Văn nghệ sĩ trăn trở vì chưa có tác phẩm đỉnh cao

VHO- Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại tuy đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?

Văn nghệ sĩ trăn trở vì chưa có tác phẩm đỉnh cao - Anh 1

 Hội nghị ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trăn trở khi nền VHNT đương đại ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ tầm cỡ như những giai đoạn trước kia

Hàng chục ý kiến của văn nghệ sĩ gạo cội, những người có trọng trách trong các Hội chuyên ngành VHNT đã cùng trăn trở và lý giải câu hỏi này tại Hội thảo Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Vì sao ít có tác phẩm đỉnh cao, văn nghệ sĩ lớn?

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, Hội thảo được tổ chức với mục đích thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn lại 2 năm giới VHNT thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021; quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Theo Tổng Bí thư, một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; tác phẩm của họ xa rời thực tiễn đời sống đất nước, nhân dân. Một số người phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, dùng mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan. Có người đề cao quá mức cái tôi để kêu gọi tự do sáng tác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với VHNT. Việt Nam cũng chưa có nhiều tác phẩm tạo sức hút và lan tỏa, làm rung động lòng người; ít có tác phẩm đỉnh cao, văn nghệ sĩ lớn…

Trong tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, nhiều văn nghệ sĩ đã thẳng thắn chia sẻ những mặt hạn chế, tiêu cực đã cản trở giới VHNT sáng tác những tác phẩm hay, chất lượng. Đó là sự vay mượn cái hay của người khác hoặc lặp lại chính mình (Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ). Đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành trong cơ chế bao cấp chậm thích ứng với cơ chế thị trường nên hạn chế đến phát triển công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực và chất lượng đội ngũ làm công tác sáng tác và lý luận phê bình VHNT chưa đủ mạnh (NSND Trần Quốc Chiêm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam). Cách đầu tư cho sáng tạo VHNT vẫn mang tính chất xin - cho, chưa thành một cơ chế, chính sách ổn định mang tính chiến lược (NSND Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam). Chính sách đầu tư cho văn hóa quá ít ỏi và bất cập so với các lĩnh vực khác, đầu tư đã ít lại còn dàn trải đều theo phương thức trợ cấp xã hội, không những không tạo động lực mà còn làm nản lòng giới văn nghệ sĩ, lãng phí tiền của nhân dân (Nhà thơ Dương Trọng Dật)...

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng cho rằng, nền âm nhạc của chúng ta thời gian gầy đây có những biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu, nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp; ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, một số bài hát chạy theo thị hiếu tầm thường… Sự phát triển thiếu hài hòa, mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc đã dẫn tới nền âm nhạc quốc gia chỉ có ca khúc, và chỉ thịnh hành ca khúc nhạc pop.

Nhắc đến căn bệnh lười đọc, nhà văn Lê Hoài Nam nêu, bản thân các nhà văn và các nhà phê bình cũng ít đọc, vì thế, trên báo chí xuất hiện một số bài nhận định, đánh giá văn nghệ vừa cũ kỹ, sáo mòn, vừa thiên lệch. Thậm chí lăng xê nhau một cách vô lối, không giấu được khẩu khí “lợi ích nhóm”…

Cần chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ

Rất nhiều văn nghệ sĩ đồng tình với cách đặt vấn đề của BTC Hội thảo và cho rằng đây là công việc lớn, một mình Liên hiệp không thể kham nổi mà cần có sự tham vấn từ các cơ quan cấp trên và các Bộ, ngành có liên quan.

Đại diện văn nghệ sĩ đã nêu ra nhiều giải pháp, trong đó có đầu tư cho sáng tạo VHNT. NSND Vương Duy Biên cho rằng, việc đầu tư các trại sáng tác cần đặc biệt lưu ý các vấn đề: Đầu tư có chiều sâu, tránh dàn trải, chọn lọc, nâng cao và tổ chức những thật chất lượng. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để văn nghệ sĩ phát huy tối đa năng lực sáng tác, song song với đề cao ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định, bên cạnh việc đầu tư đúng và đủ cho các tác phẩm có chất lượng, những tác phẩm có tầm tư tưởng lớn thì cũng kiên quyết không đưa ra công chúng những tác phẩm không đảm bảo chất lượng nghệ thuật, nói cách khác là loại bỏ những tác phẩm dựng để đủ kế hoạch!

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Bùi Việt Mỹ, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, PGS.TS Trần Trí Trắc chung quan điểm “cần đặc biệt coi trọng công tác lý luận phê bình VHNT”. Nhà thơ Dương Trọng Dật cho rằng, cần rà soát, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống phổ biến tác phẩm VHNT đang rất lộn xộn, mạnh tay dẹp bỏ những NXB không đủ năng lực, không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Chấp nhận bỏ nguồn vốn lớn đầu tư vào xuất bản, hệ thống rạp chiếu phim, sân khấu... để làm nơi phổ biến tác phẩm. Báo chí Trung ương, địa phương và của các Bộ, ngành cần làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền sáng tạo VHNT trong tình hình mới, bảo đảm quảng bá những tác phẩm chất lượng, có thành tựu.

“Đã coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì các nhà văn không hẳn cứ phải chờ đợi đến lúc công chúng trống giong cờ mở chào đón mới nhiệt thành sáng tác”, nhà văn Lê Hoài Nam bày tỏ. “Công chúng có quyền đòi hỏi văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm chất lượng. Họ có đầy đủ lý do để hy vọng về những tác phẩm lớn sẽ xuất hiện trong nền VHNT Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đủ bản lĩnh và trình độ để hòa nhập vào nhân loại”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận định.

Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo trong Liên hiệp, các hội chuyên ngành Trung ương và địa phương cho thấy, bên cạnh sự cần thiết phải đổi mới về cơ chế, chính sách, thì bản thân các văn nghệ sĩ cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình, làm sao để có những tác phẩm VHNT chất lượng cao, góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; dẫn đường và đồng hành với công chúng vươn đến tầm cao về thị hiếu thẩm mỹ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 Đã coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì các nhà văn không hẳn cứ phải chờ đợi đến lúc công chúng trống giong cờ mở chào đón mới nhiệt thành sáng tác.

(Nhà văn LÊ HOÀI NAM)

 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc