Nghệ thuật biểu diễn trong đại dịch: Làm sao để giữ người, giữ nghề?

VHO- Câu hỏi trên đang đặt ra đối với những nhà hát, đơn vị nghệ thuật vào thời điểm này. Chưa bao giờ thị trường biểu diễn lại ảm đạm và khó khăn đến thế. Hàng loạt chương trình đã lên khung, thậm chí đã phát hành vé đều phải hủy và trả lại tiền cho khách.

Nghệ thuật biểu diễn trong đại dịch: Làm sao để giữ người, giữ nghề? - Anh 1

 “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi Trẻ vừa ra mắt đã phải ngậm ngùi “xếp kho”

Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 là cơ hội để một số đơn vị có được hợp đồng biểu diễn thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ai nấy trở tay không kịp…

Đã khó lại càng thêm khó…

Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng tại Nhà hát cũng như lưu diễn ở các tỉnh; chương trình làm theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến diễn vào tháng 5 này cũng dừng lại. Kế hoạch phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa của Nhà hát Tuồng Việt Nam hai lần lên lịch đều “dính” dịch, cụ thể là chuyến lưu diễn vào dịp này tại Hà Giang, các nghệ sĩ đã sẵn sàng lên đường thì bị “cancel”. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn lo lắng: “Nguồn thu sự nghiệp trong tài khoản của Nhà hát hiện trắng trơn. Đến tập luyện cũng không thực hiện được vì không có tiền trả cho nghệ sĩ”. Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cũng ngậm ngùi: “Chúng tôi không khỏi xót xa khi phải huỷ các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng. Hiện Nhà hát chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ bằng cách nào…”.

Các đơn vị tự chủ về kinh phí hoặc một phần kinh phí như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… thì lại càng khó khăn hơn. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: “Hiện tất cả các đơn vị nghệ thuật đều trong tình trạng án binh bất động. Ban giám đốc chúng tôi đang rất đau đầu với việc giữ người để họ không bỏ đơn vị đi tìm việc khác và cân đối nguồn tài chính để duy trì mức lương cơ bản cho người lao động. Có thể nói từ năm ngoái đến nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có được một lối thoát nào thực sự thuyết phục…”.

Để đón đợt biểu diễn phục vụ khán giả “nhí” vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tết Trung thu, Nhà hát Tuổi Trẻ đã hoàn thành hai vở: Bầy chim thiên nga Cuộc chiến Virus nhưng đành “xếp kho” không biết đến bao giờ mới được công diễn. Đoàn xiếc đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hành quân vào Đà Nẵng, mang theo cả rạp bạt vào dựng trước nửa tháng để biểu diễn dịp 30.4 và 1.5, rốt cuộc chỉ diễn được có một buổi vào ngày 29.4. Việc phải hạ rạp, rút quân về sớm đã khiến Liên đoàn bị tổn thất nặng nề. Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng phải huỷ tới 46 suất diễn của tháng 5 và 5 buổi diễn vào tháng 6 phục vụ thiếu nhi tại 3 sân khấu ở Hà Nội và biểu diễn lưu động, đó là chưa kể các suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên, phục vụ chính trị. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Tiếc đứt ruột mà không biết làm sao vì kiếm được hợp đồng biểu diễn giờ không dễ chút nào, nhưng vì tình hình chung và đảm bảo an toàn cho anh chị em nghệ sĩ cũng như cộng đồng trước dịch bệnh nên Nhà hát phải tuân thủ nghiêm túc. Và cũng chỉ biết hy vọng dịch sẽ sớm được ngăn chặn…”.

Nghệ thuật biểu diễn trong đại dịch: Làm sao để giữ người, giữ nghề? - Anh 2

 “Trăng Đất Việt” của Nhà hát Múa rối Việt Nam cùng chung số phận “đắp chiếu” vì Covid-19

Rất cần những giải pháp dài hơi…

Những chia sẻ từ lãnh đạo các Nhà hát cho thấy tình trạng khó khăn đã lặp lại như đợt dịch năm ngoái. Tuy nhiên lần này thì tác động và ảnh hưởng sâu hơn, nặng nề hơn bởi có lẽ phải mất cả năm nữa khán giả mới có thể yên tâm để đi xem nghệ thuật biểu diễn.

Quyền Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, NSƯT Lê Khánh Toàn và Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam NSND Tống Toàn Thắng đều cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn nên tiếp tục thực hiện giải pháp xây dựng Nghệ thuật online đã đưa ra cách đây 1 năm. Theo hướng dự kiến, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn và có thể hợp tác làm Nhà hát truyền hình để các đơn vị giới thiệu những chương trình hay, tiết mục đặc sắc của mình. Đây là cách để nghệ sĩ vẫn có công việc và cũng là cơ hội quảng bá nghệ thuật tới mọi tầng lớp khán giả.

Năm 2020, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đã đề xuất lên Bộ VHTTDL về chính sách dừng tự chủ nhà hát trong giai đoạn dịch bệnh và kiến nghị miễn thuế doanh thu trong năm 2020 cho mọi đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật; giảm 50% thuế doanh thu trong năm 2021 để các đơn vị này có thể bù lại tổn thất nặng nề do dịch gây ra. Ngoài ra, giảm 50% số tiền các đơn vị sự nghiệp này thu được từ hoạt động bán vé tham quan, biểu diễn... Với các tổ chức văn hóa - nghệ thuật ngoài công lập, miễn thuế môn bài trong năm 2020 và 2021, miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh, áp dụng các chương trình cho vay không lãi từ các ngân hàng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn diện thì có lẽ đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ nghệ thuật thoát khỏi cơn bĩ cực và nỗ lực phục hồi.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một trong những lĩnh vực đòi hỏi phải phục vụ đông người tập trung mà thời điểm này thì việc đó là điều không thể. 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL cũng như các đơn vị nghệ thuật địa phương đều rất mong Nhà nước có những gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn, khủng hoảng… Hơn 1 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập đã rất nỗ lực để có thể lo đủ tiền lương trả cho người lao động. Nếu như không có việc dịch bùng phát trở lại thì chắc chắn những khó khăn của nghệ thuật biểu diễn sẽ dần được tháo gỡ, thế nhưng, một lần nữa “giặc Covid” lại tấn công, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” sẽ càng thêm nặng và thực sự rơi vào bế tắc nếu như không có sự “vào cuộc” của các cấp có thẩm quyền. 

 

(Bài Tuyên truyền  thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc