Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có kế hoạch thực hiện đề án “Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là đồng bào sinh sống vùng biên giới được tiếp cận thông tin về khoa học và công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức, quản lý, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp…

Đặc biệt, từng bước tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và các dữ liệu, thông tin khác liên quan lĩnh vực công tác dân tộc với các hệ thống thông tin, dữ liệu của Uỷ ban Dân tộc, Bộ, ngành trung ương. Qua đó, cung cấp, chia sẻ kịp thời, chính xác dữ liệu, thực trạng đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ có: 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá. 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã; hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống. 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai.

Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân; phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...).

Sẽ có 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số. Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn thuộc Chương trình được triển khai trên môi trường số.

Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các thông tin về y tế, giáo dục, văn hoá, môi trường, khoa học công nghệ, thương mại điện tử, dịch vụ công, an ninh trật tự, phòng chống thiên tai nhằm chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Kế hoạch.

Đồng thời, từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán, ngôn ngữ của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Kế hoạch…

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc