Thị dân cũ, thị dân mới, và văn chương

HOÀI NAM

VHO - Cách đây vài năm, nhà văn Nguyễn Việt Hà từng xuất bản cuốn tiểu thuyết có cái tên mang tính chất thông báo rất rõ ràng: Thị dân tiểu thuyết. Nhưng thật ra, chẳng cần thông báo như vậy thì tất cả các tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà cũng đều là tiểu thuyết về người thị dân, đích xác là về người thị dân Hà Nội, “dân phố cũ”, mà gần nhất là cuốn Tuyệt không dấu vết, có nhân vật “Hà thành lãng tử”, một gã trai Hà Nội biết chơi dương cầm, biết sử dụng kiếm Nhật, vừa đọc kinh Phật vừa đọc kinh Thánh vừa sành rượu Tây ta các loại, rốt cuộc lại là một bệnh nhân tâm thần phân liệt…

Thị dân cũ, thị dân mới, và văn chương - ảnh 1
Nhà văn lão thành Ma Văn Kháng viết “Mùa lá rụng trong vườn” để kể về sự rạn nứt trong một gia đình thị dân cũ Hà Nội, ở bước chuyển từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường

 Không chỉ Nguyễn Việt Hà, mà nhiều nhà văn khác như Trần Chiến, Lê Minh Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, nhất là Đỗ Phấn, cái họ viết ra dường như chỉ để đi tìm định nghĩa hoặc thực hiện những mô tả về người thị dân, thị dân Hà Nội cũ và mới, mà thôi. Vậy, một câu hỏi nhất thiết phải đặt ra: Thị dân là ai, có những đặc điểm tính cách như thế nào?

Thị dân là ai?

Duy danh định nghĩa thì rất đơn giản: Thị dân là dân sống ở đô thị/thành phố, một kiểu người khác với nông dân, là dân sống ở nông thôn/làng quê, nên ngày xưa các cụ thường hay so sánh “người nhà quê” với “người hàng tỉnh” là vì thế. Nhưng vấn đề lại rắc rối ở chỗ, không phải cứ hễ sống ở đô thị/thành phố thì thành ra thị dân ngay lập tức. Có thể quan sát thấy nhiều người, từ các làng quê khác nhau trên cả nước nhập cư Hà Nội, sống cả đời ở Hà Nội, có nhà cửa, hộ khẩu và công việc ổn định ở Hà Nội, nhưng suy nghĩ và cung cách ứng xử thường nhật vẫn cứ rất “le nhaque” - tôi không nói “le nhaque” cao hơn hay thấp hơn, văn minh hơn hay dã man hơn “le dothi”, chỉ nói nó là một sự khác - họ không phải thị dân, hay nói đúng bản chất hơn, họ chỉ là những “người nhà quê” tạm trú ở đô thị mà thôi.

Điều này có “lịch sử vấn đề” của nó. Tôi vẫn cứ muốn lấy Hà Nội ra như một trường hợp để thử tìm hiểu, cho dẫu rất lốm đốm sơ sài. Chúng ta đều biết, từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XVIII, Thăng Long/Đông Đô/Hà Nội là kinh đô của các vương triều Lý, Trần, Lê. Sang đến thế kỷ XIX, triều Nguyễn, Hà Nội mới trở thành Bắc thành, nhường vị trí trung tâm quyền lực chính trị cho Phú Xuân/Huế. Suốt gần 10 thế kỷ kinh đô ấy, đương nhiên Hà Nội hút dân tứ xứ về để phục vụ cho đời sống của các vương triều, và từ đó làm hình thành một kiểu đô thị mà nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là Trần Đình Hượu, vẫn định tính là “đô thị phương Đông”, nghĩa là nó rất khác với mô hình đô thị hiện đại như ta vẫn hình dung. Hà Nội hồi ấy giống như một cái làng lớn hợp thành từ nhiều cái làng nhỏ, và dân kinh thành hồi ấy về bản chất vẫn là nông dân mà thôi, họ chưa hề cắt đứt cuống rốn với những làng quê nông thôn gốc gác và những tập tục truyền thống của mình.

Những đặc điểm tính cách thị dân Hà Nội, cũ và mới…

Mọi chuyện chỉ khác đi vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp chọn Hà Nội làm thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp và đã thực sự kiến thiết Hà Nội theo mô hình một đô thị phương Tây, với hệ thống đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, nhà hát... theo kiểu phương Tây. Về cơ bản, các tầng lớp thị dân hiện đại - dù họ có là công chức nhà nước, thương gia, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công hay công nhân trong các công xưởng - bắt đầu được hình thành từ đây, với những thiết chế xã hội và những quy tắc, quy chuẩn sinh hoạt kiểu “văn minh đô thị”, khác hẳn kiểu “văn minh nông thôn”. Vài ba thế hệ thị dân Hà Nội như thế đã tồn tại và phát triển một cách tương đối ổn định cho đến năm 1954, thời gian tuy không dài, nhưng chắc cũng đủ để họ trau chuốt đến thành tinh hoa một số nét tính cách và phong cách sống, mà cái mặc định về người “Hà Nội gốc” và sự “hào hoa, thanh lịch” chính là một ví dụ. Văn chương, thơ ca Việt Nam trước năm 1945, nếu xuất phát từ hệ quy chiếu nông thôn, rất thường hay có sự so sánh đầy mặc cảm của người dân quê với người thị dân Hà Nội “hào hoa, thanh lịch” này. Với họ, Hà Nội như một thiên đường đang vẫy gọi. Ta có thể đọc thấy trong thơ Nguyễn Bính: “Gia đình thiên cả lên Hà Nội/Buôn bán quanh năm bỏ cấy cày/Anh em cánh nhạn người Nam Bắc/Bao giờ mới gặp lại nhau đây?”. Hay ở thiên truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam, Hai đứa trẻ, thì trong mắt của chị em Liên, hai đứa trẻ phố huyện, Hà Nội đã tượng hình thành những đoàn tàu đầy ánh sáng với những con người thị dân sang trọng ngồi trên đó, Hà Nội như một viễn mộng chạy qua đời chúng hằng đêm và để lại bao niềm mơ ước.

Mọi chuyện lại khác đi thêm một lần nữa kể từ năm 1954, dưới chính quyền của nhà nước công nông Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bối cảnh chính trị - xã hội mới và những yêu cầu phát triển mới (xây dựng một Thủ đô/pháo đài Xã hội chủ nghĩa) đã khiến Hà Nội hút về, và vào nó, nhiều hơn nữa những nguồn cư dân mọi miền đất nước, từ miền núi đến đồng bể, từ miền Nam, miền Trung đến các làng mạc đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Có thể gọi đây là làn sóng thị dân mới đầu tiên của Hà Nội, làn sóng thị dân mới ấy được nối/gối tiếp liên tục theo đà mở rộng và phát triển thủ đô, cho đến tận hôm nay vẫn chưa dừng. Và điều đáng chú ý về phương diện xã hội học là: Những làn sóng thị dân mới ấy đã công phá Hà Nội cùng lớp thị dân cũ của nó, tạo nên những xáo trộn, cả những chấn thương tâm lý mà ta hoàn toàn có thể nhận thấy dấu vết khá rõ trong văn chương.

Tôi nhớ, không chắc chắn lắm, trong loạt bài viết về chủ đề này cho báo Thể thao & Văn hóa, nhà văn Trần Chiến đã nói về thị dân cũ Hà Nội như những con người rất kém khả năng tranh chấp, những con người đã tự nguyện lùi về phía sau và ở tầng hai của các căn nhà hình ống trên phố cổ, nhường mặt tiền nhà cho những thị dân mới... Tiểu thuyết Cậu ấm của ông, được xuất bản sau đó ít lâu, sẽ nhấn mạnh hơn vào phương diện này. Các tiểu thuyết Gió từ thời khuất mặt, Phố vẫn gió của Lê Minh Hà, hay Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến cũng có chủ đề và kiểu nhân vật tương tự. Và nếu ngược thời gian một chút, ta có thể sẽ phải nhắc đến một tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn lão thành Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn, viết về sự rạn nứt trong một gia đình thị dân cũ Hà Nội, ở bước chuyển từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường.

Còn đây là một đoạn tôi từng viết về nhân vật người thị dân cũ Hà Nội trong các tiểu thuyết của một “cao bồi già phố cổ”, nhà văn Đỗ Phấn: “Họ thường là những đàn ông trong độ tuổi từ trung niên đến già. Họ sống ở “đô thị này” như là những con người được “đô thị trước” gửi đến. Họ luôn nhớ tiếc cái đã qua. Họ nâng niu những mảnh còn sót lại của quá khứ. Họ lưu giữ và tự thực hành một lối sống có phần lạc lõng giữa cái ngày hôm nay xô bồ, tất bật. Họ kỹ tính đến mức trở nên cầu kỳ trong cung cách hưởng thụ cuộc sống, cho dẫu là một cuộc sống chẳng có gì đáng gọi là giàu có. Thị dân cũ Hà Nội - hay “dân phố lâu đời”, theo như cách một nhân vật của Đỗ Phấn tự nhận - hấp thụ một sự dạy dỗ khác, quen với một nề nếp sinh hoạt khác, chấp nhận một bảng đánh giá giá trị đời sống khác. Khác, so với lớp thị dân mới đang ngày một đông lên nhanh chóng và cũng đang nhanh chóng khiến cho Hà Nội biến đổi theo mọi nghĩa. Khác, nhưng vẫn buộc phải sống trong và sống cùng với sự biến đổi ấy, buộc phải xác lập những mối quan hệ xã hội nhất định để có thể sống. Bởi cái sự miễn cưỡng này mà, như không thể khác, nhân vật thị dân cũ Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn luôn tồn tại và hoạt động trong một tình thế chênh vênh, lỡ cỡ: Làm những công việc “gần như là làm”, có những người bạn “gần như là bạn”, quan hệ với đàn bà theo cách “gần như là yêu”. Tóm lại, đó là kiểu sống “gần như là sống” (Viết Hà Nội, trường hợp Đỗ Phấn, in trong sách Từ trang sách đến những gương mặt văn chương, Nxb Hội Nhà văn, 2021).

Chỉ phác sơ qua, và chỉ trên chất liệu là Hà Nội thôi, đã thấy nảy sinh biết bao thắc mắc về người thị dân. Có học giả nước ngoài đã nhận định khái quát, rằng con người là một động vật được đặc trưng bằng “gen đô thị hóa”, hay nói cách khác, đô thị hóa, một khi đã khởi động, là quá trình bất tận và không thể đảo ngược trong lịch sử loài người. Theo đó, có thể nói mô hình nhân cách thị dân - đặc biệt là người thị dân Việt Nam, luôn bị giằng níu giữa gốc gác nông thôn và đích đến thành thị - là một mô hình động, xứng đáng được giới nghiên cứu xã hội học, nhân học văn hóa và giới sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có văn chương, quan tâm nhiều hơn nữa.