Thách thức trong đào tạo mỹ thuật thời đại số
VHO- Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng nhân lực trong lĩnh vực này cũng đang gặp rất nhiều thách thức.
Không gian triển lãm “Bản sắc và Hội nhập” đang diễn ra tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM
Đó là nhận định của giới chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế Đào tạo mỹ thuật trong thời đại 4.0 vừa được Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (Bộ VHTTDL) tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Trường vẽ Gia Định, tiền thân của Nhà trường (1913-2023).
Sự chuyển dịch xu hướng đào tạo
Cả nước hiện có khoảng 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; hơn 80 cơ sở công lập và ngoài công lập tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị không tuyển đủ chỉ tiêu hằng năm, thậm chí có trường phải cho giảng viên nghỉ vì quá ít sinh viên.
Trong khi đó, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM có lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) vào đại học và cao học ngày càng nhiều. Năm 2022 có hơn 1.000 thí sinh ĐKDT vào trường, trong đó gần 800 thí sinh ĐKDT vào ngành Thiết kế đồ họa mà chỉ tiêu chỉ lấy 100, số thí sinh còn lại sẽ lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH Văn Lang, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Hutech. Qua đây có thể khẳng định được vị thế của một cơ sở đào tạo mỹ thuật hàng đầu phía Nam.
Theo TS Đoàn Minh Ngọc (Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM), thời gian gần đây, các bạn trẻ có xu hướng theo học các ngành Thiết kế đồ họa nhiều hơn lĩnh vực mỹ thuật tạo hình như Hội họa, Điêu khắc, Sơn mài... Đây cũng là nhu cầu thực tiễn của xã hội, vì phần lớn sinh viên học ngành Thiết kế đồ họa sẽ có nhiều cơ hội việc làm lương cao ở các lĩnh vực “hot” như làm design, sáng tác truyện tranh, thiết kế các nội dung quảng cáo...
Được biết, từ năm 2019, Nhà nước đã có Đề án đào tạo sinh viên tài năng mỹ thuật tại Trường, có chính sách hỗ trợ riêng cho sinh viên các lớp tài năng mỹ thuật của Khoa Mỹ thuật tạo hình, người học được miễn 100% học phí, được nhận học bổng, nhưng số lượng sinh viên theo học chương trình này vẫn không nhiều.
NGND.GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật nói chung và Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nói riêng là tình trạng đội ngũ giảng viên cơ hữu đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, dẫn đến việc đào tạo sau đại học phải sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và kiêm nhiệm quá nhiều”. Theo chuyên gia, lúc này chúng ta dễ dàng thấy được sự chuyển dịch đào tạo mỹ thuật tại các trường trong và ngoài nước theo hướng ứng dụng công nghệ. Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng không đứng ngoài cuộc khi xu hướng của thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển từng ngày, từng giờ…
Thông qua thực trạng đào tạo mỹ thuật tạo hình tại Việt Nam và trên thế giới, các trường cần phải có cái nhìn mang tính định hướng phát triển bền vững và từng bước điều chỉnh nội dung chương trình, phương thức đào tạo cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để tạo ra các thuyết minh, phân tích tác phẩm, hiện vật, phong cách nghệ thuật tiêu biểu với nhiều ngôn ngữ khác nhau và lượng thông tin, kiến thức phong phú. Có thể nói, đây là tiền đề, động lực mạnh mẽ giúp cho các cơ sở đào tạo phải nhìn nhận vấn đề bổ sung, cập nhật cho phù hợp điều kiện thực tiễn.
Vừa giữ bản sắc vừa đáp ứng nhu cầu phát triển
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Việt Nam đang cùng các nước bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ. Sự xuất hiện công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ, đặt ra những yêu cầu đối với các trường đại học tại Việt Nam nói chung và Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nói riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi Nhà trường phải không ngừng thích ứng để đổi mới cả về hình thức và nội dung, đặc biệt là việc đào tạo Nghệ thuật thị giác, Nghệ thuật ứng dụng theo định hướng và gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục...
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM phân tích: “Trong xu thế chung của quá trình toàn cầu hóa, nhìn từ góc độ văn hóa học kết hợp giáo dục học, các trường ĐH có thể xem là những “tiểu văn hóa” của văn hóa giáo dục quốc gia cũng như của cả cộng đồng thế giới. Việc xây dựng và phát triển văn hóa đại học do vậy nhất thiết phải đề cao “tính chất mở”, với nghĩa là không ngừng đẩy mạnh “giao lưu và tiếp biến văn hóa”, không ngừng tiếp thu cái mới để ngày càng tiến bộ theo kịp với nhu cầu cuộc sống và ngang tầm thời đại”.
PGS.TS Vichaya Win Mukdamanee, Trưởng khoa Hội họa Điêu khắc và Nghệ thuật Đồ họa (Đại học Silpakorn, Thái Lan) cho rằng: “Đại học Silpakorn, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM hay bất kỳ các trường đào tạo nghệ thuật nào trên thế giới đều lấy nghệ thuật và giữ gìn di sản văn hóa là mục tiêu, sau đó kết nối với các ngành nghệ thuật khác để cùng nhau phát triển. Trong thời điểm hiện nay, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ trí tuệ nhân tạo, thế nhưng không thể phủ nhận vai trò của con người, của nghệ sĩ trong việc kết nối cộng đồng và sáng tạo nghệ thuật…”.
Theo chuyên gia, ngày nay vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo nghệ thuật không chỉ dừng lại ở những tác phẩm mỹ thuật trên giá vẽ, mà còn phát triển trên diện rộng; ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các ngành Nghệ thuật thị giác ngày càng nhiều. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực cần có những giải pháp mới sáng tạo, linh hoạt và phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng nguồn nhân lực chuyên môn có trình độ cao, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để ngày càng nâng tầm vị thế, uy tín của Trường trong khu vực và trên thế giới.
THÙY TRANG