AI Day 2023 khai mạc với chủ đề “AI – tái thiết thực tại”

VHO - Ngày Trí tuệ nhân tạo 2023 với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là AI tạo sinh – GenAI. Đây là năm thứ 5 liên tiếp AI Day được tổ chức và trở thành hội nghị khoa học thường niên quy mô hàng đầu trong lĩnh vực AI của thế giới và Việt Nam. Sự kiện cũng lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng một dự án thú vị của AI Việt Nam với tên gọi “PhởGPT”.

AI Day 2023 khai mạc với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” - Anh 1

Ngày Trí tuệ nhân tạo 2023 với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” đã chính thức khai mạc sáng nay 5.12 tại Tp Hồ Chí Minh

AI Day là sự kiện thường niên do Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup) và New Turning Institute đồng tổ chức với sự đồng hành của Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Quốc Gia NIC.

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng hơn 30 chuyên gia là các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng hơn 100 đại diện doanh nghiệp và 1500 khách mời trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và chế tạo trong nước và quốc tế. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các đối tác lớn như: Intel, AWS, Elsa Speak, Do Ventures, AMD, Lenovo, Trusting Social, Google, VinFuture Prize, New World Saigon Hotel, NIC, Sovico Group, Vietjet Air, Vietsuccess, VietAI và The Global City.

Diễn ra trong hai ngày 5 và 6/12/2023 tại The Global City, AI Day 2023 gồm 4 phiên thảo luận chính, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực gồm “Tương lai của mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs); “Định hình lại tầm nhìn về tương lai trí tuệ nhân tạo; “Tác động toàn cầu của trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI“Tiềm năng của GenAI trong nền kinh tế Đông Nam Á. Đặc biệt, AI tạo sinh - GenAI là chủ đề nóng, được quan tâm bởi tính thiết thực và công năng. Ngoài ra, người tham dự còn có cơ hội trải nghiệm các tính năng, sản phẩm công nghệ AI tại gian hàng của VinAI và các nhà tài trợ.

AI Day 2023 khai mạc với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” - Anh 2

AI Day 2023 sẽ diễn ra trong 2 ngày (5-6/12) với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia là các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ khắp nơi trên thế giới

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - Tổng Giám đốc VinAI - cho biết: AI Day 2023 là ngày Trí tuệ nhân tạo quy mô lớn nhất mà VinAI đồng tổ chức trong 5 năm qua cùng với sự hiện diện của những bộ óc giỏi nhất trên thế giới trong lĩnh vực AI. Năm nay, VinAI cùng New Turning Institute đồng tổ chức AI Day 2023 với trọng tâm là GenAI, được kỳ vọng sẽ là cầu nối trí tuệ Việt với những tiến bộ của tương lai. Đây cũng là sứ mệnh hàng đầu, là mục tiêu của ngày Trí tuệ nhân tạo mỗi năm, nhằm đưa cộng đồng AI Việt ngày một phát triển, vươn ra thế giới.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Duy Đông (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhấn mạnh: “Thêm tin tưởng AI sẽ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ và sớm bắt kịp với trình độ của thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng cộng đồng AI nói riêng và cộng đồng khoa học công nghệ nói chung để phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, năng động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước”.

Tại AI Day 2023, Công ty VinAI đã lần đầu tiên chính thức công bố dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt là PhởGPT”. Mục tiêu của dự án là phát triển các mô hình tương tự như ChatGPT cho tiếng Việt và văn hoá người Việt. PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt một cách vượt bậc so với các công nghệ về ngôn ngữ thế hệ trước. Mô hình cũng được huấn luyện từ đầu với tập dữ liệu tiếng Việt, không phụ thuộc vào bất cứ một mô hình nào khác của thế giới, đảm bảo việc làm chủ công nghệ lõi tiên tiến cho Việt Nam.

AI Day 2023 khai mạc với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” - Anh 3

 Ông Bùi Hải Hưng - Tổng Giám đốc VinAI, Ông Thức Vũ - CEO của OhmniLab - Kambria cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư tại Lễ khai mạc sự kiện 

“PhởGPT” là một dự án mã nguồn mở, song hành cùng trào lưu các mô hình ngôn ngữ lớn với mã nguồn mở của thế giới như Llama của Meta hay Mistral được phát triển để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI. So sánh phiên bản PhởGPT-7B5-Instruct và ChatGPT mã nguồn đóng (GPT-3.5-turbo) và các mô hình mã nguồn mở khác cho thấy: PhởGPT đứng thứ hai chỉ sau ChatGPT trong hầu hết các mục đánh giá. Đội ngũ phát triển PhởGPT đang tiếp tục cải tiến mô hình và sẽ mở rộng dự án cho các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các ngôn ngữ trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Precedence Research, chi tiêu cho phần cứng AI đang tăng lên nhanh chóng, từ 43 tỉ USD năm 2021, có thể lên tới 248 tỉ USD vào năm 2030. Con số đã và đang trở thành một vấn đề gây đau đầu cho các nhà sản xuất. Hiểu rõ tác động, VinAI đã đầu tư công sức vào việc tối ưu các thuật toán AI, giúp giảm thiểu mức hao phí xuống thấp nhất. Tối ưu hoá mô hình AI giúp VinAI thiết kế các mô hình AI có hiệu suất sử dụng phần cứng tốt hơn trong khi độ chính xác không thay đổi, ngay lập tức giúp giảm thiểu đáng kể chi phí đầu tư phần cứng và chi phí vận hành điện toán đám mây của khách hàng. Các mô hình AI sau khi được tối ưu sẽ chiếm ít dung lượng bộ nhớ hơn và tiêu tốn ít điện năng hơn, từ đó giảm lượng khí thải ra môi trường.

Sau 5 năm liên tiếp tổ chức Ngày trí tuệ nhân tạo AI Day tại Việt Nam, những đổi mới trong nội dung chương trình cũng như việc thu hút “siêu sao AI” hàng đầu thế giới tham dự đã khẳng định sự lớn mạnh và nỗ lực không ngừng của VinAI – vai trò của người tiên phong, kết nối để những tài năng sáng giá của cộng đồng AI Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới.

Thông tin về các phiên thảo luận

1. Chủ đề “Tương lai của mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs)” - có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành như Giáo Sư Christopher Manning (Đại học Standford), Tiến sĩ He He (Đại học New York), Tiến sĩ Bùi Hải Hưng (CEO VinAI) và Tiến sĩ Lương Minh Thắng (Google DeepMind). Ngoài những thách thức trong điều chỉnh·các mô hình ngôn ngữ lớn, các diễn giả cũng sẽ bàn luận về thách thức của các mô hình ngôn ngữ có ứng dụng GenAI trong phát triển trợ lý ảo, để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người dùng.

2. Chủ đề “Định hình lại tầm nhìn về tương lai trí tuệ nhân tạo” – với sự tham gia Giáo sư Martial Herbert (Đại học Carnegie Mellon), Giáo sư Simon Lucey (Học viện Máy Học Úc, Đại học Adelaide), Phó giáo sư Angela Yao (Đại học quốc gia Singapore NUS), Giáo sư Anton van den Hengel (Đại học Adelaide) và Giáo sư Nguyễn Minh Hoài (VinAI và Đại Học Tổng Hợp New York tại Stony Brook). Nội dung sẽ bàn về những thách thức chính, cản trở việc triển khai hệ thống AI trong thực tiễn và lợi ích cũng như rủi ro tiềm tàng khi sử dụng những hình ảnh tạo ra bởi AI.

3. Chủ đề “Tác động toàn cầu của trí tuệ tạo sinh GenAI” - sáng ngày 6/12 sẽ tập trung vào chia sẻ của các doanh nghiệp, hướng tới lắng nghe và thấu hiểu định hướng tương lai của các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, nhằm đánh giá đúng xu hướng ứng dụng của GenAI trong nền kinh tế. Phiên thảo luận sẽ có sự tham gia của Ayush Batra (Đại diện của Intel), Vy Lê (đại diện quỹ Do Ventures), cùng nhà sáng lập của một số công ty khởi nghiệp.

4. Chủ đề “Tiềm năng của GenAI trong nền kinh tế Đông Nam Á” sẽ là phiên thảo luận cuối cùng với sự tham gia của đại diện Brian Bae, Chomchana Trevai đến từ Amazone Web Services (AWS), các nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp Việt tập trung vào GenAI, và nhóm nghiên cứu và phát triển LLMs đến từ Chương trình quốc gia về AI của Singapore (AI Singapore).

 

 

P.V

Ý kiến bạn đọc