đều hứa hẹn và yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để “chốt sổ”. Quá thời hạn đã hứa, những người đã chuyển tiền đến nhà đòi lại nhưng không được. Hiện giờ, họ cũng chẳng biết là bà Th. đi đâu vì không thấy có mặt ở địa phương.
Theo tìm hiểu, có hơn 100 nạn nhân “sập bẫy” lao động ngắn hạn ở Hàn Quốc với số tiền khoảng 4,5 tỉ đồng, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn gồm Tân Thạnh, Tân An, Tân Mỹ, xã Nghĩa An. Sau khi xảy ra sự việc, nhiều người làm đơn tố cáo gửi chính quyền và công an tỉnh, nhưng hơn nửa năm qua vẫn chưa có kết quả.
Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An xác nhận, cuối tháng 8.2023 UBND xã đã nhận được đơn tố cáo của hàng chục người dân tố cáo bà T. T. Th. lừa họ nộp tiền để đưa đi làm việc tại Hàn Quốc. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã điều tra, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, do số người bị hại và số tiền quá lớn nên vụ việc được Công an xã chuyển đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi thụ lý, làm rõ.
“Hằng năm, địa phương liên tục thông báo rộng rãi đến người dân về chính sách xuất khẩu lao động, cảnh báo người dân để tránh bị lừa đảo, đồng thời xã sẽ làm cầu nối với các đơn vị của nhà nước trong công tác đưa người đi làm việc nước ngoài khi người dân cần. Tuy nhiên, vì tin tưởng người quen, người thân nên đã nhiều người dân vẫn đưa tiền cho Th. để rồi bị chiếm đoạt”, bà Công cho biết thêm.