Lạc quan để trở lại đầy tươi mới
VHO- Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, thay vì đóng cửa, tắt đèn, “án binh bất động”, các đơn vị nghệ thuật tại TP.HCM vẫn duy trì nhịp độ tập luyện, đầu tư vở diễn mới, tận dụng “khoảng lặng” để củng cố công tác đào tạo, huấn luyện diễn viên, với hy vọng khi dịch lắng xuống sẽ có ngay sản phẩm tốt nhất phục vụ khán giả.
Một chương trình cải lương của Sân khấu nhỏ Sen Việt
Đặc biệt, nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm cổ vũ, động viên, kêu gọi đã ra đời kịp thời, đúng lúc, như lời hiệu triệu những trái tim cùng hướng về cộng đồng để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Chủ động lên kế hoạch tập luyện
NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt, ông “bầu” Sân khấu nhỏ Sen Việt cho hay, thời điểm bắt đầu vào mùa dịch, khi chưa có lệnh giãn cách thì sân khấu vừa biểu diễn, vừa tổ chức tập vở để nâng cao kỹ năng diễn xuất của diễn viên, triển khai kế hoạch xây dựng hai vở cải lương để tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại TP.HCM. Đến khi có lệnh giãn cách thì Sen Việt thực hiện tập vở online, nghĩa là chỉ tập thoại, phân tích tác phẩm trên nền tảng công nghệ thông tin. “Các anh chị em nghệ sĩ thường xuyên liên hệ trao đổi, tích cực chuẩn bị kế hoạch, chờ đến khi hết lệnh giãn cách để ra mắt những vở của hội diễn cũng như biểu diễn chương trình của đoàn cải lương Minh Tơ, chương trình Đêm hoa lệ… đã có kế hoạch từ trước đó”, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết và thông tin thêm, “cũng trong thời gian này, Sân khấu Sen Việt có sản xuất MV cải lương đặc biệt Nước mắt và nụ cười như một món quà tinh thần nhằm tri ân, cổ động lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Đây là đóng góp nhỏ bé của nghệ sĩ chúng tôi trong cuộc chiến cam go này”, đạo diễn chia sẻ.
Tương tự, NSƯT Trịnh Kim Chi cho hay, cũng như nhiều đơn vị khác, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi phải đóng cửa, nhưng cô và các diễn viên vẫn duy trì tập luyện vở mới Giới hạn mong manh. Đây là tác phẩm tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại TP Hải Phòng. Để đảm bảo an toàn, sân khấu đã chia thời gian tập luyện cho từng nhóm nhỏ để tránh việc tụ tập đông người. “Những lần giãn cách trước, khi sân khấu được phép hoạt động trở lại, mọi người mới tập tành, dựng vở. Để không bị động nữa, lần này tôi đã lên kế hoạch tập luyện rõ ràng, kỹ lưỡng nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch cho các diễn viên. Hy vọng dịch bệnh qua nhanh để sớm được quay lại sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả”, NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ.
NSND Hồng Vân, bà “bầu” Sân khấu kịch Phú Nhuận và Sân khấu kịch Chợ Lớn cũng cho biết, với tình hình chung hiện nay không riêng gì sân khấu mà các loại hình dịch vụ, giải trí, đơn vị nghệ thuật đều phải ngưng hoạt động, nhưng thay vì “than trời trách đất”, thời gian qua, các nghệ sĩ đã tập trung cho công tác đào tạo, huấn luyện học viên và đầu tư vở mới. Gần đây nhất, Sân khấu kịch Phú Nhuận trình làng tác phẩm kịch kinh điển Romeo và Juliet với một lực lượng diễn viên trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Tất cả đã sẵn sàng và được “lên dây cót” chờ ngày sân khấu mở cửa trở lại.
Bươn chải mưu sinh chờ ngày sáng đèn
Mặc dù thể hiện lạc quan cho sự trở lại đầy tươi mới sau khủng hoảng đại dịch, nhưng nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật không khỏi bất an khi dịch Covid-19 kéo dài, căng thẳng, dẫn đến nguy cơ nhiều diễn viên phải đổi nghề, chật vật bởi cuộc mưu sinh. Theo NSƯT Ngọc Khanh, bà “bầu” của gánh hát Bội tuồng cổ Ngọc Khanh, hát Bội ngày nay không còn được ưa chuộng như một số loại hình nghệ thuật khác, đa phần chỉ biểu diễn tại các đình làng trong dịp lễ hội. “Thật sự cuộc sống của những nghệ sĩ hát Bội vốn đã chẳng khấm khá gì khi chỉ có vài ba đêm diễn mỗi tháng. Hai năm qua có quá nhiều khó khăn, nhưng giờ đây nghệ sĩ chúng tôi chấp nhận thực tế và cố gắng bươn chải để mưu sinh, chờ đến lúc sân khấu sáng đèn trở lại, được mang lời ca tiếng hát của mình đến với khán giả”, cô chia sẻ. Được biết vừa qua, NSƯT Ngọc Khanh và nghệ sĩ cải lương Bình Tinh đã cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân để trao quà cho 50 nghệ sĩ hát Bội ở Cần Thơ, Bến Tre và Trà Vinh đang gặp nhiều khó khăn do các lễ hội Kỳ Yên ở đình, chùa đều tạm ngưng...
Theo nghệ sĩ cải lương Bình Tinh, năm ngoái và đầu năm nay cô đã phải hủy gần như toàn bộ các chương trình đã lên kế hoạch. “Trước khi có lệnh giãn cách xã hội của TP.HCM, không biểu diễn tại sân khấu mình vẫn nhận tham gia các game show, sự kiện… Nơi nào có khán giả yêu cải lương thì mình đến phục vụ chứ không câu nệ gì”, Bình Tinh cho hay. Thế rồi dịch bệnh bùng phát, không còn cách nào khác, chị chuyển sang… bán hàng online. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết thêm, dù biết chắc sẽ không thể hoàn lại vốn nhưng đầu năm nay, đoàn vẫn thực hiện vở San hà xã tắc để đáp lại tấm lòng người hâm mộ. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đoàn quyết định bán vé với mức giá thấp hơn để tất cả mọi người đều có thể được xem cải lương, nhất là các bạn trẻ. “Cảnh sân khấu đông nghẹt khán giả khiến nghệ sĩ chúng tôi vô cùng cảm động. Điều đó cho thấy tình cảm của mọi người dành cho cải lương tuồng cổ còn rất lớn. Hy vọng chúng tôi sớm được quay trở lại sân khấu để tiếp tục cống hiến”, Bình Tinh tâm sự.
Còn đối với đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, để bảo đảm cuộc sống, nghề tay trái của các nghệ sĩ được phát huy tối đa, nhóm nghệ sĩ đã tổ chức may phục trang, làm mũ mão theo đơn đặt hàng của các hãng phim và sân khấu xã hội hóa. Để tránh tụ tập đông người, mỗi khâu, mỗi phân đoạn sẽ được chia ra cho từng cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, đoàn cũng trích một phần quỹ để hỗ trợ cho các diễn viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch này. Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Trịnh Kim Chi cho biết thêm, hằng năm Hội cũng thường trích kinh phí giúp đỡ 7 sân khấu xã hội hóa, mỗi nơi 20 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn, nhưng là nguồn động viên tinh thần các nghệ sĩ cố gắng vượt khó để vững tin vào tương lai phía trước.
THÙY TRANG - HỒNG HẠNH
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)