Đà Nẵng: Xét xử đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả

ĐẶNG XÁ

VHO - Trong hai ngày 12 và 13.5, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử 13 bị cáo liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với quy mô lớn, trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các bị cáo bị truy tố về các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Sản xuất hàng giả” và “Buôn bán hàng giả”.

Đà Nẵng: Xét xử đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả - ảnh 1
Các bị cáo tại phiên toà. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Theo cáo trạng, Nguyễn Trung Luật (sinh năm 1981, trú tại quận 12, TP.Hồ Chí Minh) được xác định là người cầm đầu đường dây.

Luật tổ chức sản xuất 1.648.737 cuốn sách giáo khoa giả cùng 347.220 bản in bán thành phẩm, với tổng trị giá theo giá bìa hơn 51 tỉ đồng.

Các đầu sách này giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

Để tiêu thụ số lượng lớn sách giả, Luật thực hiện nhiều giao dịch với các đầu mối. Đáng chú ý, Phạm Thạch Kim Điền là “khách hàng lớn” với 251 đơn hàng, tổng cộng 1.176.744 cuốn sách, trị giá gần 38 tỉ đồng (theo giá bìa), được bán với mức chiết khấu lên tới 69%. Ngoài ra, Phạm Tin cũng nhận 17 đơn hàng với 86.274 cuốn sách, trị giá hơn 3 tỉ đồng.

Số sách chưa kịp tuồn ra thị trường gồm 385.719 cuốn thành phẩm và 347.220 bản bán thành phẩm đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, thu giữ.

Quá trình sản xuất được tổ chức bài bản: Phạm Ngọc Quang phụ trách khâu in ấn, thuê Phan Xuân Năng quản lý xưởng với lương 15 triệu đồng/tháng, kiêm việc mua 600.000 tem giả để dán lên sách. Trần Huy Cường đảm nhận sản xuất bản kẽm in, hưởng lương 8 triệu đồng/tháng.

Đà Nẵng: Xét xử đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả - ảnh 2
Máy móc thiết bị, phôi kẽm các đối tượng sử dụng để sản xuất, in ấn sách giả (Ảnh: Công an Đà Nẵng)

Trong khâu phân phối, Phạm Thạch Kim Điền lập mạng lưới riêng, thuê Phạm Đức Hậu quản lý giao nhận và Nguyễn Văn Tiến vận chuyển bằng ôtô, trả cước theo khoảng cách. Từ đây, sách giả được tuồn tới các nhà sách ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác, với mức chiết khấu 35-40%.

Cụ thể, Lê Duy Quang mua lại 19.804 cuốn sách, giá bìa hơn 632 triệu đồng, sau chiết khấu còn 270 triệu đồng; Nguyễn Văn Ánh tiêu thụ 4.795 cuốn sách giả với giá hơn 103 triệu đồng.

Sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội:

Nguyễn Trung Luật: 12 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Phạm Ngọc Quang: 7 năm tù; Phan Xuân Năng: 7 năm 6 tháng tù; Trần Huy Cường: 4 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất hàng giả”.

Lê Hà Thanh: 8 năm 6 tháng tù; Phạm Thạch Kim Điền: 9 năm tù; Phạm Đức Hậu: 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Tiến: 3 năm tù; Phạm Tin: 6 năm tù; Lê Duy Quang: 6 năm tù; Lê Minh Trí: 3 năm tù; Nguyễn Văn Ánh: 21 tháng tù; Trần Ngọc Tấn bị phạt tiền 200 triệu đồng về tội “Buôn bán hàng giả”.

Vụ án tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục và quyền lợi chính đáng của học sinh, phụ huynh.