30 năm nhiếp ảnh với đại ngàn Tây Nguyên

VHO- Cuộn gói trong hàng ngàn bức ảnh chụp về đất và người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là khát vọng đưa văn hóa Tây Nguyên thâm nhập vào đời sống xã hội người Việt và “vươn” ra thế giới. Ông bảo, để thế giới hiểu văn hóa Tây Nguyên thì phải truyền thông, mà hình ảnh là phương tiện trực quan tốt nhất để “đi” vào lòng thế giới.

30 năm nhiếp ảnh với đại ngàn Tây Nguyên - Anh 1

 Tác phẩm “Qua suối” của nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng

Hơn 30 năm làm nghề “chân bước, đầu nghĩ, tay bấm”, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng có cả chục ngàn tấm ảnh “lột tả” đất và người Việt khắp ba miền Bắc – Trung - Nam, nhưng “độc lạ” thì phải kể đến những bức ảnh ông chụp về đất và người các dân tộc Tây Nguyên. Ông bảo, cái nét đẹp của người Tây Nguyên không chỉ về trang phục đặc biệt của sắc màu, mà toát lên văn hóa đại ngàn của núi rừng và cái chất phác thật thà của người dân bản xứ. “Đó cũng chính là lý do mấy mươi năm tôi cầm máy đi khắp các bản làng Tây Nguyên để thỏa niềm đam mê máu thịt của mình”, ông Hùng chia sẻ.

Tôi biết nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng trong một lần triển lãm ảnh báo chí. Hàng trăm bức ảnh triển lãm hôm ấy, mỗi bức ảnh đều có cung bậc cảm xúc, chủ đề khác nhau, nhưng đều có một “mẫu số chung” là khắc họa vẻ đẹp của đại ngàn, bản ngã văn hóa mưu sinh của người lao động và khát vọng đưa văn hóa Tây Nguyên ra thế giới. “30 năm bấm máy, tôi chỉ có một ước mơ lớn nhất là đưa văn hóa Tây Nguyên đi sâu vào đời sống xã hội hơn để người Việt có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa độc đáo của đất và người Tây Nguyên. Văn hóa Tây Nguyên chỉ bó hẹp trong bản làng, rừng núi nếu không đem nó ra thế giới. Ảnh là phương tiện truyền thông đa phương tiện trực quan nhất để “kết nối” với thế giới. Một trang sách đầy chữ cũng không miêu tả kỹ bằng một tấm ảnh. Thời đại 4.0 con người cảm thụ nhanh, thời gian ngắn, thì ảnh là phương tiện hữu hiệu nhất. Ngoài niềm đam mê, tôi luôn muốn góp một phần nhỏ bé để đưa văn hóa Tây Nguyên hòa vào dòng chảy văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại toàn cầu của thế kỷ XXI”, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng chia sẻ.

Khát vọng đưa văn hóa Tây Nguyên ra cộng đồng thế giới đã khiến bước chân ông hơn 30 năm qua chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ông đã đi đến nhiều buôn làng, rừng núi để “chép”, “chụp” lại những khoảnh khắc sinh hoạt độc đáo của cảnh vật, con người. Có những tấm ảnh độc lạ nhìn đã “nổi da gà”. Có tấm ảnh nhìn “ứa nước mắt” và “hút hồn” người xem. Có bức ảnh làm người xem “đắm mình” trong suy tư. Điển hình trong những bức ảnh đó là Mùa voi về bản Qua suối. Ông Hùng chia sẻ: “Bức ảnh Mùa voi về bản tôi chụp khi dự lễ hội của đồng bào dân tộc Mơ Nông. Riêng tấm ảnh Qua suối, tôi đã “phục” gần cả buổi sáng mới chụp được. Khoảnh khắc đôi trai gái người dân tộc Ba Na dắt tay nhau đi qua suối hoàn toàn tự nhiên, không có sự sắp đặt. Mỗi tấm ảnh gắn với một kỷ niệm, nhưng điều làm tôi vui nhất là đã góp phần chuyển tải văn hóa Tây Nguyên đến với cộng đồng người Việt”.

Hơn 30 năm “chân bước, tay bấm, đầu sáng tác”, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng đã có 22 lần triển lãm ảnh với hàng chục vạn bức ảnh được ông “ghi” lại trên khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh 5.000 bức ảnh sinh động ông chụp về cán bộ, chiến sĩ ngoài “quần đảo bão tố” Trường Sa là hơn 6.000 bức ảnh về đất và người Tây Nguyên nói chung và người Đăk Lăk, Gia Lai nói riêng. “Tôi ra ba tập sách, hai tập chuyên về chủ đề dân tộc thì dành riêng một tập cho đất và người Tây Nguyên. Tập sách này đã phát hành trong các nhà sách trên toàn quốc. Mong muốn của tôi là văn hóa Tây Nguyên phải được người Việt trên mọi miền đất nước biết đến, ít nhất hiểu được Tây Nguyên là gì? Tây Nguyên có bao nhiêu tỉnh, văn hóa Tây Nguyên đặc trưng ra sao?”, ông Hùng chia sẻ.

 TRẦN MẠNH TUẤN

Ý kiến bạn đọc