Về câu chuyện phát hành, phổ biến phim Nhà nước:
Biết rồi, nói mãi vẫn… “nghẽn”
VHO - Bên cạnh sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của thị trường phim với con số doanh thu phòng vé kỷ lục, cùng những sự kiện, hoạt động điện ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong năm 2024, cho thấy những tín hiệu tích cực của nền công nghiệp điện ảnh…, thì vẫn còn đó những nút thắt, “điểm nghẽn” khiến cho ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Đây là những “điểm nghẽn” đang rất cần được tháo gỡ.
“Cơn sốt” bộ phim Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã lắng xuống, nhưng câu chuyện về phát hành, phổ biến phim Nhà nước vẫn là nỗi day dứt của nhà quản lý và giới nghề. Đã có những kiến nghị xem xét cho thí điểm cơ chế chi trả cũng như xây dựng một khung cơ chế rõ ràng, nguồn ngân sách cụ thể về phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Đã có những kiến nghị bổ sung quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa… Thế nhưng, cánh cửa đưa những tác phẩm phim sử dụng ngân sách Nhà nước đến với công chúng vẫn đang vắng bóng.
Day dứt… phim Nhà nước
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, phổbiến, phát hành là công đoạn đưa phim đến người xem, bởi vậy nó giữ vai trò then chốt trong việc bảo đảm để tác phẩm thực hiện đầy đủ chức năng thông tin, nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ. Tuy nhiên, một bộ phim chỉ có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả những chức năng nêu trên khi nó đến được với khán giả.
Ông Tú nêu thực trạng hiện nay, việc đưa phim tài liệu, phim khoa học và cả phim hoạt hình, phim truyện sản xuất bởi ngân sách hỗ trợ, đặt hàng đến công chúng hiện đang có sự “đứt gãy” trong quy trình sản xuất, phổ biến tác phẩm do không có quy định pháp luật chỉ ra cụ thể cơ quan, tổ chức nào được đại diện cho Nhà nước trực tiếp nắm quyền chủ sở hữu phim để có thể chủ động, linh hoạt trong triển khai hoạt động phổ biến, phát hành tác phẩm. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý tài sản công quy định tất cả doanh thu từ khai thác sản phẩm có đầu tư công đều nộp ngân sách khiến các rạp chiếu tư nhân chẳng “mặn mà” phát hành phim nhà nước; trong khi hệ thống rạp chiếu “quốc doanh” trước đây đảm nhiệm tốt vai trò đưa phim đến khán giả nay đã gần như hoàn toàn tan rã. Cả nước chỉ còn Trung tâm chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội đang hoạt động. Giữa các đơn vị sản xuất phim điện ảnh và truyền hình cũng chưa tìm được cách thức hợp tác ổn thỏa để truyền hình trở thành đầu ra tiềm năng cho điện ảnh.
“Đây đang là những “điểm nghẽn” cản trở việc phổ biến phim nhà nước đến với công chúng, khán giả. Bởi vậy, tình trạng phim sử dụng ngân sách sản xuất xong chỉ ra mắt hoặc chiếu một vài buổi vào các dịp kỷ niệm, lễ lạt rồi cất kho vẫn là vấn nạn lãng phí trầm kha và đang làm giảm hiệu quả đầu tư nhà nước cho điện ảnh…”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chua chát. Trên không ít diễn đàn, bài toán khó đối với phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách đã được đặt ra. Những dấu hỏi lớn trước thực tế nhiều phim do Nhà nước đầu tư, làm xong và chỉ ra mắt khán giả một thời gian rất ngắn, thu hút lượng khán giả rất nhỏ bởi không có chi phí quảng cáo cho bộ phim khi phát hành. Nguyên nhân khiến con đường đưa phim nhà nước đến với rộng rãi công chúng bị bó hẹp, gặp khó được lý giải bởi một phần do những phim này thường kén người xem, không hướng nhiều đến các tiêu chí giải trí mà hướng đến tiêu chí tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ chính trị; khi ra đến rạp, nếu không có tiền thuê rạp, cùng các chi phí khác rất khó để các chủ rạp tổ chức chiếu và đây chính là “điểm nghẽn”.
Tuy nhiên, những hiện tượng như Đào, Phở và Piano cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, với những bộ phim chất lượng, xem được và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu công chúng thì cần tháo gỡ nút thắt như thế nào để đưa các tác phẩm này đến với rộng rãi người xem. Phát biểu tại cuộc gặp mặt giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam tha thiết bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm giải quyết triệt để những vướng mắc này để tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, đầu tư đến được với số đông công chúng, phát huy được hết những giá trị của các bộ phim.
Tìm “đầu ra”
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú đề xuất, để đảm bảo hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị của phim sản xuất bằng nguồn ngân sách, nên cho áp dụng hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) thay hình thức hợp đồng BTO hiện hành (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh). Việc này để tạo điều kiện các cơ sở, đơn vị làm phim được quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm phim ảnh làm ra và cải tiến doanh thu phát hành trước khi bàn giao phim về chủ đầu tư (Nhà nước) để sử dụng cho các mục đích lâu dài như lưu quản, giao lưu tác phẩm, nghiên cứu, học tập…
Trên tầm nhìn của Quy hoạch và Chiến lược phát triển điện ảnh đến 2030 và xa hơn đã được Chính phủ phê duyệt, cần đầu tư xây dựng và nâng cấp các trung tâm chiếu phim quốc gia tại miền Trung và miền Nam, củng cố, phát triển mạng lưới câu lạc bộvăn hóa, hoạt động chiếu bóng lưu động ởnông thôn, vùng sâu, vùng xa, hiện đang là những vùng trũng văn hóa để góp phần đưa phim, sản phẩm điện ảnh có tính định hướng tư tưởng đến với công chúng, khán giả. Cùng với đó, theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản pháp quy điều chỉnh hài hòa mối quan hệhợp tác giữa điện ảnh vàtruyền hình; theo đótruyền hình trởthành đầu ra hiệu quả cho điện ảnh, nhất là đối với các phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước.
Một bất cập khác cũng được nêu rõ. Luật Đầu tư hiện nay theo phương thức đối tác công - tư chưa cho phép lĩnh vực văn hóa được áp dụng hình thức đầu tư này, dẫn đến việc kết hợp đầu tư ngân sách với nguồn tư nhân cho sản xuất, phổ biến phim không thực hiện được, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động xã hội hóa điện ảnh mà từ đây có thể giảm dần sự bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu, “điểm nghẽn” này có thể dễ dàng được tháo gỡ bởi một Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2025. Việc kết hợp hai nguồn vốn công - tư theo quy định của pháp luật sẽ góp phần tăng cường năng lực sản xuất phim; đặc biệt cho những dự án phim ngoài dòng giải trí, thương mại nhằm giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần dân tộc, góp phần làm cho công chúng, nhất là người trẻ luôn giữ vững ngọn lửa lý tưởng, hoài bão cống hiến cho sự nghiệp chung.
“Cần kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn, nút thắt”, sớm cho áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong khâu sản xuất và phổ biến phát hành phim để kịp thời bổ sung nguồn lực cho điện ảnh; đồng thời cho phép các cơ sở sản xuất được quyền phát hành, phổ biến tác phẩm làm ra để kịp thời đưa phim đến khán giả và cải tiến nguồn thu cho cả Nhà nước và các đơn vị trực tiếp làm ra sản phẩm...”, kiến nghị của ông Đỗ Lệnh Hùng Tú.