Triển lãm Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam:

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc

ĐINH AN- PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN
Chia sẻ

VHO - Diễn ra từ ngày 20- 25.4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin du lịch Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam”- không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc đã thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 1
Hoạt động trải nghiệm nhảy sạp tại gian hàng tỉnh Điện Biên

Triển lãm là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên năm 2024 và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).

Với sự tham dự của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, những hình ảnh, nội dung trưng bày giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Đồng thời, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, tăng cường sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 2
Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam”

Không gian “Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam”

Khu trưng bày đã làm nổi bật các giá trị của các di sản được UNESCO vinh danh, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ban Tổ chức đã lựa chọn 300 bức ảnh đẹp được cung cấp từ các nhiếp ảnh gia, giới thiệu về những di sản được UNESCO vinh danh như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Di tích Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng - Hà Nội, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái…

Các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam; di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường Phúc Giang, Sách “Hoàng hoa sứ trình đồ”; công viên địa chất toàn cầu: Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông… cũng hiện diện trong triển lãm này.

Khu trưng bày cũng giới thiệu các hình ảnh về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước như: Ruộng bậc thang Tây Bắc), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Hương - Núi ngự (Huế), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)… các Làng nghề truyền thống; văn hóa cộng đồng: bản làng văn hóa, lễ cưới của các dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian…

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 3
300 bức ảnh đẹp được cung cấp từ các nhiếp ảnh gia, giới thiệu về những di sản được UNESCO vinh danh

Triển lãm chuyên đề “Một số trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”

Triển lãm giới thiệu tổng quát về trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, trang phục lễ hội, nghi lễ… được trưng bày theo các vùng, miền: Trung du và đồng bằng Bắc Bộ; vùng thung lũng và núi cao phía Bắc; vùng duyên hải miền Trung; vùng Trường Sơn -Tây Nguyên; vùng Nam Bộ.

Những trang phục này sắc thái đa dạng, độc đáo về kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, không chỉ là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa của từng dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử…, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, tại Triển lãm còn dành riêng Khu trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự, người đã kế thừa những nét tinh hoa của nghệ thuật thủ công truyền thống Việt Nam kết hợp với sự sáng tạo của sức trẻ đương đại cho ra đời Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 4
Khu trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự

Tại Triển lãm, nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự mang đến những tác phẩm: Tự hào Việt Nam; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Người chiến sĩ Điện Biên.

Tại đây, cũng giới thiệu Không gian văn hóa trà Việt Nam, giao lưu văn hóa trà với các sản phẩm trà đến từ các vùng trà của Việt Nam như: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên…

Giới thiệu sản phẩm trà San Tuyết vùng Tủa Chùa - Điện Biên, được đánh giá là vùng trà San Tuyết cổ thụ có giá trị, lá trà bán ra đắt nhất, hương vị đặc trưng… Tại Không gian, các hoạt động trình diễn, pha trà mời khách… đã thu hút rất đông du khách tới tham quan, thẩm trà…

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 5
Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” thu hút sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố

Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” của các tỉnh, thành phố

Không gian thu hút sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang.

Tham gia một trong những sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia- Điện Biên 2024 và hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tỉnh, thành phố đều tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng.

Đồng thời, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương.

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 6
Triển lãm giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch các địa phương trên cả nước

Trang trí vô cùng bắt mắt và nhiều trải nghiệm thú vị, gian trưng bày của tỉnh Điện Biên luôn thu hút du khách và người dân tới tham quan, nhảy sạp. Nhiều hình ảnh và hiện vật giới thiệu di sản văn hoá, danh thắng của tỉnh; ấn phẩm, sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP; ẩm thực của tỉnh Điện Biên thu hút người xem.

Gian hàng Giới thiệu về bản sắc văn hóa, lễ hội đặc sắc, du lịch giải trí, nghỉ dưỡng; sản phẩm nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái, Lào, Mông, Khơ Mú, Cống, Xinh Mun, Hà Nhì... gắn liền với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào.

Trưng bày một số sản phẩm OCOP của địa phương như: Gạo, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, hạt macca, táo mèo, rượu mông pê, thịt khô, chẩm chéo, đông trùng hạ thảo,... Trình diễn và trải nghiệm hoạt động văn hoá của dân tộc Khơ Mú…

Khu vực miền Trung, nơi tập trung dày đặc các di sản, Thừa Thiên Huế giới thiệu các di sản: Nhã nhạc Cung đình Huế, quần thể di tích cố đô Huế, hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế… các sản phẩm du lịch gắn với tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Quảng Nam giới thiệu các danh thắng tiêu biểu: phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm… du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, tâm linh, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Các tỉnh miền biển Phú Yên, Khánh Hòa giới thiệu về du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, các lễ hội gắn với cuộc sống của ngư dân vùng biển như: Lễ hội cầu ngư, lễ bỏ mả của người Raglai…

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 7
Các nghệ nhân người M'Nông trình diễn sản xuất gốm tại gian triển lãm tỉnh Đắk Lắk

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai giới thiệu về Không gian di sản văn hóa cồng chiêng, Khan (sử thi) của người Ê Đê (Đắk Lắk), Sử thi của người Bana (Gia Lai), Lễ cầu mưa, Lễ hội mừng thọ của người M’nông… và các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, các sản vật tiêu biểu của địa phương: cà phê, cacao, tiêu…

Ông Nguyễn Xuân Tập (Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tỉnh Gia Lai) cho biết: Đoàn 22 nghệ nhân của tỉnh tham gia các hoạt động tại Triển lãm lần này đã mang đến Điện Biên nhiều tiết mục đặc sắc như: Biểu diễn cồng chiêng đón khách “Mừng chiến thắng Điện Biên”, bài chiêng “Đâm trâu”, hát giao duyên “Hẹn hò bên suối”, “Mẹ không cho, cha không đồng ý”, “Kuk kung pơrtôk bre mai”, tái hiện lễ bỏ mả…

Đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ: Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang giới thiệu các di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu của tỉnh, nghệ thuật đờn ca tài tử, du lịch sinh thái, cộng đồng…

Gian hàng của Bạc Liêu lúc nào cũng đông khách tới thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương. NSƯT Mỹ Hạnh, Phó giám đốc nhà hát Cao Văn Lầu chia sẻ rất vui và vinh dự vì được tham gia đoàn của tỉnh Bạc Liêu tham dự Triển lãm lần này, khi ngày Đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang tới gần”.

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 8
Gian hàng của Bạc Liêu lúc nào cũng đông khách tới thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử

Đoàn nghệ sĩ của tỉnh Bạc Liêu gồm: NSƯT Mỹ Hạnh, NSƯT Thanh Sử, Hồng Nhiên, Lâm Minh Nghiêm liên tục biểu diễn phục vụ du khách và người dân tới tham gia, thưởng thức. Đoàn biểu diễn các loại hình đờn ca tài tử, cải lương với các bài ca ca ngợi quê hương, các vị tướng, anh hùng cách mạng qua các thời kỳ…

Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; nét đẹp văn hoá của Bạc Liêu, đặc sản của Bạc Liêu để du khách hiểu hơn về miền đất phía Nam này. “Chúng tôi cũng mong muốn thu hút ngày càng nhiều du khách Điện Biên nói riêng, các tỉnh miền Bắc và du khách trên cả nước nói chung. Đồng thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Bạc Liêu để thu hút các nhà đầu tư du lịch tới đầu tư, phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch tới các địa phương”, ông Trần Thi, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Ở miền Bắc, tỉnh Lào Cai giới thiệu các di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội tiêu biểu của tỉnh như: Đền Thượng, Đền Mẫu, lễ hội đua ngựa Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa huyện Bắc Hà, ruộng bậc thang Sa Pa…

Giới thiệu các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với chinh phục đỉnh Fansipan, du lịch văn hóa cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát…

Không gian văn hoá sôi động, đầy màu sắc - ảnh 9
Du khách và người dân trải nghiệm đánh đàn đá tại gian trưng bày tỉnh Khánh Hoà

Tỉnh Thái Nguyên giới thiệu sâu về di tích lịch sử và lễ hội: An toàn khu Định Hóa, lễ hội Lồng tồng (dân tộc Tày), nghi lễ cấp sắc (dân tộc Sán Dìu), hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng… Giới thiệu các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè, ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương.

Không gian trưng bày của tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn giới thiệu: Tháp Bình Sơn, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, khu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo, du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch thể thao Golf…

Tỉnh Bắc Giang giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu của tỉnh như: dân ca quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - di sản tư liệu trong chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…

Không gian trưng bày của tỉnh Hưng Yên giới thiệu về kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, trong đó điểm nhấn là các di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, các bảo vật quốc gia, các loại hình di sản văn hóa phí vật thể tiêu biểu, các sản phẩm du lịch, du lịch tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyện đường bộ, du lịch lễ hội dân gian truyền thống, du lịch sinh thái, làng nghề…

Ninh Bình là tỉnh có nhiều di sản và danh lam thắng cảnh, tại Triển lãm lần này, Ninh Bình giới thiệu: Cố đô Hoa Lư, quần thể dan thắng Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm, rừng Cúc Phương, các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch: văn hóa lịch sử, sinh thái cảnh quan…