Để yêu thương cất lời
VHO- Sáng ngày 4.3, NXB Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu và trò chuyện với chủ đề Để yêu thương cất lời tại đường sách TP.HCM, cùng sự tham gia của các diễn giả và đông đảo bạn đọc. Với mong muốn san sẻ và gửi gắm lời yêu thương đến nhiều người hơn, tại đây các diễn giả đã có những chia sẻ đầy xúc động.
Các diễn giả tại buổi giao lưu
Những lời nói yêu thương chúng ta tự nói thì dễ nhưng để thể hiện trước mặt người khác lại là một việc khó khăn. Đứng trước vòng xoay của cuộc sống, con người trở nên im lặng và dần cách xa nhau hơn. Kể cả những người thân trong gia đình cũng vậy, từ ngày này qua ngày khác, ta chỉ biết làm việc để thỏa mãn cuộc sống gia đình nhưng lại quên mất rằng ngoài nhu cầu vật chất con người còn có nhu cầu về tinh thần và ở đây chỉ đơn giản những lời yêu thương để có thể động viên, chia sẻ cùng nhau. Chính vì thế, tại buổi trò chuyện, bên cạnh những chia sẻ về tác phẩm của mình, thì bốn diễn giả - tác giả nữ: Phạm Thị Ngọc Liên, Hoàng My, Cao Bảo Vy và Hồ Yên Thục cũng đã cùng bạn đọc thảo luận về những vấn đề xung quanh người phụ nữ.
Tại buổi trò chuyện, bốn tác giả giới thiệu đến độc giả bốn quyển sách với phong cách viết và bối cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là đều ẩn chưa dáng dấp của những người phụ nữ trên từng cột mốc cuộc đời. Đó là người phụ nữ trong công việc, người phụ nữ trong gia đình, người phụ nữ trong mối quan hệ với cha mẹ, người yêu và con cái. Với cuốn Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng của nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên, một bức tranh vẽ nên những sắc thái trong cuộc sống tình yêu - hôn nhân gia đình được hiện ra. Hay tác phẩm Nhà lúc đông lúc vắng với những câu chuyện về tình cảm gia đình qua lời kể của nhà văn Hoàng My. Nhật ký hành trình xê dịch tại Việt Nam và 6 quốc gia khác của mẹ con Cao Bảo Vy qua tác phẩm Chân nhỏ dũng cảm - Cùng con đi khắp thế gian, tuy dung dị mà tràn đầy cảm xúc của hai mẹ con khi cùng nhau rong ruổi trên những chặng đường. Và Nhật ký cô giáo của Hồ Thục Yên, xuất hiện một cách trong trẻo qua những câu chuyện trên bục giảng vừa gần gũi mà cũng mới lạ. Với một cô giáo vẫn nhạy cảm với mọi thứ xảy ra quanh mình nhưng đã cứng rắn hơn trong cách xử lý, bởi tình yêu thương cô dành cho từng lớp học trò.
Tặng sách cho các bạn đọc tại buổi giao lưu
Cũng tại đây, các nhà văn nữ đã có những chia sẻ về chủ đề lời yêu thương. Nhà văn Phạm Thị Kim Liên chia sẻ, đàn ông đừng nghĩ phụ nữ chúng tôi cần những gì quá to lớn như những bó hoa, hộp socola thì mới gọi là hạnh phúc, lãng mạn. Đôi khi hạnh phúc, lãng mạn chỉ đơn giản xuất phát từ một câu nói “Ngày hôm nay của em thế nào?” hay một hành động nhỏ là khi về nhà các anh để đôi giày của mình ngay ngắn trên kệ... Đừng nói phụ nữ chúng tôi phiền phức, rắc rối mà hãy xem lại cách hành xử của các anh. Chỉ khi chúng ta chịu chia sẻ cùng nhau thì phụ nữ sẽ dịu dàng và đàn ông cũng cảm thấy hạnh phúc. Qua những chia sẻ của nhà văn, chúng ta tự đặt câu hỏi cho chính bản thân rằng “Đã bao giờ mình chia sẻ với người bạn của mình như thế chưa hay lúc nào cũng cáu gắt để mối quan hệ càng thêm tệ?”. Trao đi những lời yêu thương là cần thiết nhưng nếu trao đi quá nhiều hoặc quá ít sẽ biến chúng thành trở thành vật cản trong mối quan hệ của con người.
Còn với nhà văn Cao Bảo Vy, là một người mẹ đơn thân nên cô đã có những chia sẻ về lời yêu thương ở một khía cạnh đặc biệt trong mối quan hệ mẹ và con: “Tôi viết để tặng con mình. Mọi người thường lưu giữ khoảnh khắc bằng hình ảnh hay video nhưng tôi thì lại muốn ghi chép thành quyển sách để tặng cho con, để sau khi mình già đi những mảnh kí ức rơi rớt được nhắc lại. Qua đó, tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho những ông bố, bà mẹ hãy dẫn con mình cùng đi vì con mình sẽ biết và nhớ theo cách riêng của nó. Nhớ về hành trình của cha mẹ và con, nhớ về những kí ức chúng ta đã từng có”. Những đứa trẻ luôn có một tâm hồn đầy nhạy cảm trước những biến động của cuộc sống xung quanh. Nếu cha mẹ cứ bỏ qua những lời yêu thương, chia sẻ thì dần dần chúng sẽ trở nên cô lập và tách biệt với cuộc sống. Lúc bấy giờ, tâm hồn của chúng đã bị tổn thương, chúng cần cho mình một “chiếc áo giáp” để bảo vệ chúng khỏi những tác động của cuộc đời.
Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng, việc nói những lời yêu thương với con cái là một việc vô cùng quan trọng. Vì không phải người đàn ông, người phụ nữ nào khi sinh ra đã biết làm cha, làm mẹ và cũng không phải đứa bé nào khi sinh ra đã biết làm con. Bởi thế, chúng ta phải biết dung hòa nó, đừng để con mình chịu tổn thương bởi sự muộn màng của những lời yêu thương. Đồng chung quan điểm ấy, nhà văn Hoàng My cho biết: “Đến bây giờ khi thắp hương cho ba mình mình vẫn hay nói con nhớ ba quá ba ơi. Vì như mình đã chia sẻ, trước đây mình cũng hay khó chịu bởi những câu nói cắc cớ của ba “đi làm nữa à.”, mình cũng không thường xuyên chia sẻ cùng ba và bây giờ ba mất rồi thì mình nhớ ba nhiều lắm”.
Có thể thấy, lời yêu thương là một phương tiện cần thiết trong cuộc sống, nó giúp cho con người kết nối lại với nhau. Trong cuộc sống, dù chúng ta có hiểu nhau đến mấy nhưng nếu im lặng thì theo thời gian cũng khiến ta tách biệt với mọi người, khiến cho những người mình yêu thương cũng dần rời đi. Hãy trao những lời yêu thương đến với mọi người, từ đó cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và luôn ngập tràn hạnh phúc.
KIM NGÂN