Đón sắc xuân bằng nghệ thuật
VHO - Trong tinh thần tiễn năm Rồng, đón năm Tỵ, triển lãm Tết Tỵ của nhóm họa sĩ G39 mang đến một phòng tranh rực rỡ sắc màu, như một lời chào, lời chúc an lành cho một xuân mới, một năm mới bằng nghệ thuật.
Triển lãm Tết Tỵ của nhóm họa sĩ G39 vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày 80 tác phẩm đa dạng về loại hình và chất liệu gồm: Tranh bột màu, xé giấy, khắc gỗ, acrylic, sơn dầu, sơn mài, các tượng gốm, tượng sắt… Giám tuyển triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Mỗi năm, nhóm họa sĩ G39 lại cùng bày triển lãm thường niên tiễn năm cũ đi, mừng linh vật năm mới đến. Đây là triển lãm lần thứ 10, và lần thứ 4 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cách đây khoảng 6 tháng, tôi viết thư mời các họa sĩ, và mọi người tham gia nhiệt tình, lần này là đông nhất với 16 họa sĩ, mang đến 80 tác phẩm”.
Nói về chủ đề triển lãm Tết Tỵ và linh vật biểu tượng của năm Ất Tỵ 2025, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: Tỵ với biểu tượng con rắn, là một trong 12 con vật biểu tượng của năm. Dù là năm hay tháng, ngày, giờ thì bốn cữ này cũng nằm trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi. Ở Việt Nam, tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thủy thần. Chính vì sợ rắn nên con người đã thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng để mong rắn bảo vệ cho mình. Có thể tìm thấy điều này trong các câu chuyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật...
Trong nghệ thuật, rồng, rắn, dê, gà… đều có thể là đề tài, nguyên liệu cho nghệ sĩ “chế biến”, sáng tạo ra tác phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, trong mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật hiện đại của người Việt, hình tượng rắn ít xuất hiện. Trong tranh Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế), hình ảnh rắn hầu như vắng bóng, hội họa hiện đại cũng ít người vẽ rắn. Ở triển lãm lần này, họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ tranh trên gốm với hình ảnh 2 con rắn ôm lấy câu cuối cùng của Kinh Bát Nhã, họa sĩ Nguyễn Hồng Quang cũng thể hiện rắn khỏe khoắn với chất liệu gốm Hương Canh... Một cách đa dạng và sáng tạo, các họa sĩ không chỉ tôn lên vẻ đẹp của loài vật này mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Trưng bày hai bức tranh vẽ rắn, họa sĩ Hoàng Phương Liên bày tỏ: “Trong triển lãm, có họa sĩ thể hiện rắn bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, gốm… toát lên thần thái của linh vật. Tìm hiểu thì thấy con rắn ít thấy trong hội họa, nhưng tôi muốn chuyển tải qua tranh xé giấy của mình bức tranh gia đình rắn, trong tranh cũng mang tên Tết Tỵ, với bố mẹ và 3 đứa con, thể hiện sự đầm ấm, vui tươi trong năm mới”.
Đón Tết Tỵ, các họa sĩ đã họa nên bức tranh thiên nhiên trải rộng, rộn ràng thắm sắc cảnh vật, con người. Từ làng quê thanh bình của họa sĩ Nguyễn Thanh Quang, từ những bức tĩnh vật, hoa tươi rực rỡ của họa sĩ Bình Nhi; người xem lạc vào cảnh sắc hoa mai, hoa mận vùng cao của họa sĩ Vương Linh, hân hoan trẩy hội cùng họa sĩ Việt Anh và Hoàng Phương Liên; nô nức với các trò chơi dân gian (kéo co, rồng rắn lên mây) trong không khí lễ hội truyền thống làng Cự Đà qua tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng... Khách tham quan còn được đắm mình trong một không gian nghệ thuật đa dạng với nhiều chủ đề khác nhau, mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp và kể một câu chuyện riêng.
Tham gia triển lãm với bảy tác phẩm như Ngọc Bích, Nghìn lẻ một đêm, Những bức tranh trong phòng triển lãm… nữ nghệ sĩ sáo, họa sĩ Lê Thư Hương chia sẻ: “Dịp Tết đến xuân về, tất cả họa sĩ đều có những mong ước và tình cảm ấm áp thể hiện trên tranh, muốn gửi gắm đến những người yêu nghệ thuật sắc màu rực rỡ của mùa xuân đầy sức sống, với bức tranh thiên nhiên, hình ảnh Tết, sự quây quần ấm áp… Đối với tôi, khi vẽ là một sự giải phóng năng lượng và tôi rất muốn mang những năng lượng tích cực bằng màu sắc rực rỡ đến mọi người. Tết đến xuân về cũng là lúc tôi có tinh thần phấn chấn, phấn khởi và thể hiện tất cả những điều đó trên toan, đem những cảm xúc, tâm tư, tình cảm và vẻ đẹp cảm nhận được qua con mắt của người họa sĩ đến với người xem. Hi vọng mọi người đều cảm nhận được những tình cảm và nét đẹp trong thiên nhiên, con người, của tình cảm, của linh vật tương ứng với năm Ất Tỵ”.
Không bị bó buộc theo một chủ đề nhất định, các tác phẩm của họa sĩ Lê Thư Hương thể hiện đa dạng đề tài, là đặc trưng bình hoa Tết cổ truyền của Việt Nam, là sự bay bổng, phóng khoáng, trừu tượng, nơi để chị truyền tải tình yêu hội họa, tình yêu nghệ thuật bằng cách “chơi với màu” và thể hiện chúng trên tranh… Vừa chơi nhạc, vừa vẽ tranh, nghệ sĩ Lê Thư Hương cho rằng: “Nghệ thuật có sự tương hỗ, cho dù đó là âm nhạc hay hội họa, điêu khắc… đều chung một gốc mà ra, là đều về cái đẹp, thẩm mỹ. Khi vẽ tranh, âm nhạc đã giúp tôi rất nhiều trong việc thăng hoa và cảm xúc cũng như truyền tải ý tưởng, thay vì bằng âm thanh thì mình thay thế nó bằng màu sắc. Và ngược lại, khi chơi nhạc, tôi cũng nghĩ về những mảng màu trong tranh để làm nên những sắc thái khác nhau trong âm nhạc”.
Triển lãm đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Nhiều người bày tỏ sự thích thú trước sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ và đa dạng của các tác phẩm, là một dịp thưởng thức nghệ thuật và hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.