Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam

VHO - Nghị định của Chính phủ hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định mới; các trường hợp được nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam như người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01.07.2025.

Nghị định gồm 6 chương, 38 điều quy định về thủ tục nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; thông báo kết quả giải quyết về quốc tịch; cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch…

Về nhập quốc tịch Việt Nam, Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:

Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không được miễn điều kiện về thường trú quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan Công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.

Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2025 cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà không cần đáp ứng các điều kiện về trình độ tiếng Việt, thường trú tại Việt Nam, thời gian thường trú tại Việt Nam…

Theo hướng dẫn tại Nghị định, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các trường hợp có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

Người có tài năng vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục hoặc các lĩnh vực khác đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng hoặc được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương và có cơ sở cho thấy người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam;

Doanh nhân, nhà đầu tư là cá nhân có hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về việc người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam.

Nghị định cũng nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quyết định việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam trên cơ sở xác định có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định.

Toàn văn Nghị định số 191/2025/NĐ-CP có thể xem tại đây.

Theo VĂN TOẢN/Báo Nhân Dân

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc