“Đêm nhạc Lãng mạn” tưởng niệm nhà soạn nhạc Anton Bruckner
VHO - Tưởng niệm 200 năm năm sinh của nhà soạn nhạc Anton Bruckner, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tổ chức “Đêm nhạc Lãng mạn” vào 20h ngày 26.5, tại Nhà hát Thành phố.
Nổi tiếng với các bản giao hưởng đồ sộ, nhạc sĩ vĩ đại người Đức - Anton Bruckner, tài năng thiên bẩm đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng cho nền âm nhạc Lãng mạn. Đêm nhạc không chỉ giới thiệu những tác phẩm của Bruckner, mà còn có những sáng tác mới mẻ của các bậc thầy âm nhạc thời kỳ Lãng mạn: Johann Nepomuk Hummel, Felix Mendelsohn, Camille Saint-Saens.
Buổi hòa nhạc sẽ được dàn dựng và chỉ huy bởi Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, với sự tham gia của các nghệ sĩ solo của đoàn giao hưởng HBSO gồm: Phạm Vũ Thiên Bảo (viola), Nguyễn Trương Hoàng Yến (flute), Hoàng Ngọc Anh Quân (clarinet).
Bản Fantasy cho Viola & Orchestra, op. 94 của nhà soàn nhạc Johann Nepomuk Hummel sẽ mở màn cho đêm nhạc. Là một thần đồng âm nhạc, ông đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho Mozart và được Mozart nhận làm học trò khi ông 8 tuổi. Ông trở thành cầu nối giữa thời kỳ âm nhạc Cổ điển sang thời kỳ âm nhạc Lãng mạn.
Bản Fantasy là một phần cốt lõi của mỗi nghệ sĩ viola, tác phẩm sẽ được diễn tấu bởi ngón đàn điêu luyện Phạm Vũ Thiên Bảo. Phong cách biểu diễn đầy sáng tạo đã giúp nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo đạt được nhiều thành tựu tại Pháp và các nước Châu Âu.
Tiếp nối là bản Concerto số 1 cung Rê thứ cho Clarinet và Viola của nhà soạn nhạc tài ba Felix Mendelsohn. Tuy kế thừa truyền thống cổ điển nhưng Mendelssohn lại có một tâm hồn lãng mạn. Âm nhạc của ông nhiều xúc cảm, luôn phóng khoáng và đầy trữ tình. Màn song tấu sẽ được thể hiện qua kỹ thuật tinh tế của nghệ sĩ clariet Hoàng Ngọc Anh Quân và nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo.
Kết thúc phần 1 của đêm nhạc sẽ là bản Tarantelle cho Flute, Clarinet và Viola được sáng tác khi Camille Saint-Saens mới 22 tuổi. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt đến mức Rossini đã yêu cầu Saint-Saëns chơi tác phẩm đó với hai nghệ sĩ độc tấu tại một trong những buổi tối âm nhạc thường kỳ tại ngôi nhà nguy nga của ông ở Paris.
Bản Giao hưởng số 4, hay còn gọi là bản Giao hưởng Lãng mạn là điểm sáng cho đêm nhạc. Bruckner đã hoàn thành sáng tác vào năm 1984.
Chương 1 mở ra bức tranh lãng mạn với dàn dây tremolo và kèn horn đôc tấu. Chương 2 chậm rãi được Bruckner miêu tả như một lời cầu nguyện, bắt đầu từ bè cello trầm ổn qua đến dàn dây đầy nội tâm; âm nhạc được đẩy lên cao trào và dần biến mất.
Tiếng kèn đồng vang vọng mở đầu chương 3 với sắc thái tươi sáng trong bản scherzo “đi săn” nổi tiếng đầy sáng tạo, báo hiệu cho những người thợ săn một cuộc rượt đuổi sắp được diễn ra. Đoạn kết ở chương 4 sẽ khép lại chương nhạc hoành tráng, kết hợp giữa giai điệu trữ tình mang phong cách Schubert với hoà âm mãnh liệt của Wagner.