Cha mẹ - bạn đồng hành giúp con trẻ vượt qua đại dịch

VHO- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt, trẻ em phải nghỉ học, không được ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Trong thời gian này, trẻ rất dễ sinh tâm lý chán nản và có những hành động mất kiểm soát.

Cha mẹ - bạn đồng hành giúp con trẻ vượt qua đại dịch - Anh 1

Động viên, lắng nghe, quan tâm, yêu thương là những cách cha mẹ có thể giúp con trẻ vượt qua những căng thẳng và lo âu này.

Bài toán khó cho các phụ huynh

Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, học sinh được nghỉ học trong một thời gian dài, đây cũng là vấn đề làm “đau đầu” của nhiều bậc phụ huynh. Không được đến trường, không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở bên ngoài như trước, rất nhiều trẻ em cảm thấy chán vì suốt ngày quanh quẩn ở nhà với bố mẹ và ông bà, dẫn tới các em có những phản ứng tiêu cực như chán chường, lười học, ngủ biếng… Do phải thay đổi nếp sinh hoạt, ở trong nhà nhiều ngày, không ít trẻ có dấu hiệu bị trầm cảm (stress) như bám dính cha mẹ hoặc xa lánh người thân, khóc nhiều, buồn bã, giận giữ, căng thẳng, lo âu, khó tập trung… Chính vì vậy, lúc này ông bà, bố mẹ phải dành nhiều thời gian cho con em mình nhiều hơn để có thể hiểu hơn tâm tư của trẻ.

Một điều quan trọng các bậc cha mẹ lần lưu ý là trẻ có thể ham mê qua mức tivi và các phương tiện giải trí điện tử (như chơi games, lướt web, lên mạng xã hội…) khi phải ở nhà trong mùa dịch. NASP (Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia tại Mỹ) cho rằng trẻ em có thể biểu lộ cảm xúc lo âu, căng thẳng và bối rối khi tiếp xúc với những thông tin phức tạp, đa chiều và thậm chí là sai lệch về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội. Những luồng thông tin không đúng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự nhận thức của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải chủ động điều chỉnh thời lượng xem tivi, cũng như sử dụng thiết bị điện tử của trẻ một cách hợp lý và khi cần thiết phải giải thích cho trẻ thông tin trên mạng đó là đúng hay sai.

Làm trong lĩnh vực phân tích tài chính của một ngân hàng, chị Hạnh được công ty cho làm việc tại nhà nhiều tháng qua, chỉ khi cần thiết kí giấy tờ mới phải đến cơ quan. Có hai con trai, một bé lớp 3 và một bé chuẩn bị vào lớp 1 nên những ngày này chị vừa phải ôm laptop làm việc, vừa phải trông chừng hai con. “Trong ngày, hai đứa nhỏ cãi nhau liên tục và rốt cuộc là mình phải là người hoà giải”, chị Hạnh chia sẻ.

Tuổi mới lớn với nhiều bốc đồng, thời gian nghỉ học kéo dài, trẻ vị thành niên rất dễ sa đà vào những trò tiêu khiển nguy hại. Anh Trung tá hoả khi thấy cậu con trai mới lớn của mình đang nạp tiền để chơi tài xỉu trên mạng. Hỏi ra thì được biết cháu thấy game này được mời mọc trong nick zalo điện thoại, nên vào nạp vài chục nghìn đồng vào chơi thử. Vậy mà, cháu mới chơi có 1 ngày thôi mà số tiền trong tài khoản mẹ lập riêng đã mất gần 1 triệu đồng cho việc cháu chơi tài xỉu online trên mạng. Nếu anh Trung không kịp thời phát hiện thì không biết hậu quả sẽ còn đi tới đâu. Từ hôm đó, vợ chồng anh Trung phải chia nhau thời gian để ở bên cạnh con nhiều hơn, nói chuyện, rủ tập thể dục tại nhà, hướng dẫn học ngoại ngữ và mua nhiều sách truyện văn học để con đọc.

Để con được an toàn

Việc trường học, công viên, địa điểm tập thể dục hoặc những địa chỉ vui chơi giải trí phải đóng cửa do giãn cách xã hội sẽ khiến trẻ em buồn chán vì phải “chôn chân” trong nhà. Thực tế cho thấy việc tuân theo những thời gian biểu cố định có thể giúp trẻ em cảm thấy yên tâm, dễ chịu và tự giác hơn khi ở nhà.

Bà Lê Thị Phương Thúy, Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho rằng: “Các bậc phụ huynh nên giúp con mình chủ động sắp xếp và quản lý thời gian biểu một cách hợp lý. Thời gian biểu này nên kết hợp một cách khoa học việc học trực tuyến với những hoạt động vui chơi giải trí bổ ích khác trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ như đọc sách, nghe nhạc, chơi cờ, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà… Phụ huynh nên lưu tâm đến việc cho trẻ tự chọn những bộ phim, trò chơi hoặc những cuốn sách mà trẻ ưa thích bởi quyền được lựa chọn có thể mang lại cho trẻ cảm giác thoải mái và tự chủ. Khi có thời gian, cha mẹ cũng nên trò chuyện, đọc sách, tập thể dục và vui chơi cùng trẻ để tăng sự gắn kết, đồng thời nên tôn trọng không gian và sự riêng tư trong gia đình. Cha mẹ cũng cần lập thời gian biểu sinh hoạt cụ thể, bao gồm cả giờ vui chơi để con mình có thể trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, giờ vui chơi không tiếp xúc với đồ công nghệ và thời gian để giúp cha mẹ làm việc nhà”.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng trong thời điểm dịch bệnh, trẻ em rất cần tình yêu, sự quan tâm và gần gũi của cha mẹ để thích ứng với việc phải ở trong nhà do giãn cách xã hội. Trẻ em rất nhạy cảm khi tiếp nhận tín hiệu cảm xúc (vui, buồn, lo âu, chán nản, sợ hãi…) của người lớn nên các bậc phụ huynh cần kiểm soát sự lo lắng và cảm xúc của mình để tránh ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của trẻ. 

 HOÀI HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc