Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ
VHO - Tối qua 1.4, tại tỉnh Trà Vinh, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023 đã chính thức khai mạc. Đến tham dự có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan; PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đồng Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan.
Múa Kin-Nor (Nàng tiên nữ) do tốp múa Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Trà Vinh và Sở VHTTDL Trà Vinh tổ chức, là hoạt động mang tính nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam Bộ với mục đích bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có Dù Kê. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa, góp phần vun bồi những hạt mầm mới, thúc đẩy sự phát triển của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc này. Liên hoan còn nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tham dự liên hoan năm nay có sự góp mặt hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (đứng thứ 6 từ phải qua) và PGS.TS Đỗ Hồng Quân tặng hoa cho các đơn vị tham gia liên hoan
Phát biểu khai mạc liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh, nghệ thuật Sân khấu Dù kê đã hình thành và phát triển hơn một thế kỷ qua, đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng ĐBSCL, thể hiện đậm đặc các giá trị nhân văn, khát vọng về những điều tốt đẹp và đã trở thành đời sống tinh thần không thể thiếu của người Khmer trong hơn 100 năm qua. Do tác động nhiều mặt của cơ chế thị trường, sân khấu Dù kê đang gặp nhiều thách thức, khó khăn và có nguy cơ ngày càng mai một trong đời sống cộng đồng. Trước thực tế đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh, Sở VHTTDL Trà Vinh tổ chức “Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai vào năm 2023" nhằm đánh giá lại hiện trạng hoạt động nghệ thuật sân khấu Dù kê khmer để nâng cao chất lượng từng bước chuyên nghiệp hóa nghệ thuật sân khấu Dù kê, đồng thời động viên các nghệ sĩ, nghệ nhân, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan bày tỏ, năm nay, sau 10 năm kể từ Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất được tổ chức tại Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Liên hoan lần thứ hai năm 2023. UBND tỉnh nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của Liên hoan lần này, vì thế ngay sau khi nhận được văn bản của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị thật tốt các nội dung để phối hợp tổ chức Liên hoan với mong muốn thành công, hiệu quả và thiết thực.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và NSND Trịnh Thúy Mùi tặng hoa cho Hội đồng giám khảo
Tại đêm khai mạc Liên hoan, khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật độc đáo với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) và Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) qua các tiết mục như hòa tấu Điệu khúc Ba Sắc (tác giả: Sơn Si Phone; biểu diễn: Sơn Si Phone cùng nhóm nhạc); độc tấu Chăm-Riên-Cha-Pây: Dưới bóng mát của Bác Hồ (tác giả: Thạch Chân; trình bài: Chơne Sô Pha Ra); tứ ca Nữ: Thắm mãi Văn nghệ quê ta (lời: Trần Văn Đài; nhạc: Kiên Via Sa Na; biểu diễn: Xuân Đi, Si Thương, Sôm Bô, Ngọc Tuyết); độc tấu: Vang tiếng Đàn Khưm (nhạc: Kiên Via Sa Na; biểu diễn: Kiên Via Sa Na cùng nhóm nhạc); múa: Kin-Nor - Nàng tiên Nữ (âm nhạc: NSƯT Kim Nghinh; biên đạo múa: Kim Thị Chanh Tha; biểu diễn: Tốp múa); ca khúc: Bạc Liêu quê tôi” (sáng tác: Thạch Mô ly; biểu diễn: Danh Suộl và nghệ sĩ Như Quỳnh).
Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 1-7.4, tại Trường ĐH Trà Vinh, với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Nhà nước như Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Binh Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, đồng thời còn có sự tham gia của các đơn vị xã hội hóa như Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara (Trà Vinh), Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang, Doanh nghiệp tư nhân đoàn Ánh Bình Minh, Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Ron Ron (Sóc Trăng), đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây (Trà Vinh), Đội Văn nghệ quần chúng - Ấp cây khô (Cà Mau) và Đoàn Nghệ thuật Khmer - Trường ĐH Trà Vinh. Nhằm góp phần động viên và hỗ trợ các đơn vị, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao hỗ trợ cho mỗi đơn vị tham gia liên hoan 50 triệu đồng.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao hỗ trợ cho các đơn vị
Sau chương trình khai mạc là phần dự thi của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, với vở Hoàng tử Vê Son Đo (tác giả: Soạn giả Thạch Khône; đạo diễn: NSƯT Thạch Sung, NSƯT Thạch Thị Hà). Vở diễn thuộc đề tài cổ tích, với nội dung ca ngợi đức tính lương thiện, lòng yêu thương và giúp nhau trong khó khăn, tất cả vì lợi ích và mưu cầu hạnh phúc của nhiều người, của chúng sinh…
Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh mở màn liên hoan với vở Hoàng tử Vê Son Đo
Trong liên hoan năm nay, với 13 vở diễn thuộc 13 đơn vị nghệ thuật, khán giả sẽ được thưởng thức các vở diễn cả dân gian, lịch sử lẫn hiện đại. Bên cạnh những vở diễn màng màu sắc huyền thoại của dân gian hay lịch sử như Hoàng tử Vê Son Do, Tướng quân Rit Thi Sắc, Chây SôRa Vông, Chuyện tình giữa tiên nữ và người phàm, Chuyện tình nàng Sô Vanl Pu Pa thì cũng có những vở diễn khai thác đề tài hiện đại, mang tính thời sự đậm đặc hơi thở cuộc sống như Bài học đắt giá, Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm,… Đây chính là sự phong phú, đa dạng về nội dung mà các đơn vị nghệ thuật mang tới liên hoan.
THÙY TRANG