Chuyện người gác rừng nơi biên giới



5 giờ sáng, khi ánh mặt trời vừa lên, tiếng chim líu lo trên những tán rừng. Sau bữa cơm sáng, anh Đào Văn Giang (Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Phố – BQL Ngàn Phố) đã sốt ruột buộc lại dây ba lô, thúc giục anh em khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi tuần tra. Chuyến này, ngoài anh Giang còn có 7 anh em trong Ban tham gia. Hành trang của những người “gác” rừng là gạo, muối, cá khô, nước mắm, một ít đồ ăn sẵn cùng lều, võng, dự kiến đủ dùng trong 5 ngày.
Không tiếng còi xe, cũng không có lịch họp, ngày của người giữ rừng bắt đầu bằng tiếng chim gọi bạn và mùi khói bếp như thế…
“Chúng tôi đi kiểm tra theo tuyến. Có tuyến gần, đi trong ngày về, nhưng có những tuyến xa, giáp ranh với Lào, anh em phải đi 4 đến 5 ngày mới tới nơi. Ngày trèo đèo, lội suối; chiều xuống thì dừng chân dựng lán, anh em thổi cơm, mắc võng ngủ qua đêm. Sáng hôm sau lại tiếp tục hành trình”, anh Giang nói.

Anh Nguyễn Thế Anh (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Thủy Mai) bảo rằng, nhiều năm nay, anh sống giữa rừng nhiều hơn ở nhà. Sóng điện thoại chập chờn, vợ báo con ốm cũng chỉ biết ừ. Có năm về Tết đúng ngày mồng 3, hương trên bàn thờ đã tàn, bánh chưng đã lên men.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ những cánh rừng xanh phòng hộ, họ còn phải “gánh” thêm trọng trách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Khí hậu khắc nghiệt, gió Lào hun khô cả những vạt thực bì, chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể biến thành thảm họa. Trong những ngày nắng nóng cao điểm này, lực lượng BQL chia nhau trực phòng cháy hết sức căng thẳng, bởi nhân lực thì mỏng mà diện tích rừng có nguy cơ cháy lại cao. Phương châm được những người “gác” rừng đặt ra: Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời.

20 năm là cán bộ bảo vệ rừng, kinh qua đủ vị trí từ nhân viên tuần tra đến Phó Ban BQL Ngàn Phố, anh Đào Văn Giang không thể nhớ hết bao nhiêu lần mình đã phải đối mặt với giặc lửa, giặc gỗ và những hiểm nguy rình rập giữa đại ngàn.

Năm 2005, anh Giang được phân công về Trạm bảo vệ rừng Thủy Mai (xã Kim Hoa) – nơi được ví là “trạm ba không”: không điện, không đường, không nước sạch. Cái khó nhất không chỉ là vật chất thiếu thốn, mà là sự thách thức giữa rừng sâu, núi thẳm. Ngoài công tác PCCCR, trạm của anh còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép. “Lâm tặc hoạt động kín đáo, tinh vi. Có thời điểm, người gác rừng còn bị đe dọa, phục kích, phá lán trạm, gây áp lực về tinh thần. Nhưng nếu mình lùi bước, rừng sẽ mất”, anh Giang nhớ lại.
Nhiều đêm khuya, nhận tin báo rừng bị xâm hại, anh em lập tức khoác ba lô, băng rừng suốt mấy ngày trời để xác minh. Có hôm vừa từ núi về còn chưa kịp nghỉ, đã phải quay ngược lên địa bàn khác vì xuất hiện điểm lửa. Đời sống khó khăn, công việc vất vả nhưng chưa ai bỏ cuộc. “Vì chỉ cần mình nghỉ một hôm, có thể rừng sẽ không còn nữa…”, anh nói.

2 giờ sáng ngày 29.6.2019, chuông điện thoại đổ liên hồi. Đầu dây bên kia, giọng anh Đinh Xuân Thủy (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Sơn Lễ) báo gấp: “Có cháy trên đỉnh Muồng Chè!”. Không kịp chần chừ, anh Giang cùng anh em đơn vị mặc vội đồ bảo hộ, gùi máy móc, tức tốc băng rừng tiếp cận Tiểu khu 20 – nơi ngọn lửa đã bắt đầu nuốt chửng những tán thông cổ thụ.
Thời điểm đó, Hương Sơn đã 41 ngày không có mưa, gió Lào phả rát mặt. Địa hình dốc cao, điểm cháy ở vị trí hiểm trở khiến toàn bộ phương tiện cơ giới đều không thể tiếp cận. Lực lượng tại chỗ gần 400 người lập tức được huy động, chia thành nhiều mũi, cắt đường băng, dùng máy thổi, dao rựa phát cây dập lửa. Sau đó, hơn 600 người từ các đơn vị trong tỉnh cũng được điều động tiếp viện.

Để giữ vạt rừng không hóa tro, hàng trăm con người chấp nhận mạo hiểm. Máy xúc được huy động lên núi đào hào khoanh vùng. Dưới chân núi, những đội tình nguyện gùi nước, đồ ăn tiếp tế nhưng nhiều chuyến phải quay về vì lối đi quá hiểm trở. Trong đêm đen mù mịt, ngọn lửa rừng cuộn lên như cơn bão đỏ, từng ánh nhìn thảng thốt giữa biển lửa khiến anh em chỉ biết cùng nhau kề vai sát cánh…
