Triển lãm 700 tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại TP.HCM và Hà Nội
VHO - Ngày 15.3, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng gia đình hoạ sĩ tổ chức triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi triễn lãm cùng tên sẽ diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội từ 15.3 đến 30.6.2025.

Triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025) và 100 năm ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2025).
Bảo tồn ký ức lịch sử và hun đúc tinh thần yêu nước qua nghệ thuật
Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM giới thiệu 146 tranh và ký họa, là các sáng tác xuyên suốt cuộc đời cầm cọ của họa sĩ, đặc biệt trong số đó gồm các chân dung các thập niên 1960 và 1970.
Triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” mở ra một không gian ký ức đầy xúc động, tái hiện những câu chuyện thời chiến không chỉ bi tráng mà còn thấm đẫm tính nhân văn.
Các bức tranh dẫn dắt người xem từ quá khứ chiến tranh đến hiện tại hòa bình, thể hiện sự hy sinh, lòng quả cảm và những khoảnh khắc đời thường quý giá. Mỗi tác phẩm là lát cắt lịch sử và câu chuyện, tâm tư được kể qua ngôn ngữ hội họa đầy xúc cảm.

Phát biểu tại khai mạc, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trần Minh Công, cho biết triển lãm là dịp tri ân họa sĩ Huỳnh Phương Đông và chiêm nghiệm lại lịch sử hào hùng của dân tộc qua nghệ thuật.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông là nhân chứng lịch sử và là người khắc họa lịch sử bằng nghệ thuật, ghi lại những khoảnh khắc bi tráng trong cuộc kháng chiến và quá trình dựng xây Tổ quốc trong hòa bình.
“Triển lãm giới thiệu 146 tác phẩm tranh và ký họa tiêu biểu, được chọn lọc từ gia tài sáng tác đồ sộ của cố họa sĩ. Qua từng tác phẩm, người xem có thể cảm nhận rõ nét phong cách hội họa đặc sắc, tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với lịch sử dân tộc”, ông Công cho biết.

Các tác phẩm trưng bày rất đa dạng, từ ký họa chiến trường như Chiến sĩ giao liên miền Đông, Cao xạ trong Mậu Thân, Giải phóng căn cứ Ấp Bắc, đến những tác phẩm nhân văn như Hạnh phúc trong rừng, Tổ quốc hòa bình, gia đình hòa hợp...
Tất cả đều truyền tải thông điệp hòa bình, khát vọng đoàn kết và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Bên cạnh các tác phẩm chiến tranh, triển lãm cũng phản ánh công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh qua hình ảnh công trường xây dựng, người lao động và những khung cảnh quê hương yên bình.

Các tác phẩm của ông thể hiện sự chắc chắn trong bố cục, tinh tế trong sắc độ và sinh động trong cách thể hiện ánh sáng, tạo nên những tác phẩm giàu chiều sâu và giá trị nghệ thuật.
Mỗi tác phẩm dường như đang kể một câu chuyện, trình bày một lát cắt lịch sử, gửi đến thông điệp sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau, phản ánh tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với dân tộc.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông không chỉ là một danh họa mà còn là một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng.
Những tác phẩm của ông đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn ký ức lịch sử, hun đúc tinh thần yêu nước, truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bà Lê Thị Thu, phu nhân của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, không giấu được cảm xúc khi chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của chồng. Bà nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ đối với lịch sử và nhân dân, qua những câu chuyện đầy cảm động mà ông đã để lại.
"Gia đình chúng tôi đã hy vọng từ nhiều năm trước có thể tổ chức một sự kiện để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh. Tôi và các con đã suy nghĩ và mong ước điều này.
Hôm nay, khi triển lãm được tổ chức, chúng tôi rất vui mừng vì sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bảo tàng, cơ quan, ban ngành, cũng như những người bạn, đồng nghiệp của anh. Lời mong ước của gia đình đã trở thành hiện thực", bà Lê Thị Thu xúc động chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã ra đi, nhưng để lại cho đời hàng nghìn tác phẩm đồ sộ, đóng góp quan trọng vào nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Những tác phẩm của ông không chỉ có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao mà còn ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Đó như là những thước phim sống động phản ánh một phần quan trọng của lịch sử dân tộc.
“Có thể nói, danh họa Huỳnh Phương Đông là một cây đại thụ trong nền hội họa Việt Nam. Triển lãm hôm nay là sự trân trọng đối với gia đình ông và những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành để đưa những tác phẩm của ông đến gần hơn với công chúng”, ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh.

Chuỗi triển lãm quy mô nhất về Huỳnh Phương Đông tại nhiều bảo tàng
Sau đợt triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, dự kiến các triển lãm tiếp theo sẽ diễn ra tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố (từ ngày 20.3), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (10.4) và tại một địa điểm đặc biệt khác sẽ được thông báo sau (từ 22.4).
Chuỗi triển lãm do các Bảo tàng, gia đình hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và SANN - The House of Art (Ngôi nhà nghệ thuật) phối hợp tổ chức.
Theo BTC, từ hơn 3.000 tác phẩm (gồm các chất liệu và ký họa), chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” chọn bày hơn 700 tác phẩm ở 4 địa điểm kể trên, sẽ trở thành sự kiện triển lãm quy mô lớn nhất về Huỳnh Phương Đông từ trước đến nay.
Cùng với triển lãm, bộ sách Hành trình Huỳnh Phương Đông (dự kiến 10 cuốn) sẽ chọn giới thiệu hơn 2.500 tác phẩm (gồm các chất liệu và ký họa) cũng sẽ được ra mắt trong những ngày cuối tháng 4.2025.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông vốn được mặc định là gắn liền sáng tác với kháng chiến và tuyên truyền, nhưng khi đến với chuỗi triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông thì sẽ thấy không chỉ có như vậy.
Giới thưởng ngoạn được nhìn thấy một Huỳnh Phương Đông đa dạng và đa diện, từ ký họa phong cảnh thời chiến đến thời bình, từ con người trong chiến tranh đến cuộc sống thường nhật, từ Việt Nam đến các chuyến đi quốc tế, từ chân dung chỉnh tề đến tranh khỏa thân.
Có thể nói Huỳnh Phương Đông dành cả cuộc đời của mình chỉ để vẽ và vẽ, lại có ý thức bảo quản tác phẩm, nên ngày nay chúng ta mới có dịp nhìn ngắm lại hành trình hội họa xuyên suốt và thú vị của ông.

Ngay những ký họa chân dung thời chiến, vẽ phe kháng chiến và vẽ các chiến thắng, ông cũng ưu tiên vẽ những lúc ngơi nghỉ bên chiến hào, những khoảnh khắc tâm tình.
Các ký họa ấy cho thấy ông có đủ thời gian để hiểu và nắm bắt nhân vật, lột tả được tâm tư, tính cách mỗi người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ký họa của ông sau này cũng chính là ảnh thờ, khi các nhân vật ấy bị chết trong chiến tranh.
Chuỗi triển lãm lần này bày các tác phẩm xuyên suốt cuộc đời cầm cọ của ông, đặc biệt các chân dung trong đó các thập niên 1960 và 1970, thời chiến tranh ác liệt; các thập niên sau chiến tranh, với sự xúc động gặp mặt, vươn lên trong đời sống.

Trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, người xem sẽ thấy mức độ đi của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Ông gần như đi xuyên suốt thời chiến, qua rất nhiều tỉnh thành với mức độ các liệt khác nhau, đi để tìm kiếm những khoảnh khắc ý nghĩa và đáng sống.
Khi hòa bình lập lại, ông đi vẽ nhiều nước, từ Liên Xô (Nga), Cuba, Trung Quốc, Lào, Campuchia… cho đến Canada, Pháp, ý… Thậm chí ông còn đi đến những nơi hẻo lánh, còn chưa có đường đi. Nơi đây, ngoài các phẩm, người xem còn thấy các kỷ vật, thư từ khác.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là những tác phẩm mà gia đình cùng với SANN - The House of Art mang ra làm công tác bảo dưỡng, phục chế. Người xem sẽ thấy một Huỳnh Phương Đông của đa chất liệu, của các ký họa lớp mỹ thuật trong chiến khu, của các tác phẩm đoạt giải thưởng…
Còn tại địa điểm đặc biệt (sẽ công bố sau) sẽ là những chân dung du kích thời chiến, là chân dung quân nhân và các sĩ quan, tướng tá, là các trận đánh lớn như Bình Giã, La Ngà…
Một điểm nhấn khác của chuỗi triển lãm là tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố, nơi SANN - The House of Art sẽ mang đến những câu chuyện thời chiến xúc động, cao cả và nhân văn.
Những nhân vật trong tranh đi qua thời chiến về thời bình, những giây phút bình yên của họ, những khoảnh khắc đời thường của họ… càng làm tăng thêm giá trị của hy sinh và hòa bình.

Trong chuỗi triển lãm lần này, người xem sẽ có dịp xem chân dung 8 vị tướng và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng. Được xem một tác phẩm đặc biệt vẽ về Đông Nai từ trên cao, như cách ngày nay chúng ta dùng máy ảnh flycam để quan sát cảnh vật…
Ngoài ra là các tư liệu, bưu ảnh, bưu thiếp, kỷ vật, hiện vật, tranh cổ động, tem thư… để hiểu thêm về bối cảnh sống và tâm tình của Huỳnh Phương Đông.
Trong hoàn cảnh còn nhiều hạn chế về thiết bị ghi hình tân tiến (máy quay phim, chụp ảnh…) thì những ký họa của Huỳnh Phương Đông đã ghi lại trung thực cảnh tượng khốc liệt của nhiều trận đánh, những chân dung đầy xúc cảm của đồng chí, đồng nghiệp.

Họa sĩ Huỳnh Công Nhãn (bí danh Huỳnh Phương Đông), sinh ngày 22.4.1925 tại Bình Hòa, Gia Định, là một họa sĩ nổi bật trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, gia nhập Hội Thanh Niên Tiền Phong và hoạt động bí mật ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Trong chiến tranh, ông tham gia vẽ tranh cổ động, giảng dạy mỹ thuật và ghi lại các khoảnh khắc lịch sử qua tranh ký họa.
Là thành viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông tham gia nhiều triển lãm quốc tế và nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Ông qua đời vào ngày 18.12.2015, thọ 90 tuổi.
Triển lãm cuối cùng của ông được tổ chức vào năm 2014, các sự kiện nghệ thuật tiếp tục được tổ chức sau khi ông qua đời, như triển lãm "Bên chiến hào" (2022) và "Hành trình Huỳnh Phương Đông" (2025).