Từ truyện “Thằng Bờm” đến vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”

VHO- Hướng tới Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, tối ngày 8.5, Nhà hát Tuổi trẻ đã trình làng vở nhạc kịch Giấc mơ của Bờm (kịch bản: Thiên Ân; đạo diễn: NSƯT Ánh Tuyết; kịch bản âm nhạc: nhạc sĩ Trần Lệ Chiến và An Hiếu) được phóng tác từ truyện dân gian Thằng Bờm. Giấc mơ của Bờm đã vẽ nên một bức tranh của làng quê và được thể hiện hài hước, nhân văn bằng nhiều hình thức sân khấu hấp dẫn cho các bé như hát, nhảy múa, kịch nói với nhiều màu sắc âm nhạc mang âm hưởng dân gian đương đại.

  

Từ truyện “Thằng Bờm” đến vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” - Anh 1

Mượn tích câu chuyện dân gian Thằng Bờm, Giấc mơ của Bờm kể về cậu bé Bờm mồ côi cha - mẹ, gia cảnh nghèo khó nhưng ham học và có tấm lòng bao dung, lương thiện. Bờm thường giúp việc mọi người từ công đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ và được bà con dân làng, nhất là nhóm bạn trẻ bao bọc, che chở, thương yêu. Lợi dụng hoàn cảnh của Bờm, vợ chồng lão Phú ông, Phú bà tìm mọi cách ăn chặn tiền công của cậu bé.

Một ngày, lão Phú ông bày cách trộm trâu và đòi Bờm phải đền bằng việc trừ tiền công cả năm nếu Bờm không tìm được trâu. Cậu bé đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Lo sợ và mệt, Bờm thiếp đi. Trong giấc mơ, Bờm mơ thấy mẹ, được mẹ hát ru, yêu thương và chăm sóc như ngày thơ bé. Mẹ đưa cho Bờm chiếc quạt mo và dặn dò, để tìm được trâu và thoát cảnh đói nghèo. Và muốn không bị ức hiếp thì phải có kiến thức, phải chăm học và sống lương thiện, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người.

Từ truyện “Thằng Bờm” đến vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” - Anh 2

Khi tỉnh dậy, Bờm không thấy mẹ đâu, chỉ thấy chiếc quạt mo mẹ đã dùng để quạt mát cho Bờm suốt thời thơ bé. Chiếc quạt cũng là kỷ vật duy nhất mẹ để lại cho Bờm, và cũng nhờ nó, Bờm luôn cảm thấy có mẹ bên cạnh.

Mơ hồ về chiếc quạt thần kỳ của Bờm, lão Phú ông tham lam và vợ đã tìm đủ mọi cách để có được chiếc quạt mo, với ý nghĩ nhờ quạt thần tìm ra kho báu. Bằng trí thông minh của mình, Bờm và nhóm bạn đã làm cho vợ chồng Phú ông không thực hiện được âm mưu ăn chặn tiền và phải trả giá về sự tham lam của mình.

Ở đây đạo diễn đã xây dựng thêm nhân vật “cô bói” để truyền tải thông điệp về lòng nhân nghĩa, đạo làm người và bài học cho kẻ tham lam thông qua những lời thoại và âm nhạc mang đậm màu sắc dân gian.

Từ truyện “Thằng Bờm” đến vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” - Anh 3

Giấc mơ của Bờm vẽ nên một bức tranh của làng quê và được thể hiện hài hước, nhân văn bằng nhiều hình thức sân khấu hấp dẫn cho các bé như: hát, nhảy múa, kịch nói với nhiều màu sắc âm nhạc mang âm hưởng dân gian đương đại. Bên cạnh những điệu múa dân gian là những sáng tạo trong động tác hình thể mang phong cách đương đại, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt từ những vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người nông dân, mang lại sự phong phú và giàu cảm xúc nghệ thuật, tăng thêm sự lôi cuốn và giúp các em có thêm hiểu biết về đời sống của người dân ở làng quê.

Mặc dù là câu chuyện dân gian đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam nhiều thế hệ, nhưng thông qua sân khấu hóa, vở diễn đã mang đến các em nhỏ những bài học về sự trung thực, lòng vị tha, và ý chí phấn đấu, ham học hỏi và biết yêu thương chia sẻ với mọi người, không ỷ mạnh bắt nạt người yếu thế, không tham lam.

Từ truyện “Thằng Bờm” đến vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” - Anh 4

Để chuyển tải nội dung cốt truyện đến với các em thiếu nhi một cách mạch lạc, hấp dẫn, ekíp thực hiện chương trình đã chọn lọc từ kho tàng ca dao, tục ngữ, hò vè… để có được những ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian, nhưng với cách hòa âm, phối khí mang phong cách hiện đại, kết hợp với các trò chơi dân gian với mong muốn thông qua vở diễn giúp các em có tình yêu với văn hóa dân tộc, điều này vô cùng quan trọng bởi thế hệ trẻ ít có điều kiện tham gia vào các trò chơi dân gian, ít có hiểu biết về kho tang ca dao, tục ngữ đưoc lưu truyền từ bao đời nhưng lại ít có cách tiếp cận.

THANH NGỌC; ảnh: HỒNG MINH

Ý kiến bạn đọc