“Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt”

KHÁNH CHI

VHO - Ngày 18.2, tại khuôn viên Bảo tàng CSO (CSO Gallery), TP Hội An (Quảng Nam) diễn ra tọa đàm với chủ đề “Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt”, thu hút sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học.

“Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt” - ảnh 1
Khách mời tham quan bộ sưu tập Truyện Kiều tại CSO Gallery

 Đây cũng là hoạt động ý nghĩa chào đón Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (International Mother Language Day) vào 21.2 hằng năm, là dịp để tôn vinh và bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trên toàn cầu, thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ và tôn trọng các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học đặt trọng tâm trao đổi vào bốn nội dung quan trọng: Bối cảnh, nội hàm và tầm vóc của truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và thế giới. Giá trị văn học, tư tưởng và tầm ảnh hưởng của truyện Kiều. Tầm vóc di sản văn hóa của Nguyễn Du trong bối cảnh hội nhập.

Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển truyện Kiều trong bối cảnh đương đại. Nhấn mạnh vai trò truyện Kiều trong dòng chảy văn học Việt Nam, sự ảnh hưởng và vị thế của tác phẩm qua các thời kỳ. Sự phong phú của truyện Kiều với hơn 30 bản Nôm của nhiều tác giả, hàng ngàn ấn phẩm được biên soạn, xuất bản và dịch sang hơn 20 ngôn ngữ.

Các giá trị văn học, giá trị tư tưởng, tầm ảnh hưởng của truyện Kiều trong chính trị, đời sống và văn hóa; Ứng dụng truyện Kiều trong giáo dục và nghiên cứu học thuật. Giá trị lịch sử, chính trị của truyện Kiều với bối cảnh lịch sử Việt Nam và thế giới cũng được khẳng định. Giá trị đối ngoại, truyện Kiều như một tác phẩm lớn, góp phần nâng cao vị thế văn học Việt Nam trên trường quốc tế.

Truyện Kiều trên thi đàn thế giới được khẳng định ở sự công nhận của UNESCO đối với Nguyễn Du; Vị thế của truyện Kiều so với các tác phẩm kinh điển khác trong văn học thế giới. Từ đó, những người sưu tập truyện Kiều cũng chia sẻ về động lực, định hướng để góp phần quảng bá, giữ gìn và phát triển truyện Kiều trong bối cảnh đương đại.

Đặc biệt, các bạn trẻ học sinh đến tham dự tọa đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi với khách mời về câu chuyện tính kế thừa, sự lan tỏa của truyện Kiều trong đời sống văn hóa hiện đại; góc nhìn chữ “Tâm” - chữ “Tài” trong truyện Kiều với thế hệ trẻ, sự hội nhập thế giới với tinh thần văn hóa Việt - mà tiêu biểu là với truyện Kiều,…

Nói về tiếng Việt, nhiều người thường nhắc lại câu nói của học giả Phạm Quỳnh (1892- 1945) được hậu duệ khắc lại trên tấm bia đá đặt ngay trước bia mộ của ông (chùa Vạn Phước, TP Huế): “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.

Tọa đàm truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt mang ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học của tác phẩm cũng như khẳng định giá trị, tầm ảnh hưởng sâu rộng của truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt hơn nữa khi tọa đàm được diễn ra tại Bảo tàng CSO-CSO Gallery (229 Cửa Đại, Hội An). Đây là nơi đang trưng bày hơn 10 bộ sưu tập Truyện Kiều “độc nhất vô nhị” với 1.630 ấn phẩm và hơn 600 ấn phẩm được đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh…