TP.HCM thông qua Nghị quyết mới về chính sách đặc thù lĩnh vực VHNT: Động lực để văn nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo

VHO - HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có hiệu lực từ ngày 1.10.2023. Nghị quyết quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cho các cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp do UBND TP.HCM tổ chức.

TP.HCM thông qua Nghị quyết mới về chính sách đặc thù lĩnh vực VHNT: Động lực để văn nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo - Anh 1

 Nghị quyết mới sẽ tạo động lực để văn học, nghệ thuật phát triển. Ảnh: UBND TP.HCM trao tặng Giải thưởng sáng tạo lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Như vậy là sau thời gian chờ đợi, có thể nói Nghị quyết mới đã giải được bài toán khó, tạo động lực để văn học, nghệ thuật phát triển, văn nghệ sĩ được quan tâm từ đó nỗ lực lao động, sáng tạo nhiều hơn.

Nghị quyết được HĐND TP.HCM khóa X kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 19.9, có hiệu lực từ ngày 1.10 đến hết ngày 31.12.2025; quy định 9 nội dung chi như sau: Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025); Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật chuyên đề; Giải thưởng văn học, nghệ thuật TP.HCM; Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP.HCM; Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM; Liên hoan Phim ngắn TP.HCM; Liên hoan Sân khấu TP.HCM; Liên hoan ca, múa, nhạc TP.HCM; Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang.

Đây được xem là chính sách mang tính tổng thể về nội dung và mức chi cụ thể về các cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật lần đầu tiên trên cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM: “Việc ban hành chính sách theo Nghị quyết này sẽ tạo hành lang pháp lý để quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cụ thể, khuyến khích sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, đưa hoạt động biểu diễn đi vào nề nếp hơn. Có thêm điều kiện, môi trường để nghệ sĩ, tác giả thăng hoa trong nghề nghiệp và sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, góp phần tích cực vào quá trình vận động và phát triển văn học, nghệ thuật chính là mục tiêu của cơ quan quản lý”.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, TP.HCM vẫn tồn tại những khó khăn về việc áp dụng quy định pháp luật và cơ chế để tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, cuộc vận động sáng tác. Các sự kiện này chưa thực sự có sức hút đông đảo công chúng khi cơ chế giải thưởng kém hấp dẫn, dù các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã và đang được tổ chức, đóng góp vào những thành tựu của thành phố.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, do Thành ủy TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quá trình hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển văn học, nghệ thuật của cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển phong phú, năng động, sáng tạo và đạt được những thành quả đáng khích lệ.

“Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật cũng còn hạn chế nhất định do chưa được một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song có ít tác phẩm lớn, tầm cỡ và giá trị. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo được sức hút, “giữ chân” các tài năng. Công tác phát hiện tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, nhất là những bộ môn truyền thống. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật...”, ông Dương Anh Đức bày tỏ.

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nhấn mạnh: “Nghị quyết ra đời sẽ giải quyết bất cập của quy định pháp luật hiện hành về chính sách cho các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, sẽ góp phần cụ thể hóa về cơ sở pháp lý của các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Với vai trò là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật của cả nước, TP.HCM vừa là không gian sáng tạo, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh và giao lưu văn hóa quốc tế; việc thành phố tập trung xây dựng những mô hình hoạt động nghệ thuật năng động, thu hút khán giả ở các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… là cần thiết. Ban hành chính sách là nội dung cần thiết và cấp bách, tạo cơ sở ổn định, lâu dài và thống nhất trong thực hiện chi giải thưởng của lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp”. 

 ANH HUY

Ý kiến bạn đọc