“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT

THÚY HIỀN

VHO - Vở kịch “Bóng rối” do nhà văn Vũ Hoàng Hoa viết kịch bản, NSND Tạ Tuấn Minh đạo diễn, được lựa chọn diễn nhân Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT (17.5) tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

 
“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 1
Bóng rối mang tới cách dàn dựng và diễn xuất mới lạ

Vừa ra mắt vở kịch Bóng rối của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được coi là một hiện tượng của giới sân khấu với rất nhiều nhận định của các nhà chuyên môn cho tới cả những ý kiến đóng góp từ bạn bè quốc tế. 20 vị đại sứ của nhiều nước tại Việt Nam đã được xem vở kịch và nhiều đại sứ như Mỹ, Bỉ, Thụy Điển...cũng đã có sự phản hồi đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của vở kịch này.

Vở kịch có chủ đề về tình yêu đồng tính với đầy sự mới lạ trong cách thể hiện này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Tính từ lúc ra mắt đến nay, Bóng rối đã công diễn hơn 20 đêm diễn. Có những suất hơn 200 ghế ngồi của Nhà hát Kịch Việt Nam không đủ chỗ ngồi, khán giả phải đứng hoặc ngồi dọc lối đi để theo dõi vở diễn.

“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 2
Câu chuyện trải dài qua những giấc mơ của nhân vật

Bóng rối là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (La Thiên đóng) sau cú biến động tâm lý – bố đột ngột qua đời. Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi và thân thương. Lội ngược về quá khứ, lạc  vào những giấc mơ Kiên nhận ra sự thật trái ngang về những thứ ẩn sau hạnh phúc hôn nhân của bố mẹ. Hóa ra, bấy lâu nay, bố mẹ Kiên luôn gồng mình che giấu một bí mật và họ đã không được sống như mình muốn bởi bố Kiên là người đồng tính.

Éo le hơn, bố Kiên (Nguyễn Vũ đóng) lại có tình yêu đồng giới với nhà văn Cedric (Thế Nguyên đóng), người bạn thân nhất của mẹ Kiên. Mẹ Kiên (Khuất Quỳnh Hoa đóng) đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân. Bà đã mở cho bố Kiên một lối đi nhưng bố Kiên đã không thể bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: "Mẹ ơi, con thương mẹ… Bố ơi, con thương bố".

Cái kết mở rất hợp tình hợp lý khi gợi lên trong tâm tưởng người xem những suy nghĩ khác nhau. Vở kịch cố tình để mỗi khán giả viết nên một cái kết cho riêng mình.

“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 3
Tuy là nhân vật phụ nhưng hai NSND Việt Thắng và Lan Hương xuất hiện khá ấn tượng

Thông điệp cuối cùng khi màn nhung khép lại đó là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát hoặc tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội… nên ta mãi chưa chạm tới. Những cuộc đấu tranh nội tâm như những cuộc chiến khiến ta lâm vào bi kịch của chính ta.

Không ít ý kiến cho rằng Nhà hát Kịch Việt Nam có phần mạo hiểm khi đề cập tới một đề tài khá nhạy cảm và trong xã hội hiện đại vẫn còn không ít những ý kiến nhiều chiều về xu hướng LGBT hiện nay. Thế nhưng, rất đặc biệt khi biết kinh phí dàn dựng vở kịch Bóng rối hoàn toàn bằng nguồn tiền huy động xã hội hoá.

“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 4

Chia sẻ với Văn Hoá, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: Với sứ mệnh là một nhà hát kịch quốc gia, chúng tôi muốn đề cập tới mọi mặt của đời sống xã hội nói chung. Khi khai thác đề tài LGBT, chúng tôi muốn gợi mở tới khán giả một góc nhìn của xã hội. Và vở kịch đề cao quyền được sống và hạnh phúc của con người, đừng nên vì những định kiến mà làm triệt tiêu đi nhu cầu được sống và hạnh phúc của một bộ phận người LGBT trong xã hội.

Đạo diễn, NSND Tạ Tuấn Minh đã khi dàn dựng Bóng rối với cách kể chuyện rất mới. Vở kịch không theo một cấu trúc thông thường. Không gian, thời gian của câu chuyện được đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đạo diễn đã tận dụng mọi thủ pháp sân khấu từ tận dụng từ thiết kế sân khấu, âm nhạc, múa rối và cả những xử lý tình huống về tâm lý vô cùng khéo léo để làm bật khái niệm "Bóng rối", phải chăng đó là bóng của dũng cảm, sẵn sàng bước qua cái cũ, sẵn sàng bước qua ngờ vực.

Điểm cộng đặc biệt của vở diễn là dàn diễn viên đẹp, diễn xuất những pha tâm lý phức tạp giỏi, đắt. Đặc biệt nhân vật mẹ Kiên của Khuất Quỳnh Hoa, được coi là người bị ảnh hưởng nhất bởi khi có chồng và bạn trai thân đều là người đồng tính. Những khao khát được làm đàn bà, làm vợ của người đàn bà từ khi trẻ cho đến khi có tuổi đều bị chôn vùi...

“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 5

“Điều khó khăn nhất đó là phải diễn sao để khán giả nhìn thấy được diễn biến nội tâm của nhân vật. Tôi ấn tượng khi có hai vị khán giả đã gặp tôi sau buổi diễn. Một là  nữ sinh viên, bạn ấy dã lên sân khấu khi kết thúc vở diễn và nói: “Em rất cảm ơn chị. Em hiểu là khi nghe chị nói và khuyên chồng chị ra đi với người bạn của chung hai vợ chồng, cũng là người đồng tính. Thì đây chính là sự giải thoát cho chính nhân vật ”. Người thứ hai đó là một nữ khán giả lớn tuổi, cô bắt tay tôi và ghé tai nói: “Con cô cũng là người đồng tính”. Thái độ không thể hiện vui buồn nhưng tôi nhìn thấy sự đồng cảm từ việc cô lên sân khấu và bắt tay tôi rất chặt”,  Khuất Quỳnh Hoa nói.

Trong 2 đêm diễn gần đây nhất, vở Bóng rối nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn bè quốc tế, đặc biệt là có sự hiện diện của hơn 20 đại sứ của nhiều nước tại Việt Nam như  Mỹ, Australia, Ý, Pháp, Thuỵ Điển, Bỉ, Sec...

“Bóng rối” được chọn diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT - ảnh 6
Rất nhiều khán giả nước ngoài tới xem vào các suất diễn

Đại sứ Thuỵ điển Ann Måwe cho biết: “Tôi cùng bạn bè đến Nhà hát Nhà hát kịch Việt Nam để xem Bóng rối. Một tác phẩm vô cùng thú vị của tác giả Vũ Hoàng Hoa, đạo diễn Tạ Tuấn Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Xuân Bắc. Vở kịch đề cập tới một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề của cả châu lục khi nói về mối quan hệ gia đình, tình yêu, trách nhiệm và  vai trò giới tính khuôn mẫu, mong muốn và vai trò làm cha mẹ một cách rất chân thực nhất. Tôi chắc chắn sẽ khuyên bạn bè của mình tới xem vở kịch này vì nó rất thú vị”.

Đại sứ Vương quốc Bỉ Karl Van den Bossche chia sẻ: “Chúng tôi rất thích vở kịch Bóng rối, đặc biệt là việc sử dụng phụ đề rất hiệu quả. Vở kịch được dàn dựng và diễn xuất rất chuyên nghiệp, tạo được sự tương tác, đồng cảm với người xem”.

Phản hồi tích cực từ khán giả và bạn bè quốc tế thực sự đã giúp cho nghệ sĩ và những người tổ chức biểu diễn cảm thấy vô cùng tự hào. Tiếp tục hành trình chinh phục khán giả, vở kịch Bóng rối có chủ đề về tình yêu đồng tính của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được công diễn vào tối nay (17.5) nhân Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT.