Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" do Bộ VHTTDL tổ chức:
Động lực để văn nghệ sĩ dấn thân sáng tạo
VHO - Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian do Bộ VHTTDL tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước. Tại lễ công bố các tác phẩm được nghiệm thu, 35 tác phẩm tiêu biểu đã được vinh danh, khẳng định hiệu quả của việc đầu tư và tạo môi trường thuận lợi cho sáng tác.
Có thể nói, cuộc vận động không chỉ khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy tài năng mà còn truyền cảm hứng để họ sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Đổi mới trong đầu tư sáng tác văn học, nghệ thuật
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có quy mô, tầm vóc và giá trị tư tưởng sâu sắc, trường tồn trong lòng công chúng luôn là khát vọng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ nước nhà. Đây cũng chính là mục tiêu mà Bộ VHTTDL hướng tới khi phát động cuộc vận động sáng tác với chủ đề Sống mãi với thời gian.
Sau lễ phát động diễn ra vào tháng 12.2022 tại TP Hải Phòng, BTC đã nhận được hơn 200 đề cương và bản thảo thuộc các lĩnh vực văn học, sân khấu, âm nhạc, múa… Hội đồng thẩm định đã tuyển chọn 48 tác giả có bản thảo chất lượng để tham gia Trại sáng tác tại hai khu vực Bắc - Nam, nhằm hỗ trợ tác giả hoàn thiện tác phẩm, đáp ứng yêu cầu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
Từ 48 tác giả có bản thảo, đề cương chất lượng tham gia Trại sáng tác, ngày 13.1.2024, Hội đồng thẩm định chọn ra 40 bản thảo và đề cương xuất sắc nhất, và tại Lễ công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu, BTC đã giới thiệu 35 tác phẩm hoàn chỉnh, bao gồm: 10 tác phẩm văn học, 12 tác phẩm sân khấu, 11 tác phẩm âm nhạc và 2 tác phẩm múa.
Tham dự Lễ công bố và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông bày tỏ kỳ vọng: Các tác phẩm sẽ được lan tỏa rộng rãi và duy trì sức sống bền lâu theo thời gian, không chỉ góp phần đổi mới văn học, nghệ thuật theo xu hướng hiện đại mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, các Nhà hát trực thuộc Bộ và các Nhà xuất bản phối hợp chặt chẽ với Hội đồng chuyên môn để chọn ra tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu; tiến hành dàn dựng, xuất bản các tác phẩm đã được nghiệm thu. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các địa phương, dựa trên tình hình thực tế, lựa chọn những tác phẩm phù hợp để đặt hàng dàn dựng và phổ biến rộng rãi thông qua các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở.
Những tác phẩm chạm đến trái tim người Việt
Chia sẻ với Văn Hóa, các tác giả bày tỏ niềm vui khi những “đứa con tinh thần” của mình được ghi nhận. Hơn thế, đây còn là động lực mạnh mẽ để văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân và sáng tạo.
Ở lĩnh vực văn học, nhà văn Dương Hướng nghiệm thu tiểu thuyết Người gác đèn biển, tác phẩm khắc họa hình ảnh người gác đèn như một biên niên sử về vùng biển đảo trải qua bao thăng trầm, bão tố và chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ ngọn đèn biển. Nhà văn xúc động chia sẻ: “Được nghiệm thu Người gác đèn biển là vinh dự lớn đối với tôi. Để tạo nên một tác phẩm xứng đáng với tên gọi Sống mãi với thời gian là thách thức không nhỏ với văn nghệ sĩ nói chung và người cầm bút nói riêng. Đôi khi, điều đó phải trả giá bằng cả cuộc đời. Một tác phẩm sống mãi với thời gian phải vượt qua giới hạn lịch sử, thời đại nhưng vẫn phù hợp với dân tộc và mang giá trị nhân văn sâu sắc”.
Đến từ TP Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Thu Phương gây ấn tượng khi tham gia cuộc vận động với kịch bản sân khấu về đề tài người đảng viên đấu tranh chống tham nhũng. Chia sẻ về tác phẩm, nữ nhà văn bày tỏ: “Sân khấu phía Nam vốn tập trung vào các tác phẩm hướng đến khán giả, phục vụ thị trường và bán vé, nên cơ hội để làm chính kịch là rất hiếm. Nhiều khi viết xong, tác phẩm lại bị cất kho. Cuộc vận động thực sự là nguồn khích lệ lớn đối với người cầm bút như tôi. Tác phẩm của tôi viết về một người đảng viên trong suốt quá trình công tác luôn kiên trì đấu tranh chống tiêu cực. Ngay cả khi về hưu, ông vẫn tiếp tục hành trình đó. Đây là một đề tài khó và gai góc, đòi hỏi phải tìm tòi tư liệu kỹ lưỡng. Nếu không có cuộc vận động sáng tác này, tác phẩm của tôi có lẽ khó được hoàn thiện”.
Nhiều tràng pháo tay vang lên khi tên PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được xướng trong danh sách các tác phẩm âm nhạc được nghiệm thu, bởi tên tuổi ông từ lâu đã trở thành “bảo chứng” cho chất lượng âm nhạc. Tác phẩm nhạc kịch Vầng trăng Him Lam của ông gồm 2 màn, 6 cảnh, tái hiện hình ảnh một binh chủng “đặc biệt” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - đội quân văn hóa văn nghệ. Những nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ đã sát cánh cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, tạo nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với thể loại opera kinh điển, Vầng trăng Him Lam mang đậm tính sử thi và giá trị lịch sử. Tác phẩm viết cho đơn ca nam, nữ, tốp ca, hợp xướng, cùng sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng và Dàn hợp xướng, quy tụ hơn 100 diễn viên và nhạc công. Vở nhạc kịch kéo dài 120 phút, hứa hẹn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động chia sẻ khi nhận giải: “Đối với người sáng tác văn học nghệ thuật, việc tạo nên những tác phẩm có thể sống mãi với thời gian không chỉ là vinh dự mà còn là một thách thức rất lớn. Cuộc vận động này là hoạt động mang ý nghĩa lớn lao, góp phần thúc đẩy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Tham gia cuộc thi, mỗi người đều phải dành trọn tâm huyết và đầu tư sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm xứng đáng”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người đã đồng hành từ những ngày đầu phát động cuộc vận động, đánh giá cao sự đầu tư của Bộ VHTTDL đối với các tác phẩm: “Đây là đợt đầu tư lớn của nhà nước đối với văn nghệ sĩ, nhằm tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Ví dụ, trong âm nhạc, các tác phẩm được lựa chọn đều là những tác phẩm lớn như giao hưởng, nhạc kịch, hợp xướng. Hơn nữa, giới nghề đã có cơ hội đi đến nhiều địa phương trên đất nước, từ đó tìm kiếm cảm hứng và thực tiễn sáng tác. Việc đầu tư cho các tác giả có tác phẩm chất lượng mới chỉ là giai đoạn đầu. Sẽ có những tác phẩm cần đầu tư lớn hơn về dàn dựng, lên tới hàng tỉ đồng, mới có thể công bố với công chúng. Chúng tôi hy vọng từ những việc làm thiết thực và ý nghĩa này, sẽ có nhiều tác phẩm đọng lại trong trái tim người Việt”.
Điều đáng mừng là các tác phẩm được nghiệm thu tại Lễ công bố có sự đa dạng về thể loại, với những đề tài phản ánh sâu sắc về cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Qua các thể loại và đề tài được khai thác, có thể thấy rõ quy mô và tầm vóc của các tác phẩm được sáng tác từ cuộc vận động, với những giá trị tư tưởng sâu sắc và tính chất sử thi hoành tráng, đậm đà bản sắc dân tộc.