Bay cùng nhạc Việt
VHO - Chẳng phải nghĩ quá, cũng không khắt khe, nhìn những gì nhạc Việt đang diễn ra trong năm qua thấy cũng vui vui cho nên tự nhiên muốn “bay bay” cùng âm nhạc của những bạn trẻ!

Một ca khúc
“Có lẽ duyên là từ khi anh gặp em (gặp em). Bối rối, chi bằng mượn nợ để làm quen (làm quen)/ Theo anh, đưa em qua khắp lối (khắp lối)/ Họa bức tranh kể chuyện tình đẹp đây rồi (ooh-whoa-oh)”. Đó là một trong những câu hát rất ấn tượng, năm qua được viral khắp không gian mạng trong nhiều ngày. Những câu hát tiếp theo của bài này vẫn là những lời lẽ dành cho tình yêu đôi lứa, tình yêu tuổi trẻ: “Đêm anh ngồi mà trờ-ông trông/ Thương mong người mà người còn thương không? Xa bao ngày thì người còn thương không?/ Cùng nhìn về phương xa, ối a, ối a, ối a”.
Thử chú ý vào ca từ, ngoài phần chính còn có một số ca từ nằm ở trong ngoặc đơn, nó thuộc phần từ phụ và được nhắc lại ca từ chính đã hát ngay trước đó hoặc phụ họa cho đủ đầy ý nhạc. Nhưng dần dần nó “thoát” ra khỏi ngoặc đơn để trở thành ca từ chính, đó chính là đoạn “ối a, ối a, ối a”. Nếu chỉ nghe phần âm nhạc ở đây thôi, sẽ thấy đó hoàn toàn là những lời ca hiện đại, âm nhạc cũng hiện đại và đối tượng sáng tạo là giới trẻ, khán giả cũng là giới trẻ. Và cái hay, rất hiện đại đấy, đời mới đấy cũng “cực” truyền thống. Nó giống như kiểu ca hát cổ truyền dân tộc, có lối hát xướng và hát xô. Ở đây, những ca từ nằm trong ngoặc đơn chính gần gũi với hát xô. Và cuối cùng khi nó đã bung ra rồi để hiện hữu trong ca từ chính mấy từ “ối a” được nhắc lại, nó đã hoàn toàn là dân ca Đồng bằng Bắc Bộ.
Bản thân những câu hát trên hiện hữu ở đó để dẫn lối cho người nghe vào bài dân ca Trống cơm. Sau khi dẫn lối, những ca từ quen thuộc được vang lên: Tình bằng có cái trống cơm… Đương nhiên, đây không phải bài Trống cơm thuần dân ca mà có thêm phần phát triển như đoạn mở đầu vừa nhắc đến, có thêm đoạn rap. Phần âm nhạc còn khai thác cả trống trận, trong khi đó, phần trình diễn hoành tráng với phục trang cũng như đạo cụ được chăm chút, phần vũ đạo của các nghệ sĩ cũng rất bắt mắt. Tất cả đã biến một Trống cơm đơn thuần tình yêu đôi lứa trở nên nhiều màu sắc, có tình yêu, có niềm vui và có hào khí dân tộc.
Tiết mục Trống cơm này do team Nhà Sao Sáng với sự tham gia của Sobin Hoàng Sơn, Cường Seven và NSND Tự Long, đây là một phần trong tập 4 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai công chiếu ngày 27.7 trên sóng truyền hình và sau đó nhanh chóng viral trên mạng xã hội. Nói rộng hơn, cũng show truyền hình này, sau đó không lâu, trong tập 10, tiếp tục gây ấn tượng khi khai thác chèo cổ Đào liễu và làm mới của team Nhà Trẻ với Quốc Thiên, Binz, Rhymastic, Duy Khánh, NSND Thu Huyền (khách mời)… Hay khá nhiều sản phẩm kiểu như Về nghe mẹ ru kết hợp giữa cải lương với RnB và rap của NSND Bạch Tuyết, Hoàng Dũng, Hứa Kim Tuyền và 14 Casper…
Thực tế, nhạc cho giới trẻ đã khai thác chất dân gian vào nhiều tác phẩm, nhưng chủ yếu khai thác kiểu lấy chất liệu âm nhạc, còn thì sáng tác những giai điệu mới. Nhưng ở đây, chất âm nhạc dân gian đậm đặc hơn. Khai thác gần như nguyên xi bài dân ca, sau đó phát triển thêm giai điệu, lời ca. Nghĩ vui, cứ đà như thế này, sẽ sớm có một dòng âm nhạc đại chúng mang dấu ấn riêng, đậm đà bản sắc Việt lại cũng rất hiện đại, theo xu hướng chung của giới trẻ.

Hai chương trình
Những ngày tháng cuối năm vừa qua, trên truyền hình, đặc biệt là trên không gian mạng, khán giả như quay cuồng với loạt chương trình: Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi và Bài hát của chúng ta/ Our Song Vietnam. Anh trai vượt ngàn chông gai nơi ghi dấu ấn có Trống cơm và Đào liễu, thu hút nhiều nam nghệ sĩ nổi tiếng thuộc nhiều lứa tuổi, đã có hành trình nghệ thuật dài chứng minh được năng lực của mình cùng với show truyền hình thực tế khác. Na ná giống đó là Anh trai say hi, với sự tham gia của những chàng nghệ sĩ trẻ đẹp và đề cao tính giải trí. Ngoài ra, Bài hát của chúng ta tập hợp nhiều nam, nữ ca sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Quang Linh, Thu Minh và các nghệ sĩ trẻ, những gương mặt mới cũng đậm tính giải trí, hướng thẳng đến đại bộ phận công chúng.
Chỉ nhìn vào 3 chương trình này, nhìn vào độ “phủ sóng trên cõi mạng” và độ “nóng” khi những nhà sản xuất chương trình quyết định tổ chức các concert ở Hà Nội và TP.HCM, lập tức tạo những hiệu ứng bất ngờ. Ngạc nhiên nhất, là vô tình, cả hai chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi cùng tổ chức concert 1 trùng ngày tại TP.HCM, tạo nên một làn sóng cạnh tranh không chỉ giữa hai nhà tổ chức, giữa các anh trai mà còn với các fan. Đáng nói, cả hai đều được đón nhận nồng nhiệt, mặc dù tổ chức ở không gian ngoài trời nhưng khán giả đã “lấp kín”.
Sau đó, cả hai chương trình cùng quay ra Hà Nội tổ chức concert 2, may mắn không cùng ngày, địa điểm cũng cách nhau khá xa, Anh trai vượt ngàn chông gai tổ chức tại ở Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên), trong khi Anh trai say hi được tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình. Có một điều đáng chú ý, cả hai không gian này đều rất rộng lớn, có sức chứa tính đến con số hàng vạn. Trước khi hai chương trình Anh trai xuất hiện, để lấp đầy khoảng trống dành cho khán giả đấy phải là những chương trình quy tụ các ngôi sao hàng đầu của Hàn Quốc, hoặc Việt Nam thì phải cỡ Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP… Vậy nhưng vừa mới mở bán vé trên mạng ngày đầu tiên, Anh trai vượt ngàn chông gai đã “sập” web, lỗi hệ thống, buộc nhà tổ chức phải có thêm phương thức phân phối vé phù hợp, cũng vì sự cố cho thấy độ “nóng” của chương trình mà thị trường vé chợ đen được “kích hoạt”.
Nhìn vào độ “nóng” từ các chương trình này dễ thấy, ngoài nguồn tài chính từ bán vé, điều đương nhiên sẽ diễn ra đó là các nhãn hàng sẽ đổ xô vào hoạt động quảng cáo. Như thế đồng nghĩa, nhiều khả năng nhà tổ chức sẽ thu bộn tiền từ nhiều nguồn khác nhau khi tổ chức những show truyền hình thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, giải trí âm nhạc.
Đã lâu lắm rồi, nhất là sau mấy năm đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động biểu diễn trực tiếp vì tụ tập đông người, độ sôi động của đời sống giải trí mới quay trở lại.
Và hơn thế…
Nhìn vào hai hiện tượng Anh trai cùng lúc diễn ra và “oanh tạc” đời sống nghệ thuật giải trí trong lĩnh vực âm nhạc suốt những tháng cuối năm vừa qua, sẽ thấy có những chuyển động rất đáng quan tâm. Hiện tượng cháy vé đối với chương trình nghệ thuật ngoài trời với lượng khán giả lớn không phải dễ thực hiện. Chỉ trước hai chương trình Anh trai không lâu, một chương trình quy tụ ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc mang tên Đại nhạc hội K-Time Live công bố sẽ tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình trong 2 ngày 16 - 17.11. Cổng bán vé được mở vào ngày 30.10, với mức giá dao động từ 800 nghìn đến 4,5 triệu đồng. Nhưng đến ngày 3.11, nhà tổ chức Đại nhạc hội K-Time Live đăng thông báo hủy show. Điều này tưởng chừng như dấu hiệu cho thấy sự ảm đạm của thị trường tổ chức show ca nhạc giải trí, vậy nhưng không, hai chương trình Anh trai đã làm thay đổi mọi thứ.
Thay đổi đáng ghi nhận nhất là thị trường show giải trí ca nhạc vẫn rất “nóng”, chỉ là nguồn cung cần phải đúng và trúng. Tiếp theo, đó là sự chuyển dịch mối quan tâm của các fan trong nước từ những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc sang những ngôi sao giải trí nội địa. Và đây chính là tín hiệu mừng nhất đối với đời sống âm nhạc Việt Nam năm qua. Nó cho thấy mức độ quan tâm của khán giả trẻ đối với những thần tượng nước nhà.
Đây là tiền đề gợi mở hướng đi có những thay đổi mang tính bản lề của thị trường nghệ thuật giải trí âm nhạc trong nước thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là tiền đề cho thấy ngành giải trí trong nước hoàn toàn có thể khai thác và phát triển, mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể trong thời gian tới. Trong khi đó, với những chuyển biến tích cực của âm nhạc mới, hiện đại đan xen truyền thống, sự khai thác sáng tạo và đề cao tính giải trí phù hợp xu hướng khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu khán giả trong nước cũng là một trong những chi tiết quan trọng, cho thấy những tiền đề cơ bản đã hiện hữu, tạo đà cho một ngành công nghiệp không khói, công nghiệp văn hóa hoàn toàn có thể có được, nếu có những quyết sách, hướng đi đúng ngay tại thời điểm này.