Nhạc sĩ Lê Minh Sơn:

Đêm nghệ thuật “rực lửa” trên cao nguyên Lâm Đồng

PHƯƠNG ANH (thực hiện), ảnh: NVCC

VHO - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật chương trình “Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng” chia sẻ, đây sẽ là một không gian nghệ thuật cực chất, ngập tràn cảm xúc giữa TP. Đà Lạt- Lâm Đồng. Mang đến cảm xúc chân thật nhất cho người nghe, 100 % tiết mục sẽ được các nghệ sĩ hát live.

Đêm nghệ thuật “rực lửa” trên cao nguyên Lâm Đồng - ảnh 1
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật chương trình “Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng”

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng (03.4.1975 - 03.4.2025), hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) diễn ra tối 3.4 tại Quảng trường Lâm Viên (TP. Đà Lạt), với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật “Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng”.

. PV:  Với vai trò Tổng đạo diễn- Giám đốc nghệ thuật, anh có thể chia sẻ những điều đặc biệt trong đêm nghệ thuật hứa hẹn bùng cháy tại Đà Lạt không, nhạc sĩ Lê Minh Sơn?

. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Chắc chắn đêm nhạc sẽ là một chương trình rực lửa tại Đà Lạt. Trong 70 phút, bố cục chương trình được kết cấu chặt chẽ, tạo nên dòng chảy âm nhạc xuyên suốt.

Với sự hòa quyện mượt mà, nhuần nhuyễn của âm nhạc và thiết kế sân khấu độc đáo, giàu tình sáng tạo, cùng sự hỗ trợ của công nghệ, đêm nghệ thuật hứa hẹn sẽ tạo nên một không gian bùng nổ cảm xúc, là cuộc gặp gỡ ấn tượng của âm thanh, ánh sáng, những giai điệu và sắc màu văn hóa các dân tộc trên vùng đất cao nguyên nắng gió này.

Tham gia chương trình có nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi như các NSƯT Đăng Dương, Việt Hoàn, Trần Tựa,  diva Mỹ Linh, các ca sĩ Khánh Linh, Isaac, nhạc sĩ Yphon Ksor, nghệ sĩ Violin Trịnh Minh Hiền, nhóm nhạc “Dòng thời gian” cùng 3 cô gái Xuân Nhi, Quỳnh Thi, Phượng Anh; các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Trung tâm VHNT Lâm Đồng cùng 70 diễn viên múa đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.

Phải chia sẻ rằng đây là chương trình mà toàn bộ êkip đã đầu tư rất nhiều công sức và tâm huyết, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài giỏi về âm thanh, ánh sáng, visual nghệ thuật… Khác biệt lớn nhất ở chương trình này là 100% tiết mục được chơi thật, hát thật cùng ban nhạc, không có hát nhép. Yếu tố này chắc chắn sẽ tạo nên một đêm nhạc cực chất.

Một điều đặc biệt khác là chương trình không có lời bình, toàn bộ câu chuyện về văn hóa, lịch sử, những chặng đường phát triển của Lâm Đồng từ dấu mốc nửa thế kỷ trước đến hôm nay được kết nối, dẫn dắt bằng cảm xúc âm nhạc, với những cao trào, những lắng đọng và cả những khoảnh khắc bùng nổ, thăng hoa.

Xen kẽ các tiết mục là những thước phim phóng sự, clip ngắn, góp phần mang lại những thông điệp, cảm xúc mà chương trình nghệ thuật mong muốn đưa đến cho khán giả.

. Không gian rộng lớn của quảng trường Lâm Viên liệu có làm khó êkip và các ca sĩ khi hát live không, thưa nhạc sĩ?

Quảng trường Lâm Viên là không gian rất lý tưởng để nghệ thuật và cảm xúc được thăng hoa. Ở đó, khi các ca sĩ, nhạc sĩ diễn thật, hát thật chắc chắn sẽ tạo nên một đêm nhạc rực lửa, nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên, cây đàn accordion, kèn trumpet sẽ xuất hiện trên sân khấu lớn, trong một ban nhạc hoành tráng.

Đêm nghệ thuật “rực lửa” trên cao nguyên Lâm Đồng - ảnh 2
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định, hát live sẽ là yếu tố tạo nên mạch cảm xúc riêng cho chương trình nghệ thuật

Hát live chắc chắn là vất vả rồi, rất nhiều khó khăn xyz có thể xảy ra, nhất là với thời tiết đặc thù trên vùng đất cao nguyên này. Gió hú, bão tố, mưa giông…  nhưng tôi cho rằng cảm xúc thật mới là điều tuyệt nhất. Cảm giác một ca sĩ hát dưới trời mưa cũng rất thú vị. Câu chuyện khán giả cần hiện nay chính là cảm xúc, vì điều đó, đây sẽ là đêm nhạc mang đến những cảm xúc thật nhất cho người nghe.

Tôi  đã thực hiện trên dưới 100 chương trình,  nhiều chương trình tầm vóc với khoảng 300-500 diễn viên, nghệ sĩ, nhưng không có chương trình nào nghệ sĩ phải hát nhép cả. Mỗi người có một quan điểm và Lê Minh Sơn thì luôn là người khó tính, kỹ tính và dị ứng với những gì có thể phá vỡ mạch cảm xúc. Khi hát nhép, nếu ca sĩ vấp ngã, micro rơi ra mà tiếng hát vẫn vang lên, điều đó sẽ khiến những xúc cảm bị xóa sạch.

Với tinh thần đó, các nghệ sĩ tập luyện chương trình cũng rất vất vả. Tôi muốn các ca sĩ, nghệ sĩ khi tập luyện phải thấy được những giọt mồ hôi, nước mắt và cả sự căng thẳng.

Nếu phát triển công nghiệp văn hóa mà chỉ hát giả, chơi giả thì nghệ sĩ không còn cơ hội làm nghề nữa, họ cẩu thả với nghề rất nhiều. Các nghệ sĩ tên tuổi cũng luôn khao khát được đứng trên những sân khấu bùng cháy cảm thật sự. Và tôi chắc chắn rằng chương trình tại Đà Lạt sẽ làm bùng lên những cảm xúc tuyệt vời nhất như thế.

. Bên cạnh những yếu tố khác biệt đó, chương trình sẽ thết đãi khán giả  những trải nghiệm với âm nhạc như thế nào?

Chương trình gồm hai phần:  Nhạc Cách mạng và Nhạc Đại chúng. Dòng chảy âm nhạc xuyên suốt được bố cục chặt chẽ, gồm 3 chương: Giải phóng miền Nam; Nam Tây Nguyên vui giải phóng và Lâm Đồng ngày mới.

Phần âm nhạc cách mạng, công chúng sẽ được sống lại những khoảnh khắc lịch sử qua những giai điệu, ca khúc đi cùng năm tháng như “Năm anh em trên chiếc xe tăng”;  “Giai điệu Tổ quốc”; “Đất nước”; “Bão nổi lên rồi”, “Dáng đứng Việt Nam”; “Bài ca hy vọng”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân giải phóng”; “Nam Tây Nguyên vui giải phóng”.

Cùng đó là những ca khúc khắc họa diện mạo Lâm Đồng ngày mới: “Đà Lạt thành phố anh hùng”; “Chim Phí bay về cội nguồn”; “Chào Langbiang mùa xuân”; “Tình ca”… Phần âm nhạc cách mạng sẽ mang đến một bầu không khí rực lửa, đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về với những khoảnh khắc lịch sử 50 năm trước.

Phần âm nhạc đại chúng sẽ nối dài cảm xúc hoan ca với những ca khúc mang âm hưởng tươi mới, những tác phẩm thịnh hành trên thị trường âm nhạc Việt Nam, được thể hiện qua giọng ca của diva Mỹ Linh:  “Hương Ngọc Lan”; “Tháng 4 về”; “Tóc ngắn”… Những bản nhạc này sẽ đưa khán giả trải qua những cung bậc cảm xúc rất thú vị.

. Lâm Đồng là vùng đất đậm sắc màu văn hóa các dân tộc, vậy anh sẽ khai thác và đưa vào chương trình những yếu tố văn hóa dân gian, bản địa như thế nào?

Tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Lâm Đồng, đặc biệt với thành phố Đà Lạt. Trong chương trình, tôi rất thích tác phẩm múa “Nhịp chày thiêng”, sáng tác của nhạc sĩ Quốc Vinh, với sự tham gia của 70 diễn viên múa từ  Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội.

Đêm nghệ thuật “rực lửa” trên cao nguyên Lâm Đồng - ảnh 3
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn thừa nhận bản thân rất khó tính, kỹ tính khi làm chương trình

Đây là tác phẩm mang tính sử thi, thông qua âm nhạc và vũ điệu để kể câu chuyện cội nguồn, tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Để có được tiết mục dung lượng 10 phút này có thể nói là một quá trình tập luyện rất công phu, ghép nối từ đầu cầu, sau đó tập hợp và tổng duyệt tại Quảng trường Lâm Viên.

Chương trình cũng có tác phẩm “Chào Langbiang mùa xuân” được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lang Biang, được dàn dựng, mashup rất lôi cuốn. Câu chuyện về Nam Tây Nguyên 50 năm sau ngày giải phóng được kết nối trong một dòng chảy âm nhạc mãnh liệt, sâu sắc, với nhiều tác phẩm nghệ thuật tôn vinh bản sắc văn hóa như “Chim Phí bay về cội nguồn”, “Đà Lạt thành phố anh hùng”…

. Đà Lạt hôm nay còn là thành phố nổi tiếng của tình yêu, của những bản tình ca lãng mạn, những câu chuyện tình gắn liền với truyền thuyết dân gian. Những cảm xúc đó sẽ được tìm thấy trong đêm nhạc này chứ?

Tôi rất thích không khí tình yêu ở thành phố này. Nhưng tôi cũng luôn có một suy nghĩ rằng tại sao hai người yêu nhau lại không đến được với nhau, lại hóa thành dòng sông, con suối, ngọn núi… Tôi mong muốn chuyện tình trên cao nguyên Đà Lạt sẽ theo một cách khác. Đây là mảnh đất mà mọi người cứ đến để yêu nhau, khơi lên những cảm xúc mãnh liệt.

Đà Lạt là một thành phố lãng mạn, nên thơ và đẹp đến thổn thức, tới mức mỗi khi vào đây tôi luôn cảm thấy mình thiếu cái gì đó, hóa ra là… thiếu người yêu. Câu chuyện tình yêu trên cao nguyên mà tôi luôn mong muốn thể hiện trong âm nhạc là như thế.

 Tất nhiên, đêm nhạc kỷ niệm 50 năm giải phóng sẽ hội tụ đầy đủ các lát cắt, cung bậc xúc cảm về tình yêu, về những truyền thuyết dân gian, nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân…

Có thể nói đây là bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc, các nghệ sĩ Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên sẽ cùng biểu diễn với các nghệ sĩ phía Bắc. Tôi vẫn mong những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Ê đê, Bana, Giarai, K’ho… của vùng đất Tây Nguyên sẽ cùng hội tụ, tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu.

. Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc