Giải pháp nội địa hóa thiết bị ngành điện

VHO - "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế" là một trong hai công trình vừa được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025. Đây cũng là công trình đổi mới sáng tạo trong công nghiệp, góp phần tăng cường tỷ lệ nội địa hóa thiết bị công nghệ cao ngành điện, giảm chi phí đầu tư cũng như phụ thuộc vào nước ngoài.

Kiểm tra chất lượng các tủ điện trung thế sau khi lắp đặt và đưa vào sử dụng tại Nhà ga T3, Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Á CHÂU)
Kiểm tra chất lượng các tủ điện trung thế sau khi lắp đặt và đưa vào sử dụng tại Nhà ga T3, Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Á CHÂU)

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số nên nhu cầu về thiết bị điện, nhất là tủ điện trung thế phục vụ các công ty, khu công nghiệp và hệ thống điện quốc gia ngày càng cao. Trong khi đó, nguồn cung các thiết bị điện này chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này không chỉ gia tăng chi phí mua thiết bị mà còn khó kiểm soát về kỹ thuật, khó vận hành trong điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam.

Từ thực tiễn nêu trên, nhóm tác giả gồm các kỹ sư, đồng thời là lãnh đạo Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) Phạm Đình Thắng, Đoàn Kỳ Bá và Bùi Văn Đam đã nghiên cứu, phát triển thành công tủ điện trung thế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đề tài nghiên cứu tập trung vào hai dòng sản phẩm chủ lực là tủ điện trung thế 24 kV và 40,5 kV, tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn IEC 62271-200 (tiêu chuẩn quan trọng trong quản lý và phân phối điện năng, bảo đảm an toàn và hiệu suất của các hệ thống điện trung thế).

Trước khi sản xuất và cung cấp cho các đơn vị sử dụng, các sản phẩm này phải trải qua quá trình thử nghiệm rất khắt khe tại tổ chức KEMA, Hà Lan (một tổ chức thử nghiệm thiết bị điện hàng đầu thế giới) như: Khả năng chịu dòng sự cố ngắn mạch, chịu điện áp tần số công nghiệp, điện áp xung sét, thử nghiệm độ tăng nhiệt, thử nghiệm bảo vệ hồ quang… Kết quả thử nghiệm hai sản phẩm nêu trên thành công đã chứng minh chất lượng sản phẩm và thể hiện năng lực làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo theo tiêu chuẩn quốc tế của công ty.

Qua tìm hiểu, sản phẩm tủ điện trung thế 24 kV và 40,5 kV loại MV-Gsec do ACIT sản xuất là dòng sản phẩm chủ đạo, được công ty chú trọng đầu tư nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tủ trung thế 24 kV loại kéo rút Metal-Clad là sản phẩm đầu tiên được ACIT sản xuất và đưa ra thị trường vào năm 2013. Năm 2014, công ty tiếp tục nghiên cứu, sản xuất tủ trung thế 24 kV loại MV-Gsec và sau khi cung ứng ra thị trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2015, ACIT đã thiết kế tích hợp thành công và đưa ra thị trường dòng tủ kéo rút 40,5 kV loại MV36-Gsec. Như vậy, từ năm 2014 đến 2015, công ty đã cung cấp ra thị trường hàng trăm tủ điện trung thế kéo rút các loại 24 kV và 40,5 kV. Đây đều là các dòng sản phẩm mà khách hàng đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, khắt khe về kỹ thuật. Sản phẩm được lắp đặt trong các trạm biến áp 110 kV của EVN tại các xã Nam Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu (tỉnh Ninh Bình), phường Sông Công (tỉnh Thái Nguyên),… như một minh chứng cho chất lượng của dòng tủ này.

Tuy nhiên, đến năm 2016, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước về tủ trung thế loại Metal-Clad, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tiếp tục đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn về hai dòng tủ điện trung thế 24 kV (MV24-Gsec) và 40,5 kV (MV36-Gsec). Những “trái ngọt” đã không phụ công người “chăm bón”, vào năm 2019, ACIT tự hào là công ty đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu, thử nghiệm thành công cả hai dòng tủ 24 kV và 40,5 kV tại Phòng thí nghiệm KEMA, Hà Lan - một trong ba phòng thí nghiệm điện hàng đầu trên thế giới.

Theo ông Phạm Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty ACIT, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trước khi được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025, công trình “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” đã hai lần nhận Chứng nhận Sản phẩm Công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội năm 2020 và năm 2023; đạt danh hiệu sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 cùng nhiều danh hiệu uy tín khác. Thành công của công ty trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất các sản phẩm tủ điện trung thế nhằm cung ứng ra thị trường không chỉ góp phần hiện đại hóa ngành điện mà còn nâng cao năng lực thiết kế, kiểm định và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường công nghệ cao. Từ đó mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển hạ tầng công nghiệp quốc gia.

Bên cạnh đó, việc làm chủ công nghệ tủ điện trung thế còn tạo đà cho phát triển các sản phẩm công nghệ phụ trợ, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững tại Việt Nam. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Công ty ACIT tiếp tục nghiên cứu, sản xuất tủ trung thế RMU 24 kV và 40,5 kV đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80%. Các sản phẩm này đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đạt chuẩn quốc tế và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu.

Đánh giá về đề tài “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” vừa giành Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Công trình có đóng góp quan trọng cho quá trình làm chủ công nghệ, nội địa hóa thiết bị, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ điện. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nên nhu cầu sử dụng năng lượng cao, nhất là điện năng. Do vậy, việc các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công các thiết bị điện có chất lượng tương đương các hãng nổi tiếng với giá thành thấp hơn cần được biểu dương, nhân rộng”.

Theo NHẬT MINH/Báo Nhân Dân

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc