“Chạm vào nghệ thuật” từ chất liệu dân gian
VHO- Các bạn nhỏ sẽ được tiếp cận với những phương pháp sáng tạo mới trên chất liệu truyền thống, thông qua làm giấy dó, cánh diều tuổi thơ, làm quạt giấy, vẽ tranh, làm đồ tái chế hay tham gia hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ…
Tiết mục của Dàn nhạc trường Nguyễn Đình Chiểu tại “Hội thi giọng hát dân ca và tài năng nhạc cụ Thành phố Hà Nội mở rộng, năm 2023”
Đó là những điều mà các đơn vị tổ chức mong muốn đem lại cho lứa tuổi thần tiên, để từ đó khơi dậy tình yêu nghệ thuật, kết nối truyền thống, bồi đắp tinh thần dân tộc trong giới trẻ.
Tạo không gian cho trẻ trải nghiệm nghệ thuật
Hiện nay, các bậc phụ huynh đã dần nhận thấy tầm quan trọng của nghệ thuật trong giáo dục và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các sân chơi nghệ thuật cũng như cơ hội tiếp cận nghệ thuật vẫn còn thiếu hụt trong đời sống hằng ngày. Chạm vào nghệ thuật là sự kiện thuộc chuỗi Ngày hội Thế giới tuổi thơ lần thứ XXIV, do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức từ ngày 31.5 - 4.6 tại số 2 Hoa Lư, Hà Nội, nhằm tạo không gian để có thể tìm hiểu và bồi dưỡng tình yêu đối với các giá trị truyền thống.
Dự án nghệ thuật cộng đồng Chạm vào nghệ thuật do CLB Mỹ thuật Trẻ em Trứng Ốp Class tổ chức, giúp các em được tiếp cận những phương pháp sáng tạo mới trên chất liệu xưa của cha ông, từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần gìn giữ văn hóa dân tộc, góp phần hình thành tâm thức tái tạo, phát triển những giá trị truyền thống chứ không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ. Ngoài ra, những tư duy đổi mới trong nghệ thuật cũng sẽ được đưa vào hoạt động trải nghiệm để các em hướng tới việc hội nhập với thế giới trong tương lai.
Đến với sự kiện, cha mẹ có thể lắng nghe, trò chuyện về sở thích, mong muốn, suy nghĩ của con và cùng con vui chơi thông qua việc trải nghiệm nghệ thuật tạo hình trên nền chất liệu dân gian độc đáo như: Workshop làm giấy dó, cánh diều tuổi thơ, làm quạt giấy truyền thống, giúp phụ huynh và trẻ có điều kiện tiếp cận, nuôi dưỡng, ươm mầm những giá trị sáng tạo, tư duy đổi mới thông qua thực hành nghệ thuật. Hơn nữa, sự kiện cũng tạo ra không gian cùng vui chơi, tìm hiểu để giúp cha mẹ và con cái gắn kết với nhau hơn.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa qua Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức Hội thi giọng hát dân ca và tài năng nhạc cụ Thành phố Hà Nội mở rộng, năm 2023. Đây là sân chơi bổ ích dành cho các bạn học sinh lứa tuổi từ 7-16, đang sinh hoạt, học tập tại các trường tiểu học, THCS, các cung thiếu nhi, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa quận, huyện trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội thi cũng là dịp để thiếu nhi cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện năng khiếu cũng như niềm đam mê âm nhạc, đồng thời khích lệ, động viên phong trào hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và tìm kiếm tài năng để tiếp tục bồi dưỡng và đào tạo, phát triển nền âm nhạc truyền thống.
Tham gia Hội thi, các thí sinh nhí biểu diễn một bài dân ca tự chọn hoặc các bài hát sáng tác mới được phát triển từ chất liệu dân ca như: Hát ru, Ca trù, Hát xẩm, Hát xoan, Bài chòi, Hò Huế, Cò lả, Chầu văn, Hát dô, Hát dặm, Quan họ, Trống quân, Hát ví hoặc những trích đoạn Tuồng, Chèo, Cải lương…
Các bé sáng tạo trên giấy dó tại “Chạm vào nghệ thuật”
Xu thế học qua các sân chơi thực tế
Sự kiện Ngày hội thế giới tuổi thơ lần thứ XXIV năm 2023 được tổ chức với một diện mạo và tinh thần mới, không chỉ dừng lại ở trưng bày và truyền đạt lý thuyết, mà điểm chung của sự kiện là các hoạt động có tính tương tác nhiều hơn, giúp trẻ có thêm cơ hội được trải nghiệm với các hoạt động quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng cho những công dân tốt trong tương lai.
Chị Thanh Tú, người sáng lập CLB Mỹ thuật Trẻ em Trứng Ốp Class chia sẻ: “Học qua sân chơi là xu thế mà các nhà tổ chức đang cố gắng hướng đến. Các con được tương tác với nhiều loại hình phong phú tại các sự kiện: Nghệ thuật tạo hình, xiếc, múa, nhảy, thể thao, triển lãm mỹ thuật... Qua Chạm vào nghệ thuật, chúng tôi mang tới trải nghiệm vừa lạ vừa quen, vừa mang tính dân gian, bản địa vừa mang tính xu thế thế giới và hội nhập. Với tư cách là người nghiên cứu chuyên môn nhiều năm, tôi và nhóm nghiên cứu của CLB đã đưa ra các phương pháp mới hiệu quả, nhờ đó các con nhận được nhiều giá trị hơn trong quá trình vui chơi”.
Bên cạnh những workshop trải nghiệm nghệ thuật tạo hình trên nền chất liệu dân gian thì việc mong muốn đem lại cho trẻ niềm cảm hứng say mê với văn hóa cổ truyền dân tộc cũng đang là hoạt động được nhiều cha mẹ cũng như đơn vị tổ chức quan tâm. Bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc phụ trách Cung thiếu nhi Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhạc ngoại đã xâm lấn sân diễn của thiếu nhi rất nhiều. Trẻ ít được tiếp cận với các làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc, đây là thiệt thòi rất lớn cho các em. Từ ý tưởng này, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức Hội thi giọng hát dân ca và tài năng nhạc cụ Thành phố Hà Nội mở rộng, năm 2023 để từ đó khơi gợi, bảo tồn, phát huy những làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong thời gian tới.
NSND Hoàng Anh Tú, Trưởng Ban Giám khảo khẳng định, các tiết mục biểu diễn tại Hội thi được dàn dựng, đầu tư công phu, thể hiện tài năng, niềm đam mê của học sinh với âm nhạc, nghệ thuật dân tộc. Đặc biệt, các tiết mục không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống mà còn được “làm mới” mang hơi thở thời đại, phù hợp với xu hướng phát triển của giới trẻ.
QUANG ANH