Cảnh giác với những “bà mối” giúp tìm việc
VHO - Lợi dụng nhu cầu tìm việc của không ít trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng xấu đã đứng ra làm “cầu nối” nhưng thực tế lại đưa các em vào những quán karaoke ôm hay tụ điểm hoạt động mại dâm. Các gia đình, cha mẹ cần cảnh giác để con trẻ không bị các “bà mối” trá hình dụ dỗ, lôi kéo…
Chương trình tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho phụ nữ huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại Thừa Thiên Huế, năm 2023 vừa qua, cơ quan chức năng đã phối hợp giải cứu 7 nạn nhân bị các đối tượng xấu lừa dẫn đi và ép phải phục vụ, bán dâm ở các quán kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong số đó, có cả nạn nhân là trẻ em gái chỉ mới 14, 15 tuổi. Sau khi các em được trở về với gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ và giúp đỡ các em sớm hòa nhập cuộc sống. Phần lớn trẻ em gái vị thành niên bị rơi vào “bẫy” của đối tượng xấu đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nghỉ học sớm nên Hội đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể kết nối, hỗ trợ các em đi học trở lại hoặc theo học nghề để có thể tìm việc làm ổn định.
Em P.N (15 tuổi, trú tại phường Hương Sơ, TP Huế) là con gái thứ hai trong gia đình có bốn người con. Bố em làm nghề đạp xích lô thu nhập bấp bênh, mẹ lại hay đau yếu nên P.N và chị gái đã nghỉ học để phụ giúp gia đình. Em muốn đi học nghề nhưng không có điều kiện, qua kết nối của người quen trên mạng xã hội, em đã bị các đối tượng xấu lợi dụng. Hiện P.N mong muốn được học nghề trang điểm và đã được các tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ. Ở cách nhà P.N không xa là căn nhà của gia đình em T.K (16 tuổi), cũng bị lừa đi bán quần áo ở Hà Nội nhưng thực tế là đi phục vụ ở quán karaoke và bị ép bán dâm. Theo chia sẻ của T.K, em nghỉ học từ năm lớp 6 rồi vào Đà Nẵng học nghề ở một cơ sở spa. Mẹ em buôn bán ve chai, ba làm phụ hồ theo các công trình lâu lâu mới về nhà. Hai em của K. còn đang đi học nên em muốn đi làm kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Sau khi được giải cứu khỏi đường dây của các đối tượng xấu, T.K mong muốn được đi học lại, nhưng do đã nghỉ học quá lâu nên em được hỗ trợ chuyển sang học nghề.
Cùng hoàn cảnh, em K.Q (15 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) là con cả trong gia đình có bốn chị em. Cha mẹ làm công việc chân tay không ổn định, học lực lại kém nên K.Q nghỉ học ngay sau khi kết thúc lớp 5. Dù mong muốn được đi làm kiếm tiền, nhưng Q. còn quá nhỏ, chưa thể đăng ký đi học nghề. Một phần buồn chán do mâu thuẫn gia đình, phần vì áp lực cuộc sống khó khăn nên Q. cũng đi tìm việc rồi bị lừa bán ra các tỉnh phía Bắc.
Những trẻ em gái nói trên đều là nạn nhân của đường dây mua bán người do nhóm đối tượng ở các địa phương phía Bắc tổ chức, đã bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng Công an tỉnh Lào Cai và tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) triệt phá hồi năm 2023.
Kẻ cầm đầu đường dây “bà mối” kết nối việc làm ở Thừa Thiên Huế là đối tượng Hà Thị Thu Hằng (32 tuổi, trú tại thị xã Hương Trà). Người này đã cùng đồng bọn sử dụng các tài khoản mạng xã hội để dụ dỗ trẻ em gái ra Hà Nội làm công việc bán quần áo với mức lương hấp dẫn. Thực tế, Hằng đã đưa nạn nhân lên Lào Cai bán với mức giá từ 3-5 triệu đồng/người cho đối tượng Nguyễn Mạnh Hổ (trú tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ). Sau đó, Hổ bắt các nạn nhân phục vụ ở các quán karaoke, ép tham gia vào các vụ bán dâm do Hổ và đồng bọn tổ chức.
Theo bà Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, 7 nạn nhân vừa được “giải cứu” khỏi đường dây ép bán dâm đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đặc biệt, các em đều nghỉ học sớm, hay sa đà vào mạng xã hội nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ. Trong khi đó, cha mẹ các em đều phải mưu sinh vất vả, ít có thời gian quan tâm và chăm sóc con cái. Sau khi các nạn nhân trở về, Hội và chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kết nối, giúp đỡ các em và gia đình. Đồng thời, Hội cũng đẩy mạnh thông tin, cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán người để các hội viên lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Tuyên truyền các gia đình cần quan tâm, sát sao đến diễn biến tâm lý của con trẻ, tránh để các em bị đối tượng xấu lợi dụng lừa vào đường dây mua bán người và các tệ nạn xã hội.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Theo đó, tiếp tục phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, phấn đấu kiềm chế, giảm số vụ phạm tội về mua bán người: 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghịkhởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phácác vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết vàtruy tố; 90% số vụ mua bán người được giải quyết, xét xử. Đồng thời, làm tốt công tác giải cứu, bảo vệ an toàn vàhỗ trợ nạn nhân... Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai và đảm bảo yêu cầu về thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trởvề địa phương trong năm 2024; 100% trường hợp sau khi xác định là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân, giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tránh bị mua bán trởlại; 100% cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn và các kỹ năng liên quan… |
SƠN THÙY