Ra mắt trường ca “Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người”
VHO- Sáng ngày 18.8, tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, nhà văn Trúc Phương đã cho ra mắt trường ca dày hơn ngàn trang, với tựa đề Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người. Đông đảo đồng nghiệp, độc giả yêu văn chương đã đến chia vui với nhà văn Trúc Phương.
Nhà văn Trúc Phương tại buổi ra mắt sách
Nhà văn Trúc Phương tên thật là Nguyễn Minh Nghiệp, sinh năm 1951 tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ông còn có các bút danh như: Sorya Phương, Nguyễn Trúc, Minh Khuê, Trần Phương Anh, Nhất Phương. Nhà văn Trúc Phương được xem như một gương mặt văn xuôi miền Tây Nam Bộ với các tiểu thuyết như: Cây sầu đâu sinh đôi, Cây bời lời bông trắng, Nghìn năm biển gọi, Chuyến xe ngựa cuối cùng, Nắng không của mặt trời, Chim không hót lúc bình minh… cùng nhiều giải thưởng danh giá. Với trường ca Từ hai phía mặt trời, nhà văn Trúc Phương đã ký bút danh Nhất Phương nhằm tưởng nhớ, tri ân đến người vợ của mình.
Ở tuổi 72, Trúc Phương ra mắt trường ca Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người đã khiến không ít người bất ngờ, bởi độ dày lên tới 1.118 trang, với 20 chương, chia thành 170 khúc. Nói đến sự đồ sộ của tác phẩm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết: "Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người hứa hẹn sẽ lập kỷ lục về thể loại trường ca của Việt Nam, vì tập 1 đã có dung lượng 1100 trang. Dài hơn trường thiên thơ và lịch sử Một người thơ tên gọi của Nguyễn Thế Kỷ với 12.668 câu thơ lục bát và dài hơn cả trường ca Mẹ, đất nước và lưu dân mà nhà văn Trúc Phương công bố cách đây gần 10 năm". Có thể thấy, chính sự nghiêm túc với văn chương và tận tụy với chữ, những lao động hết mình của nhà văn Trúc Phương đã được ghi nhận qua biên độ, mật độ, cao độ, triết độ, ngữ nghĩa nội hàm… ở tác phẩm lần này. Theo đó, Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người thông qua những triều đại, những thần thoại, những học thuyết, những câu chuyện để lý giải sự thịnh suy của thế giới chúng ta đang sinh tồn. Như trong lời tác giả đã viết: “Cuộc sống không chỉ có ánh sáng. Cuộc sống còn cần cả bóng tối. Tôi nghĩ nhà văn cũng nên biết yêu bóng tối, hãy lặng lẽ cùng bóng tối với những thương khó của một tha nhân và những công việc khiêm dị của người nhặt cây, quét lá… Bóng tối sẽ cho ta sự cao thượng của nó. Bóng tối sẽ mang đến cho cuộc đời cái mầm sống mong manh, tinh khiết được thai nghén từ đêm cùng sự kiên nhẫn và tình yêu thiết tha mà ta mong muốn dâng tặng. Hãy yêu lấy bóng tối nhân từ để ta được làm người hiền lương”.
Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều chúc mừng nhà văn Trúc Phương
Bày tỏ sự khâm phục trước trường ca của Trúc Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, để có được một tác phẩm đồ sộ như Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người, tác giả phải thấu hiểu rất nhiều về chính trị, lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo, nghệ thuật… ở mức độ cao nhất. “Trúc Phương đã có một cuộc hành hương kỳ vĩ nhất trong cuộc đời mình và đó cũng là cuộc hành hương kỳ vĩ nhất của con người, đi từ khởi đầu của lịch sử nhân loại và từng bước đi qua tất cả mọi triều đại, qua tất cả về thời gian, nỗi binh biến, đau buồn, niềm kiêu hãnh... để tiếp nhận trường ca này”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Còn theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, tác phẩm là một nỗ lực lớn lao của nhà văn Trúc Phương với bút danh Nhất Phương. “Khao khát viết nên “sử thi trái đất và loài người” của tác giả, thực sự không nhằm phô diễn hiểu biết cá nhân, mà mong muốn cảnh tỉnh “Trái Đất dày thêm nỗi đau bên những nấm mồ/ Sấm sét cuộc thành những dòng bia khắc” nếu con người không biết nghĩ về nhau, không biết trân trọng nhau”, nhà văn Bích Ngân cho hay.
Trường ca Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người
Là người viết tựa cho tác phẩm lần này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Mẫn tâm đắc: “Từ hai phía mặt trời là một bài thơ thật hoành tráng xuyên ngang mọi ngõ ngách không gian và thời gian tồn tại của trái đất – loài người, với những cảm xúc được nuôi dưỡng và kéo dài gần như bất tận. Tác phẩm này xứng đáng là tác phẩm của một đời người. Một trường ca có biên độ, mật độ, cao độ, triết độ, mỹ độ, ngữ nghĩa nội hàm của chữ, của lời. Đường kính, chu vi, từ trường, phạm vi va đập của ngôn ngữ có thể nói là N chiều của không gian tiếng Việt và ngôn ngữ Việt”.
Tập 1 của thiên trường ca Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người gồm 20 chương, dài 1115 trang 16 x 24, kết cấu bởi 170 khúc, sẽ cho độc giả cái nhìn, cái cảm về một thế giới nhân sinh vô cùng phức tạp, phong phú, nhân bản và phi nhân bản, nhân tâm và phi nhân tâm, đan xen tác động lẫn nhau trong quá trình hình thành phát triển nhân loại. Theo như nhận xét của bạn bè đồng nghiệp thì "Từ hai phía mặt trời: Sử thi trái đất và loài người xứng đáng là tác phẩm của một đời người".
HỒNG HẠNH