Hành vi cố ý gây thương tích của người chưa thành niên: Hình phạt nào là thích đáng?

VHO - Vụ việc cháu bé học sinh lớp 8 (quận Long Biên, Hà Nội) bị đánh chết não do mâu thuẫn khi chơi bóng rổ đã được Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án và bắt giam bị can (sinh năm 2008, quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Hành vi cố ý gây thương tích của người chưa thành niên: Hình phạt nào là thích đáng? - Anh 1

Mẹ cháu N.H.Đ xúc động khi nhận được hàng nghìn con hạc giấy và thư động viên, chúc cháu Đ. khỏe mạnh trở lại (Ảnh từ FB Luật sư Nguyễn Anh Thơm)

 Nạn nhân bị tổn hại 99% sức khỏe

Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, khoảng 15h ngày 17.3, cháu T.V.K (SN 2012, trú tại quận Long Biên) chơi tại khu vực đình Lệ Mật thì phát sinh mâu thuẫn với cháu N.H.Đ. Cháu K bị cháu Đ tát vào mặt. Sau đó, cháu K chạy đi gọi anh trai là T.V.M để nhờ giải quyết mâu thuẫn. Khi hai anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật thì gặp bố đẻ là anh T.V.T và kể lại sự việc. Anh T bảo các con lên xe máy để chở đi “xem ai đánh”. Khi đến nơi, anh T bảo con đi vào, lúc này cả ba gặp ông nội đang có mặt ở đấy, rồi anh T quay xe định ra về.

Tuy nhiên, anh T thấy cháu M chạy đến đấm làm cháu Đ ngã ra đất thì vào can ngăn rồi ba bố con đi về nhà. Sau đó, anh T quay lại khu vực sân đình Lệ Mật thì thấy cháu Đ có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu, sau đó cháu được chuyển đến Bệnh viện 108 điều trị. Bệnh viện xác định cháu Đ bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng T.V.M (sinh ngày 28.11.2008), trú tại phường Việt Hưng (quận Long Biên) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người; đồng thời cũng đang tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ vụ án này xem có đồng phạm hay không.

Liên quan đến một số thông tin cho rằng đối tượng T.V.M học võ, cả hai anh em cùng đánh cháu Đ, người bố đứng ngoài cổ vũ cho hai con, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng đây là những lời đồn thổi không chính xác, thông tin xấu độc. “Bởi cơ quan chức năng vào cuộc là phải xác minh, điều tra, bắt người phải có căn cứ, phải xem xét tổng thể xem có yếu tố đồng phạm hay không chứ không thể áp đặt chủ quan. Công an Hà Nội đề nghị báo chí, người dân phải cẩn trọng khi tiếp nhận, đăng tải, chia sẻ thông tin chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh.

Đến nay, cháu N.H.Đ đã được gia đình đưa về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (nhận bảo vệ quyền lợi miễn phí cho nạn nhân), ngày 26.3, Trung tâm pháp y Hà Nội đã kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của cháu Đ là 99%.

Vì sao khởi tố tội danh cố ý gây thương tích?

Những ngày qua, dư luận đã lên án gay gắt với hành vi của ba bố con bị can, đồng thời có những hành động quá khích như ném đá vào nhà đối tượng và cho rằng khởi tố tội danh “cố ý gây thương tích” là quá nhẹ, cần phải khởi tố tội “giết người”.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, điều đau lòng là cả đối tượng phạm tội và nạn nhân đều dưới 18 tuổi. Cơ quan Công an xác định người phạm tội với tội danh “cố ý gây thương tích”, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, làm chết người hoặc thương tích từ 61% trở lên thì hình phạt với người thành niên là 7-14 năm; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi khung hình phạt tù từ 5 năm 2 tháng tới 10 năm 6 tháng. “Tuy nhiên, tội danh của vụ việc này cơ quan điều tra đang tiếp tục xác định. Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ cho thấy bị can đã sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu và bỏ mặc hậu quả, hoặc mong muốn hậu quả chết người, thì khi đó sẽ căn cứ vào Điều 123 Bộ luật Hình sự và Án lệ số 47 của Hội đồng Thẩm phán để chuyển tội danh sang tội giết người”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Với kết quả điều tra hiện nay, nếu chứng minh được bị can không có mục đích giết người và không lường trước được hậu quả chết người có thể xảy ra, không dùng hung khí nguy hiểm mà chỉ dùng tay, chân đấm đá vào người nạn nhân và nạn nhân ngã ra, đầu nạn nhân va đập vào nền đường; không chứng minh được mục đích giết người, không chứng minh được hậu quả chết người có thể xảy ra thì cơ quan điều tra thận trọng dừng ở tội “cố ý gây thương tích” là thỏa đáng. Cũng theo luật sư, nếu người em là cháu K (người trực tiếp mâu thuẫn) có tham gia đánh cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự vì dưới 14 tuổi. Còn đối với người bố, cơ quan điều tra sẽ xem xét trên cơ sở lời khai, kết quả giám định, camera an ninh để xác định có đồng phạm hay không?

“Theo lời khai bước đầu, người bố chỉ chở các con mình đến hiện trường với mục đích xem tình hình thế nào, chứ không phải mục đích đi đánh cháu Đ. Thứ hai, khi con mình đánh thì đã can ngăn và chở nạn nhân đi viện. Nếu lời khai là đúng thì người bố không phạm tội, bởi không có mục đích đánh nạn nhân, không xúi giục, giúp sức người khác đánh nạn nhân và cũng không mong muốn hậu quả xảy ra (do đã đưa nạn nhân đi cấp cứu). Còn lời khai này đúng hay không thì cơ quan chức năng sẽ điều tra để làm rõ”, ông Đặng Việt Cường nói.

Với vai trò là một luật sư và cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Đặng Việt Cường cho rằng, việc trẻ vị thành niên phạm tội một phần do nhận thức các em chưa đầy đủ, thiếu hiểu biết pháp luật. Trẻ bức xúc, bị bắt nạt, mâu thuẫn với bạn bè là chuyện thường xuyên thì người lớn phải biết kiềm chế cảm xúc để có cách giải quyết phù hợp. Khi đó, các bậc phụ huynh đầu tiên phải kiểm tra xem con em mình có thương tích không, có bị tổn thương nguy hiểm không? Nếu có thì đưa đi bệnh viện ngay, sau đó mới quay lại xem sự việc như thế nào rồi trình báo cơ quan chức năng, thầy cô giáo, gia đình đối tượng mâu thuẫn cho con mình. Còn nếu trong trường hợp con mình không sao thì cũng không cần thiết đến gặp đối tượng, chỉ cần tìm hiểu nguyên nhân và giáo dục con phòng ngừa cũng như kỹ năng ứng xử khi va chạm với người khác. Khi gặp đối tượng thì người lớn phải giữ thái độ ôn hòa giữa hai bên, tìm hiểu, giải thích, liên hệ với gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng để giải quyết. “Người bố chở con mình trong trạng thái bực tức, sôi sục như vụ việc trên để đến gặp đối tượng, rồi bỏ đi chỗ khác để tự con mình giải quyết thì tôi cho rằng tình huống này rất mập mờ. Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ có chuyện làm ngơ hay xúi giục để xác định có đồng phạm không?”, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc