Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc

BẢO CHÂU, thiết kế: LÊ MẠNH
Chia sẻ

VHO - Tọa lạc tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một công trình trọng điểm quốc gia, không chỉ là điểm đến du lịch độc đáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia, nơi hội tụ và tái hiện sinh động bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 1

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một thiết chế văn hóa đặc thù mang tầm vóc quốc gia, đồng thời là biểu tượng sống động cho nỗ lực gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 2

Không chỉ đơn thuần là một điểm đến văn hóa – du lịch, nơi đây còn đóng vai trò như một “bảo tàng sống”, nơi hội tụ, giao thoa và kết tinh bản sắc văn hóa đa dạng nhưng thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 3
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc ” năm 2025. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Với chức năng cốt lõi là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò như một không gian thực hành văn hóa liên tục, nơi các giá trị phi vật thể như lễ hội dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, dân ca – dân vũ được “sống” trong đời sống thường nhật, chứ không chỉ tồn tại dưới dạng trưng bày tĩnh lặng.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 4
Chủ tịch nước Lương Cường đánh trống tại Lễ Khai hạ của dân tộc Mường và cùng đồng bào thực hiện nghi thức tưới những giọt nước đầu tiên xuống đồng, thực hiện nghi thức cày ruộng, cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm và trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống (2025).

 

Kiến trúc nhà ở, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống... không chỉ được bảo tồn nguyên gốc, mà còn được tái hiện trong không gian trải nghiệm tương tác, từ đó tạo điều kiện cho du khách trong nước và quốc tế tiếp cận, học hỏi và thấu hiểu một cách chân thực về văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc Việt Nam.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 5

Mỗi nếp nhà, điệu múa, câu hát ở đây không chỉ là sản phẩm nghệ thuật, mà còn là kết quả của quá trình lịch sử – xã hội, phản ánh chiều sâu tâm thức và triết lý sống của từng cộng đồng dân tộc. Làng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng trong việc xây dựng bản lĩnh văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 6
(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 7

Một điểm đặc biệt tạo nên sức sống bền bỉ cho Làng là chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”. Kể từ cuối năm 2015, Ban Quản lý Làng đã phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức hoạt động luân phiên cho đồng bào dân tộc về sinh sống, trình diễn và tái hiện các hoạt động văn hóa đặc trưng tại đây. Tính đến nay, hàng nghìn lượt đồng bào của 16 dân tộc như Tày, Nùng (Thái Nguyên), Dao (Tp. Hà Nội), Mông (Hà Giang), Mường (Hòa Bình), Thái, Lào, Khơ Mú (Sơn La), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng) đã luân phiên tham gia hoạt động thường xuyên, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại “Ngôi nhà chung”.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 8
Lễ mừng lúa mới (được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai sau khi thu hoạch mùa màng, nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Đây là dịp để bà con chung vui, hưởng thành quả lao động và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho dân làng sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Thông qua việc tái hiện lễ hội, phong tục, ẩm thực, dân ca, dân vũ và trình diễn nhạc cụ dân tộc, các nghệ nhân đã góp phần lan tỏa nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 9

Hàng năm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm vóc quốc gia, góp phần hiện thực hóa chính sách bảo tồn văn hóa và Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Có thể kể các sự kiện tiêu biểu như “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức vào dịp đầu Xuân; “Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4”, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” vào tháng 11 hằng năm.

Bên cạnh đó Làng thường xuyên tổ chức tái hiện các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ cưới người Dao Đỏ, Lễ mừng lúa mới của người Gia Rai, Lễ Nhô R’he của người Mạ, Tết Khù Sự Chà của dân tộc Hà Nhì, hay Lễ cấp sắc của người Dao, Phiên chợ vùng cao…

Các chương trình này không chỉ là nơi trình diễn các nét văn hóa đặc sắc mà còn là diễn đàn giao lưu, kết nối giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, và giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển du lịch văn hóa và giáo dục lòng tự hào dân tộc trong đời sống hiện đại.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 10

Đánh giá về vai trò trong việc bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Làng  Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giữ vai trò quan trọng  trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam. Là ngôi nhà chung, nơi hội tụ, kết nối các cộng đồng dân tộc, Làng không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc mà còn tái hiện môi trường sinh hoạt, trao đổi, giao lưu, trải nghiệm văn hóa sống động, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa bảo tồn di sản.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 11

Đồng thời, Làng là một điểm đến du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững bằng những hoạt động phong phú, độc đáo quảng bá sâu rộng bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Cách tiếp cận khoa học, chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức các hoạt động tại Làng tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài, bền vững, đồng thời khẳng định trách nhiệm của Làng trong việc gìn giữ và truyền tải giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc việt nam cho các thế hệ tương lai.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 12
Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII, các đại sứ và nhà ngoại giao, du khách quốc tế đến thăm và tìm hiểu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chuyến thăm không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết về bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em, mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam đa dạng, hòa bình và giàu truyền thống tới bạn
(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 13

Đất nước ngày càng phát triển, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đóng vai trò như một cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp văn hóa dân tộc không bị mai một mà ngược lại, được bảo tồn, số hóa và quảng bá mạnh mẽ đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức những sự kiện lớn, Làng còn là nơi phục vụ nghiên cứu văn hóa, đào tạo và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược nâng cao nội lực văn hóa dân tộc, củng cố bản sắc trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một địa chỉ văn hóa - du lịch, một biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, nơi gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt, là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người Việt Nam hôm nay với nguồn cội ngàn đời trong dòng chảy thời đại. Trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, nơi đây là minh chứng rõ nét cho sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và xu thế hiện đại, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

(Emagazine) Bài 1: Nơi hội tụ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc - ảnh 14