Định vị đúng vai trò của Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (Bài 2): Trăn trở nâng cao chất lượng ngay từ đầu vào
VHO- Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới đã xác định xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT là vô cùng cần thiết. Nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình sẽ góp phần thúc đẩy sáng tác, sáng tạo và tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm VHNT của công chúng.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A tại Giải thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học , nghệ thuật 2021. (Nguồn: Báo Nhân Dân)
Có chủ trương rõ ràng, giới chuyên môn đều nhìn nhận việc xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền VHNT nước nhà... Thế nhưng vì sao đội ngũ các nhà lý luận, phê bình VHNT ngày càng “teo tóp”? Nên chăng, đã đến lúc phải nhìn nhận sự thiếu và yếu này bắt đầu từ vấn đề đào tạo, khi nhiều năm nay, ngành Lý luận phê bình không có người dự tuyển.
“Đốt đuốc” đi tìm thí sinh
Chia sẻ với Văn Hóa, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho biết: 5 năm trở lại đây, các chuyên ngành Lý luận, phê bình như Múa, Sân khấu, Nhiếp ảnh... không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển. Hiện chỉ có… 1 sinh viên đang được đào tạo chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình (khóa 39 tuyển được 5 sinh viên, nhưng rơi rớt còn duy nhất 1 người). “Có 1 sinh viên học thì nhà trường vẫn phải giảng dạy, tuân thủ đủ số tiết học, ngoài việc ghép sinh viên học chung kiến thức cơ bản với các lớp khác thì những kiến thức chuyên ngành về Lý luận phê bình vẫn phải dạy riêng. Một thầy một trò cũng phải dạy”, PGS.TS Nguyễn Đình Thi chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng giới trẻ thờ ơ không đăng ký tuyển sinh vào các chuyên ngành này, PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho rằng, Lý luận phê bình VHNT rất khó và mang tính đặc thù. Để có thể cầm bút phê bình, người viết phải thực sự có bản lĩnh, có trình độ kiến thức sâu rộng về văn hóa, xã hội, và còn phải là “chuyên gia” trong lĩnh vực mà mình hoạt động... Viết phê bình lý luận để dẫn dắt, định hướng dư luận và với chính người trong nghề thực sự không dễ dàng, nhất là những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường. Thêm nữa, thù lao, đãi ngộ lại quá thấp, trong khi một công trình nghiên cứu khiến người viết phải đầu tư chất xám rất nhiều, không đơn thuần như một bài báo phản ánh. Đó là chưa nói công trình đó không phải đối tượng nào trong xã hội cũng quan tâm đến.
Tình trạng giới trẻ thờ ơ với việc lựa chọn trở thành nhà lý luận phê bình không chỉ xảy ra ở ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mà ở trên diện rộng và tất cả các cơ sở đào tạo có chuyên ngành này. ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM từng có khoa Lý luận, phê bình sân khấu, điện ảnh, tuy nhiên đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Một số trường có mở ngành Nghiên cứu, lý luận, lịch sử, phê bình điện ảnh và truyền hình, nhưng chưa cho thấy hiệu quả là đào tạo được những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp, nói gì đến xuất sắc!
Thời gian qua, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã có sáng kiến kết hợp các đợt tập huấn và mở các lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ. Đó là một ý tưởng, một tham vọng thiết thực và rất tốt, nhưng hiệu quả thực tế thì đang còn phải theo dõi, chờ đợi. Nếu chỉ bằng bồi dưỡng, nâng cao thì khó có thể tạo ra nhà phê bình như chúng ta kỳ vọng. Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ lý luận phê bình VHNT là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Vấn đề là tư chất, khiếu cảm thụ kiến thức và năng lực, cá tính... của người cầm bút, thiếu những phẩm chất này thì có lẽ học cả đời cũng khó thành nhà phê bình. Vì vậy, sự bồi dưỡng để kích thích sở trường, để trao đổi kinh nghiệm thẩm mỹ và phát hiện các nhân tố mới, theo tôi đó là giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ phê bình hiện nay. (PGS.TS PHAN TRỌNG THƯỞNG) |
Đầu tư cho đào tạo chưa thỏa đáng
Tại Tọa đàm khoa học với chủ đề Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cảnh báo: “Công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian dài. Các khoa, các tổ bộ môn Lý luận, phê bình VHNT ở một số trường đại học, cao đẳng thiếu giảng viên cơ hữu, giáo trình giảng dạy lạc hậu, thiếu thống nhất và nghiêm trọng nhất là không có sinh viên thi tuyển”…
Tác phẩm "Đất liền và biển cả" của Đoàn Cải lương Hải Phòng được trao giải xuất sắc của Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022
Nhìn vào mặt bằng công tác lý luận phê bình VHNT hiện nay sẽ nhận thấy sự phân bố lực lượng không đồng đều giữa các loại hình, các cấp, các vùng miền. Trong khi lĩnh vực văn học tập trung được một lực lượng bảo đảm về số lượng và chất lượng thì các lĩnh vực nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số) thiếu hụt nghiêm trọng cả về chất và lượng. Khác với lĩnh vực văn học, đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình nghệ thuật vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng đội ngũ kế cận; tính chuyên nghiệp của những người làm lý luận, phê bình không cao, không đồng đều. Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Nghệ thuật, Đại học Sài Gòn) đã phải đi đến kết luận: “Chưa có đội ngũ chuyên nghiệp phê bình âm nhạc mặc dù Hội chuyên ngành âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam có Ban lý luận - phê bình”. Bà khẳng định, các học viện, nhạc viện không đào tạo, không có môn học nào liên quan đến việc cung cấp kiến thức, dạy kỹ năng viết, nói, biên tập âm nhạc hay phê bình âm nhạc.
Cùng một góc nhìn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban Lý luận, phê bình Nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh bày tỏ: “Những người viết lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện nay hầu hết không ai được đào tạo chuyên nghiệp. Trong giới nhiếp ảnh, không một người nào chọn lý luận phê bình nhiếp ảnh làm nghề để biến nó thành niềm đam mê, thành sự nghiệp. Tất cả đều coi nó là một nghề tay trái”.
Phác thảo bức tranh toàn cảnh của đội ngũ phê bình VHNT từ góc nhìn đào tạo đã thấy rõ những khoảng trống khó lấp... Nhiều năm qua, bài toán nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình VHNT đã luôn được đề cập, nhưng các giải pháp khắc phục vẫn chưa thực sự hiệu quả. Những khó khăn nhiều chiều khiến lý luận phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu - đó là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ. Thực trạng đội ngũ phê bình hiện nay quá èo uột, không tương xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Căn bệnh này đã trở nên “trầm kha” trong đời sống VHNT nước ta hiện nay.
5 năm trở lại đây, các chuyên ngành Lý luận, phê bình như Múa, Sân khấu, Nhiếp ảnh... không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển. Hiện chỉ có… 1 sinh viên đang được đào tạo chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình (khóa 39 tuyển được 5 sinh viên, nhưng rơi rớt còn duy nhất 1 người). Có 1 sinh viên học thì nhà trường vẫn phải giảng dạy, tuân thủ đủ số tiết học, ngoài việc ghép sinh viên học chung kiến thức cơ bản với các lớp khác thì những kiến thức chuyên ngành về Lý luận phê bình vẫn phải dạy riêng. Một thầy một trò cũng phải dạy. (PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THI, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) |
THÚY HIỀN
(Còn nữa)