Ba lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số y tế quốc gia

VHO - Ba lĩnh vực mà ngành y tế ưu tiên chuyển đổi số hiện nay là chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện. Đây là nền tảng, động lực để y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia - Điểm sáng năm 2020 Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức ngày 29 - 30.12 tại Hà Nội đã cập nhật những thông tin về chuyển đổi số trong y tế đã được triển khai trong thời gian qua, mục tiêu là hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Cụ thể, Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…

Ba lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số y tế quốc gia - Anh 1

Đông đảo đại biểu, khách tham quan triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện, đến nay 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Đã có 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Ngày 25.9 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), nhờ những ứng dụng bệnh án điện tử, từ chỗ mỗi năm các bệnh viện phải quản lý hàng chục ngàn bệnh án giấy, ghi chép tay cho từng người bệnh kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan, khó khăn khi tìm kiếm lại các hồ sơ bệnh án cho người bệnh khi cần thiết… thì hiện nay, với việc chuyển hoàn toàn sang bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ mất thời gian ngắn để truy cập bệnh án người bệnh, từ đó có đầy đủ thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời; dành nhiều thời gian để thăm khám, tư vấn kỹ cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nhiều Giám đốc bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, còn ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý cấp trên.

Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid-19…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong lĩnh vực y tế dự phòng, sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng. Đồng thời, phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

T.LAM

Ý kiến bạn đọc