“Kỷ vật - ký ức của chiến tranh”

KHÁNH CHI

VHO - Không gian trưng bày tại quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã chính thức mở cửa trở lại với sự kiện đầy cảm xúc: Trưng bày chuyên đề “Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh”.

 “Kỷ vật - ký ức của chiến tranh” - ảnh 1
Những tư liệu, hiện vật tại Không gian trưng bày

 Trưng bày diễn ra từ ngày 26.4 đến 12.9 tại Không gian trưng bày bên trong Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cha anh đi trước đã dâng hiến cả đời mình, cả xương máu, mồ hôi và nước mắt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với hai trăm hiện vật, hình ảnh được giới thiệu tại trưng bày lần này theo bốn chủ đề Hành trang của những chiến sĩ cách mạng; Những lá thư thời mưa bom lửa đạn; Tấm lòng hậu phương; Những kỷ vật từ trong lao tù đế quốc, tất cả kết nối, hỗ trợ nhau, để tái hiện lại ký ức của thời mưa bom lửa đạn qua câu chuyện thật, người thật, kể về kỷ vật của những người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hành trang của những chiến sĩ cách mạng trưng bày 67 kỷ vật, hiện vật gốc và 26 hình ảnh scan lại.

 “Kỷ vật - ký ức của chiến tranh” - ảnh 2

Đó là tấm vải dù của nữ TNXP Kha Thị Xuyên sử dụng vừa làm tấm đắp cho bản thân vừa dùng che cho trâu tránh muỗi khi phục vụ công tác tại tuyến đường 1C. Là cái giỏ xách của má Sáu Hòa (bà Nguyễn Thị Tư), nguyên Ủy viên Ban Quân sự Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định sử dụng trong thời gian làm giao liên cho Thành đoàn năm 19680; kính ngắm của đội nữ pháo binh xã Ngư Thủy dùng bắn cháy tàu chiến năm 1968; là ba lô con cóc, mùng quân trang, túi xách, áo mưa,… của những liệt sĩ con trai của các Mẹ VNAH,…

Những lá thư thời mưa bom lửa đạn giới thiệu 35 hiện vật gốc, 10 hình ảnh và 24 hiện vật scan lại. Là những lá thư gửi đến đồng đội động viên tinh thần chiến đấu, gửi về gia đình trong những ngày chiến tranh ác liệt, thể hiện tình cảm yêu thương của người vợ, người mẹ. Câu chữ, nội dung còn thể hiện cả lý tưởng sống, sự cống hiến hy sinh của một thế hệ xung phong vì tự do của dân tộc.

Tấm lòng của hậu phương trưng bày những hiện vật mà các mẹ, các chị ở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc, giữ nước đã sử dụng vào công tác giao liên, nuôi giấu cán bộ, cơ sở của cách mạng; trong công tác cứu thương, tải đạn. Những kỷ vật từ trong lao tù đế quốc trưng bày những kỷ vật thể hiện tình cảm ước mơ sum họp gia đình, mong gặp lại con trong ngày hòa bình thống nhất như mặt Áo gối thêu của bà Bùi Thị Tâm (Bùi Thị Lai), thêu tại chuồng cọp ở Côn Đảo tháng 12.1969; Áo trẻ em sơ sinh do bà Hồng Nhựt (Út Nhựt) may, thêu trong tù tặng Trần Hữu Hạnh (con gái nữ tù chính trị Lê Thị Tâm được sinh ra trong tù tại nhà tù Tân Hiệp) năm 1967-1969.

Những kỷ vật thể hiện tinh thần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng bằng việc học tập và sinh hoạt văn nghệ như sổ tay ghi chép những bài học chính trị của bà Lê Thanh Quý, nữ tù nhân tại khám Chí Hòa và khám Lớn Sài gòn năm 1949-1950; Bảng học chữ trong tù của cựu tù Lê Tú Cẩm; Đồ hóa trang của các nữ tù dùng biểu diễn văn nghệ… Đây chính là món ăn tinh thần giúp những nữ chiến sĩ quên đi cảnh tù đày nơi chốn lao tù, tiếp tục kiên cường vượt qua thử thách giam cầm và tra tấn, tăng lạc quan, thêm nghị lực chiến đấu.

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Giám đốc BQL Di tích và Danh thắng Quảng Nam cho biết, quá trình nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong kháng chiến, ban quản lý và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sưu tầm nhiều kỷ vật là vật dụng, hành trang của những người phụ nữ, chiến sĩ khi ra trận, được nâng niu giữ gìn qua năm tháng, được đồng đội, gia đình trao lại.

Mỗi kỷ vật tái hiện lại quá trình chiến đấu đầy cam go, gian khổ, là kỷ niệm về những khoảnh khắc thiêng liêng mà họ đã trải qua. Hiện vật dù nhỏ bé, hết sức bình thường nhưng gắn liền với cuộc sống thường nhật của mỗi người chiến sĩ. Qua trưng bày, sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tình cảm cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là khách tham quan về những hy sinh, đóng góp to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ. 

 

 

Ý kiến bạn đọc