Ấn tượng triển lãm thơ diễn ca lịch sử “Theo dấu chân Đại tướng”
VHO - Với sự kết nối giữa hình ảnh và thơ, triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được khai mạc tại Bảo tàng Nghệ An là sự tái hiện những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh quân đội và tình cảm nhân dân dành cho Đại tướng.
Kỷ niệm 70 năm ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024); 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911- 2024), sáng 13.3, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tổ chức triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng”.
Toàn cảnh lễ khai mạc triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng”
Với thông điệp: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Nguyên soái kiệt xuất của dân tộc nhưng vô cùng bình dị, gần gũi, tình cảm, luôn sống mãi trong lòng nhân dân, triển lãm sử dụng 110 bài thơ và diễn ca do nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác để tái hiện lại dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tình cảm nhân dân dành cho vị tướng huyền thoại, đặc biệt sau khi Đại tướng “về trời”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Nội dung của Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” gồm 3 chủ đề: Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Vị tướng trong lòng dân và Sáng mãi ngàn năm. Trong đó, chủ đề 1 “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại: Đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ Cát…Hay những cái tên bất tử: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… được tái hiện sinh động, súc tích qua những lời thơ, lời diễn ca mộc mạc giản dị và được giới thiệu cùng với những bức ảnh lịch sử vô giá, giàu cảm xúc.
Đông đảo người dân, cựu chiến binh dự triển lãm
Chủ đề 2 “Vị tướng trong lòng dân” giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị, an nhiên giữa đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tình yêu thương, sự trân trọng và cảm phục của Đại tướng dành cho những bà mẹ Việt Nam, các nữ chiến sỹ…; sự quan tâm, cổ vũ dành cho các chiến sỹ trên mọi mặt trận và tình yêu của nhân dân, đồng đội dành cho vị Đại tướng anh hùng.
Chủ đề thứ 3 “Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày Lễ Quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhận cuốn thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung trao tặng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tặng hoa cảm ơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung
Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hơn 30 năm cầm bút, bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng mưu lược và đầy bản lĩnh trên chiến trường nhưng vô cùng bình dị, ấm áp trong đời thường. Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng với Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – Người hiền”. Đặc biệt, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung đã sáng tác hàng trăm bài thơ - diễn ca “Theo dấu chân Đại tướng” để hòa trong tiếng lòng tri ân và ngưỡng mộ của toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại.
Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được tổ chức lần đầu tiên năm 2021 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911). Đến nay, Triển lãm đã được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Bình và Nghệ An với sự đón nhận của đông đảo công chúng.
Đại diện Ban Tổ chức cho biết, Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được tổ chức với hy vọng sẽ là món quà ý nghĩa và lời tri ân, tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời, việc tổ chức Triển lãm góp phần tuyên truyền về lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cùng tôn vinh vị tướng tài ba của dân tộc và truyền thống gắn bó giữa người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với nhân dân.
Đại biểu nghe giới thiệu những bài thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Các cựu chiến binh tham quan triển lãm
Sáng cùng ngày, tại Bảo tàng Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức khánh thành giai đoạn 1 “Không gian trải nghiệm số”. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Năm 2023, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, ngành Văn hóa đã ưu tiên công tác chuyển đổi số trong hoạt động trưng bày của Bảo tàng Nghệ An. Đến nay, Bảo tàng Nghệ An đã hoàn thành một số sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ số hiện đại hàng đầu và có chất lượng cao, là sự kết hợp của khoa học kỹ thuật (công nghệ tương tác và kỹ thuật ghi hình, số hóa 3D) và nghiên cứu bảo tàng - lịch sử - văn hóa.
Trong đó có các hạng mục trang thiết bị công nghệ trình chiếu, tương tác trong bảo tàng, như: Không gian trưng bày công nghệ số “Đất và người Nghệ An” với phần mềm trình chiếu, tương tác hỏi đáp ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; phần mềm Timeline điện tử; trang thiết bị công nghệ 3D, 3D mapping; Thiết bị Kiosk tra cứu thông tin tương tác đa điểm; số hóa 3D các hiện vật....
Các đại biểu, cựu chiến binh, các em học sinh tham quan và trải nghiệm “Không gian trải nghiệm số” tại Bảo tàng Nghệ An
Với chủ đề “Đất và người Nghệ An”, không gian trải nghiệm số sẽ góp phần quảng bá giới thiệu lịch sử văn hóa đất và người tỉnh Nghệ An một cách sinh động, hiệu quả đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là bước đi cụ thể hóa của ngành Văn hóa Nghệ An về Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Dự án cũng là tiền để để tạo thêm một kênh thông tin chính thống nhằm quảng bá, giới thiệu lịch sử văn hóa đất và người tỉnh Nghệ An một cách hiệu quả đến du khách trong và ngoài nước. Điều này không chỉ góp phần quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa phong phú của Nghệ An mà còn góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển du lịch một cách bền vững.
PHẠM NGÂN