Tưởng nhớ cụ tổ của nhiếp ảnh Việt Nam

VH- Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2018), và 149 năm ngày ra đời hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam (14.3.1869 - 14.3.2018).

Hội thảo khoa học “Đặng Huy Trứ - Người khai lập ngành nhiếp ảnh Việt Nam” đã được tổ chức với sự tham dự của đông đảo đại biểu trong cả nước. Các tham luận đã tập trung làm rõ những đóng góp tích cực của cụ Đặng Huy Trứ trong thời đại lịch sử mà ông sinh sống, trong đó nổi bật là sự đóng góp để khai sinh và phát triển nghề nhiếp ảnh. Các đại biểu cũng thảo luận về nhiếp ảnh hiện đại, những kết quả đạt được cũng như thực trạng và giải pháp...

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cùng tổ chức chuyến về nguồn, dâng hương tưởng nhớ đến danh nhân Đặng Huy Trứ tại nhà thờ họ Đặng (ở làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Tại khuôn viên nhà thờ họ Đặng, 100 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam) đã được trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Đặng Huy Trứ (1825-1874), người làng Thanh Lương, là một vị quan dưới triều Nguyễn. Ngày 14.3.1869 tại phố Thanh Hà (Hà Nội), ông đã mở một tiệm ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường. Chính ông đã tự thao tác các công đoạn của chụp và rửa ảnh. Hiện vẫn còn những tấm ảnh do ông chụp đang lưu giữ tại bảo tàng ở Pháp. Ngày 15.3.1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Và danh nhân Đặng Huy Trứ được giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Sơn Thùy

Ý kiến bạn đọc